Tin trong nước
Game Việt “lên mây”
Có thể nguồn thu ban đầu chưa nhiều nhưng con đường ra thị trường thế giới của game Việt đã dần mở ra và được định hình cũng như đầy triển vọng.Trong khi VTC Online mang game đến hội chợ, triển lãm game lớn nhất châu Á là G-Star 2011 để rao bán, thì VNG đã ký được thỏa thuận với tập đoàn cung cấp dịch vụ online hàng đầu của Nhật là DeNA để xuất khẩu hai game “Ủn ỉn” (Pig Farm) và “Khu vườn trên mây” (Sky garden).
“Ủn ỉn” đi Nhật
VTC Online mang 5 game thuộc các thể loại bắn súng, game xã hội và webgame đến G-Star 2011, như “Tour 247”, “Squad”… Squad là game bắn súng, khó lòng được phát hành tại Việt Nam, vì thế, công sức khoảng hai năm thai nghén và sản xuất nếu không tìm được đầu ra ở nước ngoài thì coi như… công cốc.
Trong hai năm 2010-2011, thị trường game online tại Việt Nam lắng xuống, các nhà phát hành cho rằng đây là thời kỳ khó khăn, thế nên, để tồn tại và phát triển họ phải tìm đường sống khác.
Tại G-Star, “chìm” trong hơn 1.814 gian hàng của gần 380 công ty hàng đầu trong làng game đến từ 28 quốc gia, những game của VTC Online nếu được các game thủ và nhà phát hành quốc tế ghé mắt qua đã tạm gọi là khả quan.
Tuy nhiên, với VNG, bước đi còn mạnh và xa hơn. Chiều 22/11, VNG và DeNA của Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác, theo đó, DeNA giúp VNG phát hành hai game mạng xã hội kể trên tại Nhật.
Cánh cửa thị trường Nhật đã mở ra. Ý nghĩa còn lớn hơn khi giá trị thị trường game online tại Nhật được cho là lên đến 15 tỷ USD, trong đó riêng mảng game cho điện thoại di động và game mạng xã hội chiếm 5 tỷ USD.
Và đặc biệt hơn, VNG đã tìm được một đối tác tốt: DeNA là một doanh nghiệp lớn có tiềm lực (doanh thu tính đến hết năm tài chính kết thúc tháng 3/2011 đạt 1,5 tỷ USD), đang nắm trong tay mạng xã hội lớn nhất Nhật Bản là Yahoo!Mobage với 32 triệu thành viên, và đang phát hành hơn 1.500 tựa game, trong đó đa phần là game cho điện thoại di động và game mạng xã hội.
Trưởng nhóm làm game “Khu vườn trên mây” của VNG cho biết: “Nói chung, chúng tôi được đối tác hỗ trợ rất nhiệt tình, nhờ đó mà mọi việc diễn ra suôn sẻ”.
Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, chia sẻ: “Chúng tôi chẳng phải nhờ đến chiêu thức gì để được hợp tác với DeNA. Tựu trung, trong kinh doanh, một khi hai bên thấy cùng có lợi thì sẽ đến với nhau”.
Những chuyến xuất ngoại của game Việt lần này khác với những lần trước, là tự sản xuất thay vì mua lại rồi mang ra nước ngoài phát hành như trường hợp game “Linh Vương” của VTC từng được phát hành tại Mỹ, Hàn Quốc, Indonesia.
Hơn thế nữa, đằng sau sự kiện lần này chính là sự trưởng thành và lớn mạnh dần của đội ngũ làm game Việt vốn trước đó đã trui rèn qua một số game như “Thuận Thiên kiếm” của VNG nhưng chưa thành công như mong muốn. VTC hiện có trung tâm sản xuất game VTC Studio; còn VNG có tới 4 trung tâm sản xuất game và trong năm 2012 sẽ làm 4 game.
Game Ủn ỉn
Ùn ùn kế hoạch
Trong những năm qua, mỗi năm các công ty Việt Nam như VNG, VTC, FPT… đã tiêu tốn hàng chục triệu USD để mua game ở nước ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc).
Cuộc đua vào sản xuất game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi đã không làm cho dòng chảy ngoại tệ đó ngừng lại vì sản phẩm của chúng ta làm ra còn chưa hấp dẫn được game thủ trong nước thì sao hấp dẫn được game thủ nước ngoài.
Nhưng nay thì đã có hướng đi. Ông Lê Hồng Minh cho rằng: “Game nhập vai trực tuyến mình đi sau người ta 5 năm, thua xa về nguồn lực, do đó không thể thắng họ. Nhưng game mạng xã hội còn mới, nhiều đại gia như Sony không hề tham gia, và đó chính là cơ hội cho game Việt”.
Vì thế, VNG sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất game mạng xã hội, đồng thời chuyển sang cả game cho điện thoại di động. Phiên bản “Khu vườn trên mây” đã có phiên bản cho điện thoại di động, nhưng “Ủn ỉn” thì chưa.
Trong năm 2012, VNG sẽ tiến vào thị trường Trung Quốc. Ông Minh cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng phát hành từ 6 – 8 game tại thị trường Nhật và Trung Quốc. Tại thị trường Nhật, chúng tôi ký độc quyền với DeNA, còn tại Trung Quốc, VNG sẽ ký hợp đồng với ba đối tác phát hành”.
Con đường vào thị trường Nhật của game Việt khá thuận lợi sau khi có được đối tác là DeNA.
Ông Tetsuya Mori, Giám đốc Điều hành DeNA châu Á, cho biết: “Hai game của VNG vào Nhật không phải xin phép gì cả. Nhật Bản có quy định về quản lý game rất chặt chẽ, nhưng nếu đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định thì không cần phải xin phép”.
Ông Lê Hồng Minh tiết lộ, về đường dài VNG tính toán hiệu quả kinh doanh trên tổng số các game phát hành tại thị trường nước ngoài. “Khu vườn trên mây” và “Ủn ỉn” cần đội ngũ vài chục người tập trung cao độ làm việc từ 3 – 4 tháng, chi phí sản xuất tốn hết hàng tỷ đồng mỗi game. Và ông Minh khẳng định: “Ngay trong năm 2011 hai game này đã có lãi!”.
Game Việt có lãi là chuyện gần như không tưởng trong những năm qua. Giờ ông Minh nói thế thì quả là rất đáng mừng! Theo mục tiêu đặt ra, năm 2012 VNG cố gắng giành được 0,2% thị phần tại Nhật, tương đương với giá trị là 10 triệu USD.
“Chúng tôi phát hành game tại Nhật thông qua sự điều hành, quản lý của đối tác DeNA, nhưng tất cả thông tin, dữ liệu đều được giám sát qua hệ thống vi tính, cho nên chúng tôi có thể nắm được tất cả”, ông Minh nói.
Theo DNSG