Connect with us

HP chưa từ bỏ giấc mộng máy tính bảng

Tin quốc tế

HP chưa từ bỏ giấc mộng máy tính bảng

Các quan chức của Hãng PC số 1 thế giới thừa nhận, việc tách nhóm PC thành một công ty độc lập là lựa chọn có lợi nhất cho các cổ đông HP lúc này. Và dù sẽ khai tử TouchPad cùng hệ điều hành webOS nhưng không có nghĩa HP sẽ từ bỏ hẳn thị trường tablet béo bở.

Cách đây 2 tuần, HP đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi thông báo có thể chia tách mảng PC (PCG) để tập trung nguồn lực cho phần mềm và dịch vụ, không loại trừ khả năng sẽ bán lại mảng này cho một đối tác quan tâm. Tuy nhiên, cả giới phân tích lẫn bản thân giới chức HP đều nghiêng về hướng duy trì PSG như một công ty độc lập hơn là “bán đứt” vì nhiều lý do.

Trước hết, việc tách nhóm đồng nghĩa với việc mảng PC sẽ vẫn nhận được sự hỗ trợ từ HP và hãng sẽ vẫn tiếp tục phát triển việc kinh doanh máy tính chứ không phải sự “tháo chạy” như nhiều cổ đông nghi ngại.

“HP vẫn là nhà sản xuất phần cứng lớn nhất thị trường hiện nay. Đó vẫn là một vị thế tuyệt vời để bán các sản phẩm phần mềm và dịch vụ đi kèm, nhất là khi HP phải cạnh tranh với những gã khổng lồ phần mềm/dịch vụ như IBM hay Oracle”, hãng nghiên cứu Gartner bình luận. “Công nghệ, kinh nghiệm, mạng lưới phân phối, kênh đối tác hiện hành mà HP đã tích lũy suốt 30 năm tồn tại… đó đều là những di sản quý giá không dễ gì từ bỏ”.

Quyết định cuối cùng của Ban quản trị HP sẽ được đưa ra sớm nhất có thể, nhưng Phó Chủ tịch toàn cầu phụt rách nhóm Máy tính cá nhân Todd Bradley tuyên bố, ông sẵn sàng lãnh đạo bất cứ công ty độc lập nào và sẽ dốc sức để gây dựng nó thành một hãng máy tính “đủ lông đủ cánh”. Khi được hỏi liệu tương lai của công ty độc lập đó có chỗ đứng nào dành cho máy tính bảng hay không, Bradley trả lời: “Tất nhiên là có rồi. Điện toán Tablet là một phần không thể tách rời với thị trường PC hiện nay”.

Việc bán lại mảng PC cho một đối thủ như Acer (hãng đã mua lại Gateway hồi năm 2007) hay Lenovo (đã mua lại mảng PC của IBM vào năm 2004) đều không phải là lựa chọn tối ưu và mang lại nhiều giá trị nhất cho các cổ đông, Bradley chia sẻ. Chính vì thế, ông này đang có chuyến công tác đến một loạt thị trường châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc để khẳng định với các nhân viên, nhà cung cấp, giới truyền thông rằng mảng PC của HP vẫn rất mạnh cũng như gắn bó chặt chẽ với khu vực châu Á.

Theo đó, HP sẽ tăng cường đầu tư tại Thượng Hải và trong vòng 3 năm tới sẽ mở rộng cơ sở sản xuất tại thành phố này và biến Thượng Hải thành “đại bản doanh khu vực” của mảng PC. Về phần các đối tác và nhà cung cấp, Bradley tin rằng họ sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng từ việc mảng PC tách riêng thành công ty độc lập. “Suy cho cùng, chúng tôi vẫn là một trong những đối tác lớn nhất của Microsoft hay Intel”.

“PC vẫn là một thị trường tối quan trọng của ngành công nghiệp công nghệ, là trung tâm của hệ sinh thái phần cứng – phần mềm – dịch vụ. Về phần mình, HP đã được rất nhiều từ ngôi vị Hãng PC số 1 thế giới sau khi thâu tóm Compaq cách đây 1 thập kỷ: Doanh thu thường niên của HP cao gần gấp đôi so với đối thủ gần nhất là Dell”, Fortune phân tích. “Vì thế, việc từ bỏ hoàn toàn thị trường sẽ không phải là lựa chọn đầu bảng của ban giám đốc HP”.

Còn hãng nghiên cứu Rodman & Renshaw thì ví von: Steve Jobs đã cho chúng ta thấy sản phẩm công nghệ cũng giống như phương tiện xe cộ. Nó là sự liên kết cần thiết cho dịch vụ và phần mềm. Vì thế, sẽ rất đáng tiếc nếu HP từ bỏ hoàn toàn phần cứng”.

Rahul Sood, một cựu quan chức của HP cũng tán đồng quan điểm này. “Thế giới cần có phần cứng để có thể kiếm tiền từ phần mềm. Hiện tại, không một công ty phần cứng nào lớn hơn HP. Nếu như họ có thể cân đối công việc kinh doanh của mình một cách hợp lý, gần như không ai có thể chặn đường họ”.

Theo Vietnamnet

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 + five =

To Top