Tin trong nước
Khốn đốn siêu thị Việt ở Campuchia
Đến đầu 2012, ở Campuchia có 3 siêu thị Việt, chủ yếu ở Phnom Penh, nay chỉ còn 1 siêu thị đang cầm cự, trong khi đó 1 siêu thị không biết sẽ đóng cửa khi nào. Đó là thực trạng kinh doanh siêu thị của các DN VN tại Campuchia hiện nay.Cầm cự cũng khó
Tầng 2 của siêu thị Việt Nam nằm trên đại lộ Monivong, thủ đô Phnom Penh, với 180 gian hàng của các doanh nghiệp (DN) VN tấp nập người ra vào mua bán, không khí sôi động. Tuy nhiên, đó là hình ảnh của hơn 2 năm trước. Giờ đây không khí vắng lặng bao trùm cả tầng với diện tích hơn 2.000 m2 này, sau khi những gian hàng cuối cùng đóng cửa và các DN rút về nước. Tầng 1 của siêu thị 3 tầng này trưng bày, bán hàng VN chất lượng cao, được xem là niềm tự hào của VN ở Phnom Penh, cũng không mấy sáng sủa. Lác đác vài nhóm khách vào mua sắm ban ngày. Chiều tối, khách có đông hơn nhưng với một siêu thị quy mô lớn nằm trong khu vực trung tâm thì với lượng khách đó quả là ít ỏi.
Các siêu thị Việt khác ở Campuchia cũng đang lâm vào cảnh chợ chiều, khốn đốn. Ông Lê Minh, Giám đốc siêu thị VN, cho biết không phải đang trong mùa thấp điểm mà cả lúc cao điểm mua sắm khách đến siêu thị cũng không nhiều. Khác với thời gian đầu siêu thị VN (khai trương vào cuối 2010) thu hút khá đông khách, khiến nhà đầu tư tin tưởng kế hoạch phát triển siêu thị Việt ở Campuchia, lượng khách sau đó cứ giảm dần, số DN từ VN sang cũng vì thế thưa bớt, rồi rút hẳn dù chủ siêu thị đã tìm đủ mọi cách giữ chân, kể cả việc giảm giá thuê mặt bằng xuống đến mức thấp như cho không. Theo ông Minh, siêu thị VN đang trong tình trạng thu không đủ bù chi. “Với tình hình này không biết chúng tôi có thể cầm cự được bao lâu hay phải chuyển đổi để có thể đeo đuổi mục tiêu duy trì hàng Việt ở Campuchia”, ông Minh xót xa nói với PV Thanh Niên.
Nhờ trường vốn, siêu thị VN còn cầm cự được, chứ như Satra (Tổng công ty thương mại Sài Gòn) đã phải đầu hàng. Chỉ 1 năm sau khi khai trương, siêu thị này đã phải rút khỏi Campuchia một cách thầm lặng vì không chịu đựng được tình trạng ế ẩm, thua lỗ. Saigon Co-op nhiều lần đánh tiếng mở siêu thị khi Satra còn chưa bắt đầu, nhưng cho đến nay chưa thấy Co-op Mart xuất hiện tại Phnom Penh, ngay cả khi tập đoàn bán lẻ hàng đầu VN này được siêu thị VN chào mời chuyển nhượng cả một mặt bằng lớn ở vị trí đẹp của Phnom Penh.
Phải đóng đủ thứ phí
Vinamart là siêu thị đầu tiên chuyên bán hàng Việt và có 11 năm trên đất Campuchia, nhưng Giám đốc Vinamart Lê Hồng Thuyên cũng phải thốt lên: “Khó khăn quá”. Bà Thuyên cho biết, năm ngoái cũng khó khăn nhưng kết quả không quá tệ, từ đầu năm đến nay, khách hàng đến siêu thị ngày một thưa dần, tiêu dùng của người dân ở đây sụt giảm đáng kể. “Ngày trước mỗi tuần Vinamart có vài đợt nhập hàng từ VN là bình thường. Giờ cả tháng Vinamart không dám nhập thêm hàng vì sợ tồn kho, găm vốn”, bà Thuyên tâm sự. Tiêu thụ của Vinamart từ đầu năm đến nay giảm ít nhất 25% so với trước, khiến bà giám đốc siêu thị Việt lo lắng.
Theo ông Minh, thói quen tiêu dùng của người Campuchia vẫn chưa thoát khỏi chợ truyền thống. Hơn 70% người dân thích mua sắm ở chợ với giá rẻ hơn, chỉ khoảng 30% thích đi siêu thị và chấp nhận mặt bằng giá ở đây. Chưa nói việc cạnh tranh gay gắt của hàng Thái và Trung Quốc.
Ngoài ra, DN phải chi đủ thứ chi phí, từ phí an ninh, giao thông, bảng hiệu, vệ sinh… thậm chí có những khoản chi nghe rất khó tin.
Đến đầu 2012, ở Campuchia có 3 siêu thị Việt, chủ yếu ở Phnom Penh, nay chỉ còn 1 siêu thị đang cầm cự, trong khi đó 1 siêu thị không biết sẽ đóng cửa khi nào. Đó là thực trạng kinh doanh siêu thị của các DN VN tại Campuchia hiện nay.
Theo TN