Connect with us

‘Không nên lạm dụng giáo sư, bác sỹ vào quảng cáo

Tin trong nước

‘Không nên lạm dụng giáo sư, bác sỹ vào quảng cáo

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng trong luật quảng cáo cần nêu rõ: "Không nên lạm dụng người nổi tiếng, bác sỹ, chuyên gia vào quảng cáo".

– Có một thực tế là người tiếp nhận quảng cáo khi bị thiệt thòi thì không biết phải làm thế nào. Luật quảng cáo có giúp giải quyết vấn đề này không?

– Đúng là điều này còn chưa rõ. Tôi đề nghị trong luật quảng cáo phải ghi rõ cơ quan quản lý Nhà nước đứng ra xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo của công dân. Hiện nay, đối với quảng cáo, cơ quan được nhiều đại biểu thống nhất quản lý là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng một số đại biểu đưa ý kiến là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nội dung này chắc chắn phải lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi thông qua. Trong đó bao gồm cả những điều cấm quảng cáo như sai sự thật, ảnh hưởng trẻ em, bình đẳng giới, phương hại đến việc bảo vệ thiếu niên, nhi đồng. Luật của chúng ta mới đến bước cho ý kiến của các đại biểu quốc hội, dần dần rồi sẽ bổ sung, chắt lọc, thừa hưởng từ pháp lệnh cũ, nâng lên thành luật.

– Theo quan điểm của ông thì Bộ nào quản lý thì sẽ hợp lý hơn?

– Như báo cáo thẩm tra của ủy ban, quảng cáo không chỉ đưa thông tin mà còn phải đảm bảo yếu tố thuần phong mỹ tục, văn hóa. Như vậy giao cho Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch là hợp lý. Bộ thông tin Truyền thông quản lý đến 80% phương tiện truyền thông nên đảm trách cũng có lý, nhưng Chính phủ, ban soạn thảo và ủy ban thẩm tra cân nhắc rất kỹ và thấy là giao cho Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch như hiện nay hợp lý hơn. Bởi bản thân từng phương tiên thông tin đại chúng có tính độc lập của họ. Nếu quảng cáo sai sự thật thì tổng biên tập, tổng giám đốc các đài truyền hình, phát thanh cũng phải chịu trách nhiệm.

– Hiện nay quảng cáo sai sự thật rất nhiều, nhất là những quảng cáo phòng khám. Ông có thể cho biết lý do nằm ở đâu?

– Tôi cho rằng trong luật quảng cáo phải tách bạch, như quảng cáo thuốc, phòng khám thì cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này là Bộ Y tế. Quảng cáo về thương mại, hàng hóa mà không đảm bảo thì trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương… Nhưng điều này phải đồng bộ. Ví dụ như nếu công ty dược có đóng dấu kiểm định chất lượng, chuyển lên cơ quan truyền thông mà nếu đó là quảng cáo sai sự thật thì chính người cấp giấy đăng ký phải chịu trách nhiệm.

– Quan điểm của ông về việc cán bộ, công chức, nhất là các giáo sư đứng ra quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ?

– Nội dung đó được bàn rất nhiều khi xây dựng báo cáo thẩm tra. Nếu lợi dụng danh nghĩa cá nhân, uy tín để quảng cáo cho sản phẩm không thực chất thì họ phải chịu trách nhiệm. Tôi đã từng hỏi thì một số giáo sư, bác sỹ, bản thân họ cũng không biết sản phẩm đó như thế nào.

Nếu giá và giá trị đúng như sản phẩm thì bác sỹ, giáo sư đứng ra quảng cáo là được, chỉ lo giá và giá trị không đúng như sự thật. Trong luật nên dùng từ tránh lợi dụng, lạm dụng người có chức vụ, địa vị hoặc cán bộ, công chức nhà nước để quảng cáo. Vì khi một bác sỹ, người nổi tiếng quảng cáo cho một sản phẩm nào đó thì người tiêu dùng thường có niềm tin hơn.

– Tại sao không cấm luôn thưa ông?

– Cấm luôn cũng khó vì đây là quyền công dân, chưa có luật dân sự nào cấm điều đó cả.

– Đã có tiền lệ nào về quảng cáo sai sự thật bị xử lý hình sự chưa, thưa ông?

– Tôi chưa thấy, nhưng xử lý hành chính, bồi thường cho nạn nhân, người bị hại tiếp nhận quảng cáo đã có. Ví dụ như giới thiệu mỹ phẩm này rất tốt, nhưng người mua dùng thì da bỏng rộp, bóc từng lớp da thì cơ quan sản xuất và người quảng cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chúng tôi cũng đề nghị nếu phương hại nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự chứ không chỉ phạt hành chính.

Theo vnexpress

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

15 − seven =

To Top