Connect with us

Hai xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ Việt Nam trong tương lai

Tin trong nước

Hai xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ Việt Nam trong tương lai

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài khi bước chân vào thị trường Việt Nam đều mong muốn xây dựng mạng lưới rộng khắp, nhưng lại thất bại và rời bỏ cuộc chơi. Nguyên nhân không đến từ sự thiếu hụt tài chính mà là do chưa áp dụng được xu thế địa phương hoá, cá nhân hoá trong quá trình phát triển.

Rời bỏ cuộc chơi vì không hiểu được thị trường

Thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2019 đã đi được hơn 3/4 chặng đường. Trong 10 tháng qua, thị trường bán lẻ Việt đã chứng kiến nhiều vụ mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp bán lẻ lớn.

Điển hình là vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Auchan Reatil (Pháp) của Saigon Co.op vào tháng 6/2019, hay vụ thâu tóm Z-Mart (4/2019), Shop & Go (4/2019) và Queenland Mart (9/2019) của Vincommerce.

Đi cùng với đó là sự thất bại liên tiếp của các ông lớn nước ngoài như Metro, Auchan, Casino Group (Pháp), Parkson…, buộc phải tuyên bố rời khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam. Một số doanh nghiệp bán lẻ khác như 7-Eleven, GS25 của Hàn Quốc… gần như chỉ đang tạm duy trì.

Những ví dụ đó cho thấy, không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia bán lẻ lại nhận định, Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng không hề “dễ nuốt”. Nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có tên tuổi và tầm cỡ thế giới tại Việt Nam xuất phát từ việc không am hiểu thị trường.

“Rất nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi bước chân vào thị trường Việt Nam đều mong muốn sẽ xây dựng được mạng lưới, độ phủ sóng lớn. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều đó.

Nguyên nhân là do những hạn chế không chỉ về mặt kinh tế, tài chính mà còn cả lịch sử, con người, mối quan hệ cũng như độ thâm nhập vào thị trường Việt Nam”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nói với VnEconomy.

Theo bà Loan, mỗi một thị trường đều có những đặc thù rất riêng và trong thị trường bán lẻ Việt Nam lại còn phân chia ra nhiều khu vực và thị trường nhỏ lẻ khác. Chẳng hạn, thị trường bán lẻ miền Bắc và miền Nam sẽ mang hai đặc tính khác nhau, khu vực thành thị và nông thôn cũng có những điểm khác biệt.

Từ đó, để đạt được độ phủ rộng khắp 63 tỉnh thành, đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ phải có sự hiểu biết nhất định về vùng miền, địa phương, cũng như chiến lược phát triển toàn diện để có thể phục vụ được tất cả các khách hàng.

“Nhiều doanh nghiệp bán lẻ thất bại chính là do không hiểu được thị trường và tâm lý của người tiêu dùng Việt”, bà Loan nhận định.

Địa phương hoá – xu hướng nổi bật của thị trường bán lẻ tương lai

Rút kinh nghiệm từ các doanh nghiệp bán lẻ đã thất bại, thời gian gần đây các cụm từ địa phương hóa, cá nhân hoá đang được nhắc đến nhiều trên thị trường bán lẻ.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, đây chính là hai xu hướng nổi bật đang được các doanh nghiệp bán lẻ trong nước tiếp thu từ thị trường bán lẻ tiên tiến trên thế giới, sau đó áp dụng vào Việt Nam.

Theo đó, địa phương hoá là xu hướng tập hợp các sở thích, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng địa phương để xây dựng một danh mục hàng hoá cung ứng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đó.

Còn cá nhân hoá là hiểu được văn hoá mua sắm, những yêu cầu về việc trải nghiệm trong quá trình mua sắm để từ đó đưa ra các hình thức mua sắm mới lạ, sáng tạo, thu hút được khách hàng.

Chỉ khi hiểu được thị trường và thói quen mua sắm của người dân địa phương thì doanh nghiệp bán lẻ mới có thể phủ rộng được thị trường.

“Hiện nay, một số doanh nghiệp bán lẻ đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng hai xu hướng này vào quá trình phát triển, ví dụ Saigon Co.op, Satra, Hapro, hay Vinmart… Tuy nhiên, mức độ và chiến lược cụ thể của từng doanh nghiệp là rất khác nhau”, bà Loan nói.

Lấy ví dụ như Saigon Co.op, hiện mạng lưới của doanh nghiệp này đã lên đến 125 siêu thị trải dài từ Bắc đến Nam. Để đạt được độ phủ như vậy, doanh nghiệp này đã có sự tìm hiểu, nghiên cứu về từng địa phương, vùng miền, tuy nhiên chủ yếu chỉ tập trung ở miền Đông Nam Bộ và một vài tỉnh nhỏ lẻ phía Bắc.

Hay Vinmart, trong một Hội nghị với nhà cung cấp của Vincommerce (công ty sở hữu thương hiệu Vinmart, Vinmart+) vừa được tổ chức, bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng giám đốc Vincommerce đã tiết lộ, trong 5 năm tới doanh nghiệp này sẽ chú trọng xây dựng chiến lược sản phẩm và tạo sự khác biệt thông qua quá trình địa phương hoá và cá nhân hoá.

Theo đó, trong quá trình mở rộng mô hình ra các tỉnh, Vincommerce đã nhận thấy sự khác biệt giữa các địa phương là rất lớn.

Chính vì tin tưởng có thể nắm bắt được thị trường cũng như tâm lý khách hàng ở các địa phương khác nhau mà Vincommerce rất tự tin đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiên phong phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.

“Doanh nghiệp muốn phát triển được rộng khắp thì phải nắm bắt được tâm lý khách hàng. Nói cách khác, áp dụng triệt để xu hướng địa phương hoá, cá nhân hoá thì doanh nghiệp mới có thể tiệm cận được thành công. Sự thất bại của nhiều doanh nghiệp ngoại không đến từ thiếu kinh nghiệm, thiếu tài chính mà phần lớn thiếu sự am hiểu thị trường bản địa. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp nội hiện nay đã nhanh chóng nắm bắt được vấn đề và có kế hoạch phát triển đúng hướng”, bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận định.
Theo vneconomy 
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

thirteen + six =

To Top