Tin trong nước
Đông người, thời lượng cao, doanh thu… chưa rõ!
Tốn từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng cho một mạng xã hội mới hy vọng có được số thành viên ở đơn vị hàng triệu. Tuy lượng truy cập cũng như thành viên đều tăng nhanh trong ba năm trở lại đây, doanh thu vẫn là con số chưa tiện công bố.Xuất hiện nhiều trong năm 2007 nhưng không ít mạng xã hội do các nhà đầu tư trong nước xây dựng nhanh chóng đóng cửa hoặc chuyển sang thương hiệu khác. Hai năm sau, khi Yahoo chuyển từ Yahoo 3600 sang Yahoo 360 Plus, mạng xã hội do trong nước xây dựng mới phát triển mạnh với các tên như: Zing Me, Tamtay, YuMe, rồi các mạng của nước ngoài như Yahoo 360 Plus, Facebook… Năm 2010, cộng đồng đón nhận thêm Goonline của VTC và Kunkun của Viettel…
Các nhà đầu tư cho rằng, từ năm 2009, mạng xã hội do trong nước xây dựng tiệm cận với công nghệ của thế giới nên số lượng người tham gia ngày càng tăng. Ông Vương Quang Khải, phó tổng giám đốc VinaGame, nhà đầu tư mạng xã hội Zing Me, nhận xét: “Dựa trên khả năng cập nhật thông tin liên tục trong thời gian thực, đáp ứng nhu cầu cơ bản ban đầu như viết blog, chơi game, sang các hoạt động chia sẻ cảm xúc, ảnh, quan trọng nhất là kết nối với các thành viên, mạng xã hội Việt đã tăng mạnh cả về số lượng người dùng cũng như thời lượng sử dụng”. Theo ông Khải, mạng 3G phát triển là một trong những nguyên nhân làm số lượng thành viên gia tăng.
Có chi chưa có thu
Theo phân tích của công cụ Google Ad Planner, vào tháng 6.2011, Zing Me có 6,7 triệu thành viên, YuMe có 2,8 triệu thành viên, Tamtay có 1,1 triệu thành viên… Còn theo khảo sát của Yahoo Việt Nam công bố tháng 7.2011, lượng khách hàng của các mạng xã hội tại Việt Nam có độ tuổi từ 15 – 24 tuổi. Trong lượng người dùng internet năm 2011, có đến 55% truy cập vào các mạng xã hội, trong khi đó, năm 2010 chỉ có 41%.
Tuy số lượng truy cập và người sử dụng nhiều như vậy, tăng doanh thu vẫn là bài toán chia ở thì tương lai của các mạng xã hội. Ông Lê Hồng Minh, chủ tịch hội đồng quản trị của VinaGame không thể nhớ số tiền đã chi để nuôi Zing Me từ hai năm nay nhưng đó không phải là con số nhỏ. Tương tự, ông Phan Anh Tuấn, giám đốc dự án Go.vn cho biết, đầu tư ban đầu cho dự án khá lớn do phải triển khai đồng thời các phiên bản trên máy tính, tivi thông minh và điện thoại di động. “Để một mạng xã hội hoạt động hiệu quả phải có hạ tầng kỹ thuật tốt, nội dung hấp dẫn và con người để vận hành bộ máy”, ông Tuấn nói.
“Nếu không tin ở tương lai, chắc chắn sẽ không đầu tư vào mạng xã hội”, ông Khải chia sẻ. Được biết, Coca-Cola, Pond’s, Adidas… đã xây dựng trang thông tin trên Zing Me nhưng đó là “mối quan hệ của tương lai” nên mạng này chưa đặt vấn đề thu phí. Trên YuMe, mạng xã hội có hàng triệu thành viên nhưng lướt qua lướt lại cũng chỉ có vài banner quảng cáo. Trong khi đó, ngoài kinh phí nuôi bộ máy vận hành, mạng này còn chi tiền để trả nhuận bút và thưởng cho bài viết hay. Mục đích là thu hút nhiều cây bút giỏi để làm nội dung phong phú hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, giám đốc điều hành mảng kỹ thuật số của công ty truyền thông Ringie kể rằng, ông đã từng làm việc cho một mạng xã hội nhưng chỉ thấy đầu tư tiền tỉ mà không thấy thu.
Kênh tương tác có hiệu quả
Nhiều nhà mạng tin rằng, việc các mạng xã hội phát triển mạnh sẽ thu hút doanh nghiệp tham gia do lượng thành viên lớn, khả năng tương tác cao. Giám đốc tiếp thị của một nhà phân phối điện thoại di động cho biết, với chi phí sản xuất một đoạn phim hết khoảng 40 triệu đồng, cộng thêm chi phí quảng cáo là 40 triệu đồng, nhưng khi đưa đoạn phim này lên một mạng xã hội trong khoảng thời gian một tháng, đã có trên 200.000 lượt xem. Con số này ở góc độ marketing chỉ là tham số ban đầu, bởi mối liên quan giữa lượt xem và hành vi mua hàng hay thông tin lan truyền ra sao vẫn là điều cần được làm rõ.
“Khi sử dụng mạng xã hội, doanh nghiệp được đối thoại hai chiều với khách hàng. Đây là điểm khác biệt lớn với các kênh truyền thông truyền thống vốn theo một chiều từ doanh nghiệp đến khách hàng. Doanh nghiệp tham gia cùng mạng xã hội đã nhận được phản hồi từ phía hàng chục ngàn thành viên. Tôi thấy được điều đó từ nhiều mạng xã hội Việt”, ông Joe Nguyễn, đại diện của hãng nghiên cứu thị trường ComScore nói.
Ông Vương Quang Khải cho rằng: “Có thể xem việc doanh nghiệp quảng bá và kinh doanh trên mạng xã hội là một xu thế mới trong việc tiếp cận khách hàng mục tiêu. Như vậy, mạng xã hội giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí vừa hiểu được nhu cầu khách hàng một cách chính xác nhất”. Chia sẻ quan điểm trên, ông Hiếu (Ringie) nói rằng: “Với mạng xã hội, không thể làm theo hình thức treo banner hay viết bài PR mà phải biết cách tận dụng thông tin của cộng đồng để biết thói quen mua sắm, tiêu dùng, địa bàn sinh sống, giới tính, nghề nghiệp… Làm được vậy, mạng xã hội mới thể hiện vai trò cầu nối hữu dụng và nhà đầu tư mạng mới hưởng lợi từ hành vi kinh doanh – mua sắm giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Hiện nay, chỉ có Zing Me có hình thức thanh toán Zing Xu và Goonline có hình thức thanh toán vCoint.
Theo SGTT