Connect with us

Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Gom bạc cắc

Tin trong nước

Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Gom bạc cắc

Thiếu tính sáng tạo đang là "điểm nghẽn" đối với sự phát triển của ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, khiến ngành này hiện mới chỉ gom được... bạc cắc.

Rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa quá nhiều vào mẫu mã nước ngoài, thiếu tính sáng tạo và cách làm mới nên lạc hậu so với xu hướng tiêu dùng của thế giới. Ngoại trừ một số doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu có giá trị lớn với nước ngoài, đa số cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu là bán lẻ. Đây chính là rào cản trên đường xuất ngoại của những sản phẩm này.

Giá thấp vì thiếu mẫu mã mới

Theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft), năm 2012 kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 1,6 tỷ USD, trong đó Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 40%; kế đến là thị trường EU, 30%. Tuy vậy, theo ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký VietCraft, so với năm 2011, lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu đều giảm, chỉ đạt trên dưới 10% (trước đây từ 15-20%). Với mức lợi nhuận này, các doanh nghiệp rất khó tái đầu tư sản xuất. Ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi cho biết, năm 2012 đơn hàng của công ty này giảm 60% so với năm 2011. Sang năm 2013, giá lại tiếp tục giảm trung bình khoảng 5% so với năm ngoái, cá biệt có những mẫu giảm tới gần 10%. “Với thực tế như thế, khéo co lắm cũng chỉ đạt mức hòa vốn”, ông Hùng than.

Thực tế này được ông Lê Bá Ngọc lý giải: doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam thường làm việc với những nhà nhập khẩu lớn, đơn hàng nhỏ nhất của họ cũng là từ 2-3 triệu USD. Tổng giá trị mua hàng của họ mỗi năm vào khoảng 100 triệu USD. Và theo những nhà nhập khẩu giải thích, đơn hàng lớn như vậy nhưng lợi nhuận họ thu về lại thấp, nên tất cả các nhà nhập khẩu hàng năm đều yêu cầu giảm giá 3 – 5%. Đó là điều kiện hợp tác của họ, muốn có hợp đồng ta buộc phải theo. Nhưng bên cạnh đó, điểm mấu chốt là gần đây nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất hàng theo công thức cũ, chưa có những sáng tạo mới và đầu tư công nghệ cao cho quy trình sản xuất nên sản phẩm không tinh, dẫn đến giá thấp. Mặt khác, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đa phần mẫu mã đơn điệu, chỉ dựa theo các mặt hàng truyền thống đã cũ nên sản phẩm lạc hậu so với xu hướng tiêu dùng của thế giới. Kể từ khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ phải đối mặt với không ít thách thức, kể cả việc phải cạnh tranh gay gắt với hai cường quốc ở lĩnh vực này là Trung Quốc và Ấn Độ. Đây chính là những nguyên nhân khiến sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Việt nam thêm phần khó khăn trong bối cảnh hoàn toàn lệ thuộc vào xuất khẩu.

Chưa biết khách hàng cần gì

Mặc dù nhiều sản phẩm từ mây tre đan, sơn mài, đồ gốm sứ… mang đặc trưng văn hóa dân tộc, thu hút sự quan tâm của khách nước ngoài, nhưng các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vẫn chưa bỏ công sức nghiên cứu thấu đáo thị hiếu người tiêu dùng nên chỉ dừng lại ở việc cung cấp những gì mình có chứ chưa chủ động cung cấp cái thị trường cần. Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng Đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tại TP.HCM nhìn nhận: hiện không ít doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ theo đúng kiểu của các làng nghề. Đó là phát triển thụ động theo những mẫu mã cũ, có đơn hàng đến đâu làm đến đó hoặc cứ làm ra rồi chờ khách hàng, chủ yếu là khách hàng mua lẻ. Đối với các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), đòi hỏi về tính mỹ thuật và văn hóa trên mỗi sản phẩm là rất cao. Cụ thể, với người Mỹ ít nhất sản phẩm phải thể hiện được tính văn hóa bản địa, dấu ấn cá nhân hay họ có thể gửi gắm một ý tưởng gì vào đó. Quan trọng hơn, mỗi sản phẩm phải thật sự là một tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng, có rất ít sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt được những tiêu chí này.

Hàng năm, Việt Nam xuất sang Nhật khoảng 7 triệu USD các loại thảm, 16 triệu USD hàng lụa tơ tằm, riêng đồ gốm sứ tăng mạnh trong thời gian gần đây, khoảng 9 triệu USD và là mặt hàng tiềm năng. Nhưng theo ông Hiroshi Sakamoto, chuyên gia về hàng trang trí nội thất của Trung tâm xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN – Nhật Bản (AJC), con số trên chưa thể hiện hết tiềm năng của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam, nếu nắm bắt đúng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng Nhật Bản.

Để làm được điều đó, doanh nghiệp Việt Nam thay vì ngồi chờ đơn hàng, phải tìm hiểu kỹ thị hiếu của thị trường này để chủ động đến với khách hàng. Doanh nghiệp Việt Nam cũng nên hợp tác với những nhà thiết kế Nhật Bản để nắm bắt xu hướng mới của người tiêu dùng, trên cơ sở đó sản xuất ra sản phẩm phù hợp. Sản xuất là chưa đủ mà cần chú trọng làm ra sản phẩm có tính năng nổi trội, độc đáo. Ông Sakamoto nhấn mạnh một điều: doanh nghiệp không nên sao chép mẫu hàng của người khác mà phải tự mình nghĩ mới, làm mới.

Theo DDDN

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 + 15 =

To Top