Connect with us

EVN Telecom bán xác, ai cười ai khóc?

Tin trong nước

EVN Telecom bán xác, ai cười ai khóc?

Vụ đầu tư mạnh tay của EVN có thể sẽ đem lại nụ cười cho Viettel hoặc Hanoi Telecom hay bất cứ ai có phước mua được EVN Telecom. Còn người khóc, nếu có, chắc cũng không phải là EVN.

EVN đã đầu tư rất mạnh cho EVN Telecom nhưng sau đó phải rao bán để gỡ gạc. Ai cười, ai khóc khi chuyện đến mức này?

Tính đến thời điểm này, ít nhất có 3 doanh nghiệp ngỏ ý muốn mua lại Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) – đứa con trái ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – bao gồm Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) và Vietnammobile.

Một công ty sau 7 năm kinh doanh chỉ đạt con số vài triệu thuê bao thì có gì đáng để cho Viettel hay Hanoi Telecom chú ý? Cái họ muốn giành lấy không phải là lượng khách hàng, cũng không phải là thương hiệu, mà là khối tài sản của EVN Telecom.

Viettel cho biết muốn tiếp nhận nguyên trạng, các nguồn vốn, toàn bộ tài sản, trang thiết bị hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của EVN Telecom. Trong khi đó, Hanoi Telecom cũng gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ mua lại phần băng tần 3G, thiết bị và hạ tầng mạng 3G của công ty này.

Quả đúng là khối tài sản của EVN Telecom rất đồ sộ, gồm 5 cổng kết nối quốc tế tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tây Ninh, An Giang và Quảng Trị; hơn 40.000 km cáp quang tại 63 tỉnh thành; băng tần của 2 mạng CDMA 450 MHz và 3G cùng với hệ thống đường trục Bắc – Nam với dung lượng lớn. Ngoài ra, EVN Telecom cũng là hãng viễn thông đầu tiên cùng với đối tác Ấn Độ xây dựng tuyến cáp quang biển Liên Á với tổng vốn ban đầu lên tới 200 triệu USD.

Một công ty được EVN đầu tư mạnh tay như vậy nhưng lại làm ăn kém hiệu quả, dẫn tới việc phải bán xác để gỡ gạc. Vụ đầu tư trái ngành này của EVN chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh đầu tư công dàn trải và kém hiệu quả ở Việt Nam trong vài năm gần đây.

Điều đó có thể thấy ở hàng loạt các dự án từ cảng biển, sân bay đến khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu. Không ít nhà máy mua về những thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng trong khi năng suất lại kém và sản phẩm làm ra có chất lượng thấp. Rồi những dự án nhỏ hơn nhưng nếu tính gộp lại trên cả nước thì không phải là chuyện nhỏ. Các cơ sở nghiên cứu khoa học địa phương cũng thi nhau mua sắm thiết bị thí nghiệm nhập khẩu đắt tiền, hàng trăm khu chợ xây xong rồi bỏ hoang trên khắp 3 miền đất nước… Những thất thoát, lãng phí trong đầu tư công chính là lý do cho tình trạng lạm phát cao hiện nay.

Trong khi đầu tư công vẫn chiếm phần lớn tổng đầu tư của xã hội và chưa thể giảm bớt trong một sớm một chiều, trước mắt, cách có thể hạn chế thất thoát là siết cơ chế quản lý chặt hơn và lựa chọn những con người có trí tuệ và trách nhiệm để phụ trách các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án trọng điểm của quốc gia. Còn về lâu dài, cần giảm bớt đầu tư công và tăng đầu tư tư nhân. “Chúng ta đã bỏ ra quá nhiều vốn nhưng mang lại rất ít hiệu quả. Nếu cứ giữ cung cách làm ăn như thế này thì kinh tế sẽ càng đi thụt lùi”, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cảnh báo.

Vụ đầu tư mạnh tay của EVN giờ có thể sẽ đem lại nụ cười cho Viettel hoặc Hanoi Telecom hay bất cứ ai có phước mua được EVN Telecom. Còn người khóc, nếu có, chắc cũng không phải là EVN. 

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

17 − 4 =

To Top