Tin trong nước
GM Việt Nam thay Daewoo: Bình mới rượu cũ?
Chiến lược mà Tổng Giám đốc GM Việt Nam đưa ra là chưa ấn tượng và chưa tương xứng với kế hoạch tạo sự khác biệt từ thương hiệu Chevrolet tại thị trường Việt Nam.Dòng xe Daewoo biến mất sau khi GM Việt Nam chính thức ra đời vào ngày 12.9 nhằm đẩy mạnh thương hiệu Chevrolet tại Việt Nam. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Công ty vẫn tỏ ra khá thận trọng.
Tuần qua, hãng xe General Motors (GM) của Mỹ đã ra mắt Công ty GM Việt Nam nhằm đẩy mạnh kinh doanh thương hiệu xe chủ lực Chevrolet tại Việt Nam. Đây là bước cuối cùng của cuộc thay máu thương hiệu Daewoo tại Việt Nam. Nâng cấp dịch vụ, đầu tư nhân lực và đưa công nghệ sản xuất ôtô toàn cầu vào Việt Nam là những thông tin khá chung chung mà ông Gaurav Gupta, Tổng Giám đốc GM Việt Nam đã chia sẻ về chiến lược kinh doanh với thương hiệu mới. Cả người tiêu dụng lẫn báo chí đều chưa rõ liệu GM Việt Nam có thể tạo sự khác biệt so với Daewoo vì ban lãnh đạo Công ty tỏ ra khá thận trọng trong chiến lược cũng như mục tiêu.
Ông Gupta cho biết động thái đầu tiên trong chiến lược của mình là ngừng hoàn toàn việc sử dụng thương hiệu Daewoo tại Việt Nam. Công ty sẽ cung cấp dòng xe mang thương hiệu Chevrolet. Từ tháng 10.2006, GM đã bắt đầu thay dần các dòng xe mang thương hiệu Daewoo tại Việt Nam bằng Chevrolet. Tuy nhiên, sự thay đổi chỉ ở mảng thương hiệu trong khi sản phẩm không thay đổi đáng kể. Đơn cử, Chevrolet Spark thực chất là Daewoo Matiz và Chevrolet Cruze là tên mới của Daewoo Lacetti.
Công ty dự định sẽ tung ra 3 dòng xe Chevrolet mới vào cuối năm nay, đồng thời nâng cấp mạng lưới đại lý, 22 phòng trưng bày và trung tâm dịch vụ khách hàng trên toàn quốc theo tiêu chuẩn của Chevrolet toàn cầu. Công ty cũng cam kết tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo hành và thay thế phụ tùng cho toàn bộ các khách hàng đang sở hữu xe Daewoo.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng để có thể tạo đột phá tại Việt Nam là vấn đề tăng vốn nhằm triển khai chiến lược thay máu toàn diện Daewoo lại không được GM Việt Nam đặt ra. “Chúng tôi có 2 ca sản xuất mỗi ngày với năng lực khoảng 10.000 xe/ca/năm tại nhà máy ở huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nhu cầu tăng vốn đầu tư sẽ được xem xét vào thời điểm khác”, ông Gupta nói.
Chính vì thái độ khá thận trọng và có phần lấp lửng trong phần trình bày chiến lược của GM Việt Nam từ vị Tổng Giám đốc nên cả giới tiêu dùng lẫn báo chí đang phải tự động não về con đường phía trước của doanh nghiệp này. Dễ nhận thấy, rào cản lớn nhất mà thương hiệu Chevrolet cần phải vượt qua là tâm lý bình mới, rượu cũ. Liệu GM Việt Nam có khả năng đảm bảo chất lượng cao nhất theo tiêu chuẩn Mỹ từ những sản phẩm được lắp ráp ngay tại nhà máy ở Việt Nam nhưng với các tiêu chuẩn vốn của dòng xe Hàn Daewoo? “Quan trọng là chất lượng có phải là của GM không, nếu chỉ là cái mác không thì chẳng có gì thay đổi cả”, anh Vũ Phong, một khách hàng đang sử dụng xe Daewoo Lacetti ở TP.HCM nói.
Trong khi đó, một chuyên gia tư vấn thương hiệu tại Việt Nam lại cho rằng chuyện thay máu Daewoo bằng Chevrolet là hợp lý và đúng thời điểm vì nó thể hiện cam kết lâu dài về chất lượng cũng như thương hiệu của hãng xe Mỹ này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với màn ra mắt chưa thật sự hấp dẫn tuần qua của tân binh GM Việt Nam, có lẽ thương hiệu Chevrolet còn khá nhiều việc phải làm trước khi có thể chinh phục được giới tiêu dùng trong nước và thực sự làm một cuộc thoát xác khỏi Daewoo trong thời gian tới.
Theo NCĐT