Tin quốc tế
Hàng hiệu giảm tốc?
Cổ phiếu của một loạt các công ty quản lý thương hiệu hàng hiệu giảm giá trị trong tháng 7, doanh số bán hàng chậm lại tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, đã khiến các nhà đầu tư thất vọng.Theo nhiều báo cáo, các trung tâm thương mại sang trọng và tổ hợp mua sắm cao cấp của Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng trở nên trống trải.
Thị trường mới nổi được dự đoán sẽ tạo ra sự tăng trưởng 2 con số trong thập kỷ tới, nhưng hiện tại, dường như cuộc khủng hoảng toàn cầu đang làm chậm lại các nền kinh tế này và giết chết tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại dù là ở Trung Quốc hay Ấn Độ, cũng khó có thể đổ lỗi cho xu hướng tiêu dùng hàng hiệu đang giảm tốc.
Thị trường hàng hiệu bị thổi phồng
Nền kinh tế Trung Quốc có quy mô 7.500 tỉ USD đã giảm tốc độ tăng trưởng từ 8,1% trong quý I xuống 7,6% trong quý II/2012. Sự suy giảm này có 2/3 đóng góp đến từ phía đầu tư chứ không phải tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều nhà phân tích đã phóng đại quá mức kích thước của phân khúc thị trường hàng hiệu tại các thị trường mới nổi. Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong nhóm kinh tế mới nổi, với 1,6 triệu hộ gia đình được coi là giàu (theo chuẩn giàu, 1 năm thu nhập tối thiểu của gia đình đạt 150.000 USD). Nhưng con số này vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với các nước khác như Nhật (4,6 triệu hộ) và chỉ là một phần nhỏ so với 19,2 triệu hộ ở Mỹ. Con số này ở Ấn Độ là 700.000 và Brazil 1 triệu.
Tăng trưởng bùng nổ ở phân khúc này tại các thị trường mới nổi trong những năm gần đây chỉ phản ánh một điều. Đó là các thị trường này chưa từng được khai thác trước đó nên tăng trưởng đã đi lên từ con số không hoặc một số lượng rất nhỏ mang lại cái nhìn choáng ngợp khi quy ra phần trăm tốc độ. Sự suy giảm ở đây chỉ là một biểu hiện khác của bão hòa sức mua. Số lượng các hộ gia đình có thu nhập cao hiện vẫn phát triển, thế nhưng không theo kịp tốc độ dự đoán 30-40% của các nhà phân tích. Điều đó không có nghĩa thị trường mới nổi không còn khả năng tăng trưởng, nhưng kỳ vọng nào cũng cần được kiểm tra.
Mặc dù kinh tế bùng nổ suốt một thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn còn 164 triệu hộ gia đình được xếp vào diện nghèo (thu nhập hằng năm dưới 5.000 USD), gấp 100 lần số lượng hộ giàu. Nhóm thu nhập từ 5.000-15.000 USD vẫn còn ở mức 172 triệu hộ. Con số này tại Ấn Độ lần lượt là 104 và 107 triệu. Điều này cho thấy mặt bằng chung và nhận thức xã hội ở các thị trường mới nổi này phải còn rất lâu mới cập tới trình độ của các nước phát triển. Do đó, ý thức tiêu dùng hàng hiệu, thẩm mỹ và thị hiếu cũng còn nhiều hạn chế.
Châu Á: Thị trường tiêu dùng khổng lồ
Các nhà phân tích kỳ vọng trong 20 năm nữa, khi các nước mới nổi trở thành nước phát triển, mọi việc sẽ có biến chuyển. Sự chuyển đổi tích cực này sẽ diễn ra ở hàng loạt các quốc gia châu Á. Ước tính 18% giới trung lưu toàn thế giới đang sống ở Bắc Mỹ, 36% ở châu Âu và 28% ở châu Á.
Theo dự đoán của nhà kinh tế Homi Kharas, Viện Brookings, tới năm 2030, tầng lớp trung lưu thế giới sẽ có tới 2/3 là cư dân châu Á.
Tất nhiên, sự gia tăng này không phải là thay đổi duy nhất về mặt kinh tế, nó còn kéo theo một sự thay đổi sâu sắc về xã hội học, nhân khẩu học và tạo ra một thị trường tiêu dùng khổng lồ. Sự lão hóa của các thị trường phát triển đã được biết tới từ lâu nay, nhưng dữ liệu nghiên cứu đã cho thấy các nền kinh tế mới nổi lão hóa thậm chí nhanh hơn.
Độ tuổi trung bình hiện nay ở Trung Quốc là 34,5, so với 36,9 của Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 2030 thì con số này ở Trung Quốc sẽ là 42,5 tuổi, so với 39,1 của Mỹ. Ở Nga, con số này thậm chí còn cao hơn: 43,3 tuổi.
Bản chất tiêu dùng của các đơn vị tế bào xã hội – các gia đình, cũng thay đổi nhanh chóng. Trong hầu hết các nước đang phát triển, hạt nhân gia đình truyền thống đang suy giảm nghiêm trọng và dần bị các gia đình đơn thân thay thế. Tại Đức, 39% số hộ gia đình chỉ có 1 người duy nhất. Ở Anh là 19% và Mỹ, 22%.
Những thay đổi sâu sắc này sẽ ảnh hưởng tới tương lai của thị trường tiêu dùng. Và tầng lớp trung lưu châu Á sẽ là cốt lõi của bức tranh tiêu dùng mới này.
Theo NCĐT