Connect with us

Đừng để Luật Cạnh tranh bị lợi dụng

Tin trong nước

Đừng để Luật Cạnh tranh bị lợi dụng

Liên quan đến việc hãng Hàng không Jetstar Pacific nợ 170 tỉ đồng tiền xăng của Công ty Xuất nhập khẩu hàng không Việt Nam (Vinapco), đầu tuần này hai bên đã đạt được thỏa thuận về cách xử lý nợ và cung ứng nhiên liệu trong thời gian tới.

Theo đó, Vinapco đồng ý khoanh nợ để Jetstar trả dần theo tiến độ cam kết với điều kiện phải có bảo lãnh của đơn vị chủ quản là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc của tổ chức tín dụng trước thời hạn cuối là 4-6-2011. Vấn đề đặt ra là nếu đến thời điểm đó mà Jetstar vẫn không tìm được đơn vị đứng ra bảo lãnh và tiếp tục chây ỳ trả nợ thì cách xử lý sẽ như thế nào cho hợp tình hợp lý?

Trước đây, vào năm 2009, Vinapco đã từng một lần ngừng cung cấp xăng cho Jetstar vì hãng này vi phạm hợp đồng khi không thanh toán số tiền xăng nợ khoảng 50 tỉ đồng. Thế nhưng, lúc đó Vinapco đã bị Hội đồng cạnh tranh quốc gia xử phạt hơn 3,3 tỉ đồng do bị quy là “lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng” theo khoản 3, điều 14, Luật Cạnh tranh.

Phải chăng việc xử phạt Vinapco trước đây đã “vẽ đường cho hươu chạy”? Jetstar biết rằng, Vinapco không được phép ngừng cung cấp xăng máy bay cho mình nên cứ “vô tư” không thanh toán tiền mua xăng? Hành vi ấy lại được pháp luật thừa nhận thì chắc chắn các hãng hàng không khác cũng “noi gương” Jetstar. Điều gì sẽ xảy ra khi Vinapco bị chiếm dụng hết vốn lưu động và không thể nhập được xăng về cung cấp? Vinapco là doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực cung ứng xăng, dầu cho máy bay. Điều đó hoàn toàn đúng trước đây hai năm theo quy định tại điều 12 Luật Cạnh tranh.

Song, vấn đề quan trọng hơn lại là, Vinapco – dưới góc độ là một pháp nhân trong kinh doanh – có tự mình tạo ra thế độc quyền đó không? Câu trả lời là không. Vị trí độc quyền của Vinapco hoàn toàn do Nhà nước tạo ra. Nếu như Vinapco là một công ty lớn đã thực hiện hành vi thâu tóm các Vinapco khác và trở thành doanh nghiệp độc quyền thì xử phạt Vinapco là hoàn toàn hợp lý. Song, Vinapco hiện nay không làm được điều đó. Vì vậy, phạt Vinapco là chưa phạt đúng thủ phạm tạo ra thế độc quyền.

Hơn nữa, hiện nay ở nước ta, còn rất nhiều doanh nghiệp đang có thế độc quyền, điển hình là ngành điện lực. Bất kỳ một hộ tiêu thụ điện nào chậm thanh toán tiền điện, thì sẽ bị thẳng tay cắt điện, bất kể đó là điện dùng cho sản xuất hay sinh hoạt. Xử phạt Vinapco như đã nêu trên, liệu Hội đồng cạnh tranh quốc gia có xử phạt được ngành điện với một lỗi tương tự hay không?

Ban hành và đưa Luật Cạnh tranh vào cuộc sống, xử phạt Vinapco để chứng minh cho sự nghiêm minh của pháp luật là đúng. Song, đã đến lúc cần có chế tài xử lý những trường hợp lợi dụng quy định của Luật Cạnh tranh để chây ì thanh toán nợ như trường hợp của Jetstar.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × 3 =

To Top