Tin trong nước
HVG mở rộng thâu tóm doanh nghiệp Thủy sản
Giữa tháng 7.2011, Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) cho biết đã mua thành công hơn 2,7 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre (FBT), gần bằng 100% lượng đăng ký mua (2,8 triệu cổ phiếu).Tỉ lệ cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch là 24,18%. Điều đáng nói là HVG đã trả 12.000 đồng cho mỗi cổ phiếu, gấp đôi giá trị thị trường của FBT trong khi FBT đang làm ăn thua lỗ (lỗ 46,9 tỉ đồng năm 2010).
Tuy nhiên, HVG cho rằng việc bỏ ra 33,6 tỉ đồng để sở hữu một công ty có 800 ha mặt nước nuôi trồng, tương đương khoảng hơn 1.000 ha đất, là hợp lý. FBT còn có một lợi thế khác là có quy trình nuôi khép kín từ sản xuất con giống, nuôi, chăm sóc cho đến chế biến. Khi nắm cổ phần lớn ở FBT, HVG kỳ vọng doanh số của các công ty thuộc HVG (HVG có 7 công ty con và công ty liên kết) sẽ đạt 10.000 tỉ đồng mỗi năm.
Trên thực tế, thâu tóm các doanh nghiệp thủy sản không là chuyện mới tại HVG. Trong những năm gần đây, mỗi năm HVG đều mua lại một doanh nghiệp. Năm 2008, HVG đã mua lại nhà máy thức ăn chăn nuôi Việt Thắng. Trước đó, năm 2007, HVG đã đầu tư 150 tỉ đồng vào nhà máy chế biến thức ăn Tây Nam.
Đặc biệt, năm 2010, HVG đã mua 3,75 triệu cổ phiếu của Công ty Thủy sản An Giang (AGF), nâng tỉ lệ nắm giữ tại công ty này lên 51,08% (gần 6,57 triệu cổ phiếu). Mới đây, ngày 5.5.2011, HVG cũng công bố sẽ mua thêm hơn 1 triệu cổ phiếu AGF (tương đương 9% vốn). Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, giao dịch đã không thành công và HVG vẫn nắm giữ 51,08% cổ phần tại AGF.
HVG cho biết, thương vụ AGF đã đem lại cho HVG 3 nhà máy và 3.500 công nhân lành nghề. Trong khi đó, nếu đầu tư từ đầu, Công ty cũng phải mất 2 năm. Đó là chưa kể phải tốn kém thêm cho việc xây dựng thương hiệu, mạng lưới.
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp thuộc HVG chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ, Tây Âu và Nga. HVG hy vọng, sau khi chứng minh được vai trò của mình ở FBT, HVG có thể chào mua công khai để chiếm cổ phần chi phối tại FBT vào năm 2012. Có thêm FBT, HVG có thể chủ động 100% nguồn nguyên liệu và AGF có thể chủ động được 90% nguồn nguyên liệu, thay vì mức 30% hiện nay.
Trong quý I/2011, doanh thu hợp nhất của HVG đạt gần 1.800 tỉ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 115,16 tỉ đồng, tăng hơn 58%.
Theo NCĐT