Connect with us

Gian nan chuyện ‘ví ảo’ ở Việt Nam

Tình huống thương hiệu

Gian nan chuyện ‘ví ảo’ ở Việt Nam

Việt Nam có 58% trong 30 triệu người sử dụng Internet từng đưa ra quyết định mua hàng qua mạng. Mặc dù thị trường có sự sôi động nhưng ví điện tử chưa thực sự phát triển mạnh ở Việt Nam.

Thị trường ví điện tử ở Việt Nam mặc dù mới trong giai đoạn phát triển ban đầu nhưng đang trở nên sôi động với sự tham gia của cả nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Mặc dù lượng giao dịch thông qua công cụ điện tử này vẫn chưa nhiều nhưng giới chuyên gia tài chính đánh giá tính cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày một tăng lên. Điều này cũng mang đến kỳ vọng về sự phát triển của công cụ thanh toán không sử dụng tiền mặt này, trong nỗ lực thu hút khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ cùng với sự đẩy nhanh công tác hoàn thiện hành lang pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước. 

Ví điện tử là một phương tiện thanh toán trung gian, nó như một ví tiền trên mạng Internet và điện thoại di động mà người tiêu dùng có thể sử dụng để mua bán hàng hóa tại các trang web hoặc thanh toán chi phí điện, nước, điện thoại… Tương tự như ở các nước có nền thương mại điện tử phát triển, người sử dụng ở Việt Nam hiện cũng có thể nạp tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử hoặc ngược lại, hoặc chuyển tiền dễ dàng. Thị trường ví điện tử Việt Nam cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh khá quyết liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ, điều này góp phần tạo cho người tiêu dùng nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn một phương thức thanh toán điện tử phù hợp.

Xoay sở để tồn tại

Sau gần ba năm cho ra mắt dịch vụ ví điện tử Ngân Lượng (Nganluong.vn), đến nay, chủ sở hữu – Công ty Phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft) – công bố đã có 300.000 tài khoản ví điện tử được kích hoạt. Dịch vụ của PeaceSoft liên thông với 5.000 trang web có hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng được phần nào nhu cầu mua sắm đa dạng của cộng đồng mạng.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc PeaceSoft, cho biết trước mắt ví điện tử này theo định hướng trở thành đối tác của các ngân hàng để phục vụ nhu cầu thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, Ngân Lượng cũng đang làm việc với các mạng viễn thông di động về việc hợp tác nhằm tăng kênh thanh toán.

Để tăng sức cạnh tranh, gần đây Ngân Lượng đã hợp tác cùng PayPal (Paypal.com) – một ví điện tử ngoại hiện có 250 triệu tài khoản tại 190 thị trường với 25 loại tiền tệ được sử dụng để thanh toán trên toàn cầu. Thông qua việc tích hợp ví điện tử PayPal, các trang web liên thông với Ngân Lượng sẽ cung cấp cho khách hàng giải pháp thanh toán cả nội địa và quốc tế.

Hồi giữa tháng 8 này, PayPal và Ngân Lượng đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo ở Hà Nội nhằm giới thiệu công cụ thanh toán trực tuyến “hai trong một” kể trên đến các doanh nghiệp. Những cuộc hội thảo tương tự cũng được lên lịch tổ chức ở TPHCM, Nha Trang và Đà Nẵng từ nay tới tháng 10.

Không dừng lại ở đó, nhằm thu hút khách hàng, PayPal còn đưa ra chương trình ưu đãi và quà tặng cho các trang web bán hàng trực tuyến trong nước khi đăng ký tích hợp công cụ thanh toán này. Nếu việc tích hợp diễn ra trước ngày 31-8, các doanh nghiệp được giảm phí giao dịch từ 3,9% xuống còn 2,9% và miễn phí giao dịch qua Ngân Lượng trong vòng một năm. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị tích hợp còn được nhận một mã rút thăm trúng thưởng với giải thưởng là máy tính bảng iPad, máy ảnh Canon, máy nghe nhạc iPod…

Đến thời điểm hiện tại, dịch vụ ví điện tử MoMo (Mobile Money) – loại ví trên điện thoại di động trực thuộc VinaPhone cho phép chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, nạp tiền chơi trò chơi, thanh toán các loại hóa đơn điện thoại, hóa đơn mua hàng trực tuyến… – mới thu hút được 40.000 khách thuê bao. Con số này vẫn còn quá thấp so với chỉ tiêu mà VinaPhone đặt ra trước đó là 1 triệu khách thuê bao sử dụng dịch vụ vào cuối năm 2011.

Nhằm khuyến khích khách thuê bao sử dụng MoMo, VinaPhone đã triển khai một chương trình khuyến mãi từ tháng 8 đến tháng 10. Theo đó, khách thuê bao VinaPhone có tài khoản tại hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank khi kích hoạt hoặc thực hiện giao dịch qua ví điện tử MoMo sẽ có cơ hội nhận được nhiều phần quà và trúng thưởng lớn. Mạng viễn thông với 30 triệu khách thuê bao này dự kiến đầu tư 350 triệu đồng cho toàn bộ giải thưởng của chương trình này.

Thị trường ví điện tử càng thêm sôi động trong vài tháng gần đây khi các thương hiệu như VNPay, Mobivi, Payoo, PayNet… cũng đang ráo riết triển khai các kế hoạch, chương trình nhằm thu hút khách hàng.

 

Rào cản trong phát triển

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, mặc dù thị trường có sự sôi động nhưng ví điện tử chưa thực sự phát triển mạnh ở Việt Nam, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng và chưa có niềm tin với loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, những rào cản này đang dần được gỡ bỏ với nỗ lực của các nhà cung cấp trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như vai trò của cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý.

Ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng Phòng Kinh doanh của VinaPhone, nói rằng một phương thức thanh toán mới như ví điện tử cũng như bất kỳ một dịch vụ nào khác cũng cần có thời gian để khách hàng tìm hiểu, trải nghiệm trước khi quyết định sử dụng thường xuyên. Cho đến thời điểm hiện nay, rào cản lớn nhất cho sự phát triển của ví điện tử trên điện thoại di động nằm ở hành lang pháp lý cho dịch vụ này. Theo quy định hiện hành, để nạp tiền vào ví điện tử, khách hàng cần có tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, bản chất của dịch vụ thanh toán trực tuyến là thông qua những thiết bị số phục vụ những khách không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu soạn thảo một nghị định hướng dẫn chi tiết về ví điện tử. Cũng như các nhà cung cấp dịch vụ khác, VinaPhone đang mong chờ các quy định và hành lang pháp lý mới được ban hành một cách chi tiết, cụ thể, để ví điện tử có điều kiện tiếp cận thêm nhiều đối tượng sử dụng.

Ông Bình cho biết, ở các nước có nền thương mại điện tử phát triển thì tỷ lệ hàng hóa được mua sắm thông qua các công cụ thanh toán trực tuyến lên đến 75%. Trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này chỉ là 2-3% . Do đó, thị trường thanh toán trực tuyến trong nước hứa hẹn mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Dẫn chứng từ một kết quả khảo sát, ông Bình cho biết Việt Nam có 58% trong 30 triệu người sử dụng Internet từng đưa ra quyết định mua hàng qua mạng. Dự kiến đến năm 2015, tổng số giao dịch hàng hóa qua mạng ở Việt Nam sẽ đạt 6 tỉ đô la Mỹ, trong đó có 2 tỉ đô la là được thanh toán trực tuyến.

Các chuyên gia kỳ vọng trong thời gian sắp tới các công cụ thanh toán trực tuyến ở Việt Nam, trong đó ví điện tử, sẽ phát triển nhanh hơn nhờ sự từ bỏ dần dần thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch của người tiêu dùng. Bên cạnh đó là nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống ngân hàng. Trước đây, các ngân hàng thường tập trung vào việc phát hành thẻ ATM thì nay họ cũng tập trung vào việc phát triển các công vụ thanh toán trực tuyến khác như e-banking, mobile banking…

Ông Nguyễn Bá Diệp, Giám đốc điều hành Công ty M-service – đối tác cung cấp giải pháp cho dịch vụ ví điện tử của VinaPhone, cho rằng chủ trương của Chính phủ về phát triển phương thức thanh toán điện tử, hạn chế tiền mặt trong lưu thông đang tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Sự hợp tác giữa các bên như ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến và mạng viễn thông sẽ giúp đưa ra thêm nhiều dịch vụ tiện ích, dễ sử dụng và góp phần tạo nên một trào lưu trong xã hội.

Theo TBKTSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 − three =

To Top