Tin trong nước
Không nên là nước đứng đầu xuất khẩu gạo
Mấy tháng trước đây, Tổ chức Lương thực và thực phẩm của Liên Hiệp Quốc (FAO) cảnh giác về tình trạng thiếu gạo trong năm nay và có thể sẽ kéo dài trong vài năm tới.Gần đây, cơn lũ lớn ở Thái Lan lại làm tăng thêm sự lo lắng này. Đã có nhiều ý kiến cho rằng phải chăng đây là cơ hội để Việt Nam, nước xuất khẩu gạo thứ hai, vươn lên vị trí hàng đầu, nhất là khi một số giới phân tích của Thái Lan nhận định rằng chính sách về lúa gạo của chính phủ mới của bà thủ tướng Yingluck đứng đầu có thể khiến nước này phải nhường lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo số một thế giới trong mấy chục năm qua cho Việt Nam.
Đây là chính sách mua gạo của nông dân với mức cao hơn giá thị trường để bảo đảm đời sống của người trồng lúa. Chính sách mới có thể đẩy lúa gạo Thái Lan ra khỏi thị trường xuất khẩu vì giá gạo thế giới đang thấp hơn nhiều so với giá cả mà chính phủ Thái Lan ấn định.
Các nhà quan sát nói rằng chính sách này cũng bóp méo giá cả trên thị trường trong nước, tác động đến người tiêu dùng và những người đóng thuế tại Thái Lan. Động thái đó sẽ giúp Việt Nam và các nhà xuất khẩu lúa gạo của một số nước khác hưởng lợi đáng kể nhờ có giá chào bán cạnh tranh.
Liệu điều này có đúng hay không dưới cách nhìn của các chuyên gia Việt Nam?
Trước hết, hãy nhìn về số lượng. Theo nhận định của tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, với diện tích trồng lúa khoảng 10,5 triệu hécta, mỗi năm Thái Lan sản xuất hơn 22 triệu tấn gạo, trong khi dân số chỉ khoảng 62 triệu người, nên có thể xuất khẩu trên 10 triệu tấn gạo.
Trong khi đó, Việt Nam có chưa đầy 4 triệu hécta trồng lúa, với dân số gần 90 triệu người, nên chỉ có thể xuất khẩu tối đa trên 7 triệu
tấn gạo dù dốc toàn lực vào sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, chính sách nâng giá mua gạo sẽ thúc đẩy nông dân Thái Lan mở rộng diện tích trồng lúa trong những năm tới.
Thực tế này khiến Việt Nam không thể vượt Thái Lan về mặt số lượng. Hiện nay Thái Lan chiếm khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu thế giới còn Việt Nam chiếm 20%. Số liệu thống kê cho thấy năm 2011 Thái Lan sẽ xuất khoảng 10 triệu tấn gạo còn Việt Nam dự kiến chỉ xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn mà thôi.
Thứ hai là về chất lượng. Gạo Thái Lan có uy tín trên thị trường xuất khẩu do nông dân của họ chỉ trồng vài ba giống tuy năng suất không cao nhưng có phẩm chất cao và được đăng ký thương hiệu rõ ràng. Còn chúng ta thì ngược lại, có cả trăm giống lúa, nông dân nơi nào cũng muốn trồng lúa có năng suất cao mà không chú ý nhiều đến phẩm chất.
Mặt khác, các thương lái mua lúa gạo về đem trộn lại để pha chế thành nhiều loại khác nhau. Cung cách làm ăn ấy khiến dù có xuất khẩu
nhiều cũng không tạo được thương hiệu. Giáo sư Võ Tòng Xuân đã từng nhận định để gạo Việt Nam tạo được uy tín trên thị trường thế giới, nhà nước cũng như người trồng lúa phải có chính sách rõ ràng.
Các đơn vị xuất khẩu phải chấm dứt cung cách làm ăn chụp giật và tuân thủ quy trình khoa học, không bắt chẹt người nông dân. Nông dân lại cần có nguồn nguyên liệu ổn định cho riêng mình, đăng ký giống nào sản xuất giống đó; hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải
đặt hàng cụ thể để cho nông dân sản xuất.
Thứ ba là về giá trị xuất khẩu thì gạo Việt Nam không thể bằng Thái Lan. Từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn gạo Thái từ vài chục đến cả trăm USD/tấn do chất lượng thấp và không đồng đều. Trên thị trường thế giới, có thể nói gạo Thái Lan dành cho người giàu còn gạo Việt Nam thì dành cho người nghèo.
Và cho dù có khắc phục được những yếu kém trên đây thì Việt Nam cũng không nên cố gắng trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu
thế giới trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về biến đổi khí hậu ở Đại học Cần Thơ, cho biết sản xuất lương thực ở ĐBSCL đã tới ngưỡng, nếu phát triển nữa sẽ phải trả giá. Thí dụ như để làm thêm vụ 3 thì phải tăng cường hệ thống đê bao như hiện nay, khiến ĐBSCL luôn phải
đối phó với các trận lũ lụt lớn.
Hơn 1,5 triệu ha vùng ngập sâu 2m của Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên tựa như hai túi chứa nước của cả vùng ĐBSCL trong mùa lũ lụt và điều tiết nước trong mùa khô. Nếu vì tăng diện tích lúa mà phải tạo bao đê ngăn lũ sẽ phá vỡ hệ thống điều tiết tự nhiên này, tác hại về môi trường sẽ không thể lường hết được.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước thuộc Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế, đã tính toán một danh sách dài những chi phí tiềm năng trong sản xuất lúa vụ 3.
Đó là chi phí đầu tư xây dựng và duy tu đê; chi phí nhân lực, tài lực, vật lực cứu đê, cứu lúa; thiệt hại của những diện tích không cứu kịp. Đất và con người không được nghỉ ngơi để hồi sức, phù sa không vào đồng được, mất nguồn dinh dưỡng tự nhiên khiến cho đất bị kiệt dinh dưỡng và chi phí sản xuất sẽ tăng.
Hệ thống đê bao làm giảm diện tích nhận nước vào đồng ruộng, làm nước chảy xiết hơn trong kênh mương dẫn đến sạt lở và tăng ngập ở những nơi khác, kể cả những thành phố, làng mạc ở phía hạ lưu.
Tình trạng này làm tăng chi phí chống sạt lở và các biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng con người; tăng chi phí nạo vét cửa sông Mekông phục vụ giao thông thủy do phù sa thay vì bồi lắng trên đồng thì bị trôi xuống vùng cửa sông; mất nguồn cá và tài nguyên thiên nhiên, sinh kế mùa lũ; nước thoát ra biển nhanh hơn trong mùa lũ, gây xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô.
Từ đó, ông Thiện đề nghị: “Cần phải giải bài toán chi phí – lợi ích của việc canh tác lúa vụ 3 trong mùa lũ để xem giữa tổng lợi ích và tổng chi phí cái nào lớn hơn”.
Đó là chưa kể hệ thống thủy lợi hiện hữu không cho phép chúng ta tăng sản lượng, hệ thống bảo quản sau thu hoạch cũng không đủ điều kiện nâng cao chất lượng gạo, thế thì không nên tính tới chuyện trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu.
Theo DNSG