Connect with us

Khu vui chơi: Có lối nhưng ít người vào

Tin trong nước

Khu vui chơi: Có lối nhưng ít người vào

Nhu cầu lớn, tiềm năng hứa hẹn song các khu vui chơi cho trẻ em vẫn thiếu và các nhà đầu tư đang gặp khá nhiều trở ngại khi khai thác thị trường này.

“Số điểm vui chơi hiện có so với nhu cầu của trẻ em hiện chỉ như muối bỏ biển. Và không biết đến bao giờ trẻ em Việt Nam mới hết cơn khát khu vui chơi”, ông Lê Quang Hưng, Tổng Giám đốc KizCiti, một khu vui chơi giải trí kết hợp giáo dục (giáo dục và giải trí) nhận xét.

Nhu cầu lớn

Hiện nay, cả nước có 24,6 triệu trẻ em (từ 0 đến 16 tuổi), chiếm 27,5 % dân số. Chỉ tính riêng ở TP.HCM, số trẻ em dưới 16 tuổi cũng lên tới 1,7 triệu và chiếm trên 1/4 dân số thành phố. Thế nhưng số điểm vui chơi cho trẻ lại chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu này.

Trong khi sân chơi cho trẻ em tại các trường học thường khá chật hẹp và gần như chỉ là những bãi đất trống để trẻ thích chơi trò gì thì chơi thì những khu vui chơi ngoài trường cũng nghèo nàn và thiếu thốn không kém. Toàn TP.HCM có chưa đến 20 điểm vui chơi – giải trí và công viên có quy mô lớn. Trong đó, những khu vui chơi như Đầm Sen, Suối Tiên… lại khá xa trung tâm thành phố và là sân chơi chung cho nhiều đối tượng chứ không dành riêng cho trẻ em.

Đó là chưa kể, tại hầu hết công viên công cộng, ngoài trò “đi dạo” cùng bố mẹ thì trẻ em cũng chẳng có trò gì để chơi trong một không gian thường không mấy vệ sinh. Hơn nữa, công viên còn là chốn hẹn hò tâm sự của những đôi trai gái nên nhiều người e dè không dám đưa con cháu đến.

Cũng đã có những điểm vui chơi do tư nhân đầu tư xuất hiện nhưng phần lớn cơ sở vật chất thiếu thốn, đồ chơi và trò chơi nghèo nàn, thiếu vệ sinh. Đó là chưa kể, không gian chơi đùa cho trẻ em thường bị cắt xén tối đa để phục vụ cho những lĩnh vực kinh doanh sinh lời nhiều. Đội ngũ những người quản lý các khu vui chơi có kinh nghiệm cũng rất thiếu và thường không được đào tạo bài bản.

Có chủ đầu tư cố tìm mọi cách móc túi các bậc phụ huynh đưa trẻ đến chơi, mà quên rằng khách hàng của các khu vui chơi này không phải là người lớn. Khi trẻ đã chán một điểm vui chơi nào đó, rất khó để đưa chúng đến đó chơi lần thứ hai. Đó cũng là lý do không ít nhà đầu tư nhảy vào lĩnh vực kinh doanh này đã nhanh chóng thất bại sau một thời gian kinh doanh.

Đau đầu bài toán mặt bằng

Trong bối cảnh đó, đã có nhà đầu tư mạnh dạn đưa vào mô hình mới là khu vui chơi giải trí kết hợp giáo dục giúp trẻ em không chỉ có nơi vui chơi mà còn là nơi học tập bổ ích, như tiNiWord hay KizCiti. Tuy nhiên, những nhà đầu tư này đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

Hiện nay, tiNiWord có 9 điểm vui chơi chỉ sau 2 năm hoạt động. Mỗi tháng, tiNiWord thường đón trên 50.000 bé/9 điểm vui chơi. tiNiWord chia mỗi điểm thành từng khu vực trong đó có khoảng 60-70% hoạt động miễn phí, còn lại 30-40% hoạt động phải trả phí.

Mục tiêu của tiNiWord là tạo ra một sân chơi mang tính đại trà để hầu hết các bé ở những hoàn cảnh khác nhau đều có thể chơi tại đây. Thế nhưng điều này không hề dễ dàng bởi giá thuê mặt bằng có sự chênh lệch quá lớn giữa trung tâm và khu lân cận. Vậy là dù có muốn tạo sự công bằng trong vui chơi giữa các bé, tiNiWord đành chọn cách thu vé vào cổng khác nhau ở từng điểm vui chơi với giá dao động từ 30.000-60.000 đồng/vé để cân đối với giá thuê mặt bằng.

Cũng với mô hình giải trí kết hợp giáo dục, KizCiti mang đến những trải nghiệm thực tế cho các bé như những công dân thực thụ với trên 20 trò chơi mô phỏng trên 20 ngành nghề khác nhau như bác sĩ, kĩ sư, phi công, nhân viên cứu hỏa, nhân viên văn phòng…

Để có một khu phức hợp vui chơi trên tổng diện tích gần 20.000 m2 tọa lạc tại trung tâm quận 4, TP.HCM, KizCiti đã rót vốn đầu tư ban đầu 40 tỉ đồng, chưa kể tiền mặt bằng được Ủy ban Nhân dân TP.HCM tài trợ.

Theo dự kiến, ngày thường KizCiti sẽ đón khoảng 400-500 lượt bé. Vào ngày lễ, con số này có thể lên tới 1.200-1.500 lượt với giá vé trọn gói là 180.000 đồng/ngày thường và 220.000 đồng/ngày lễ. Chẳng hạn số khách 400 bé/ngày thì mỗi tháng KizCiti thu về ít nhất cũng khoảng 2,7 tỉ đồng (chưa kể tiền vé cho mỗi người lớn đi kèm là 50.000 đồng/lượt).

Một thực tế là nhu cầu vui chơi của trẻ đang phải đối mặt với nghịch lý quá lớn bởi thời gian học tập quá nặng nề tại trường học. Tuy vậy, theo ông Hưng, Tổng Giám đốc KizCiti, với tiêu chí là khu vui chơi giải trí kết hợp giáo dục, KizCiti sẽ có một lượng khách hàng tiềm năng từ các trường học. Ông hy vọng KizCiti thứ hai sẽ sớm ra đời sau khi KizCiti quận 4 đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng yếu tố mặt bằng là trở ngại lớn nhất khi mở khu vui chơi trẻ em bởi mặt bằng sẽ chiếm không dưới 70% tổng vốn đầu tư. Đây là thách thức không nhỏ cản bước những nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one + fifteen =

To Top