Connect with us

Đón dòng vốn vừa và nhỏ từ Nhật

Tin trong nước

Đón dòng vốn vừa và nhỏ từ Nhật

Nhu cầu khôi phục sản xuất và phân tán rủi ro ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật đang tạo ra một làn sóng đầu tư mới tại Việt Nam, nhắm vào các doanh nghiệp tư nhân.

Thời báo Kinh tế Nikkei cho biết, có trên 60% doanh nghiệp Nhật cho rằng Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn nhất để đầu tư các cơ sở sản xuất.

“Đồng yen tăng giá mạnh sau thảm họa động đất tại Nhật, lũ lụt nghiêm trọng tại Thái Lan cùng tác động từ chính sách Trung Quốc + 1 càng làm gia tăng xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các công ty Nhật, trong đó, Việt Nam là một mục tiêu sáng giá”, ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO) tại Việt Nam, cho biết.

Từ FDI tới đầu tư tư nhân

Báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật sau thảm họa sóng thần kèm động đất cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp lớn của Nhật đều lâm vào cảnh đình đốn sản xuất trong nước. Hãng Sony phải dừng hoạt động 6 nhà máy, Toyota Motors đóng cửa 3 nhà máy, Nissan Motors đóng 4 nhà máy, Honda Motors ngừng 2 nhà máy, Fuji Industries đóng 5 nhà máy… Vì vậy, ông Yamaoka, JETRO Việt Nam, cho rằng nhu cầu khôi phục sản xuất và xu hướng phân tán rủi ro ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật đang góp phần tạo ra một làn sóng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) mới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Mới đây, tờ Thời báo Kinh tế Điện tử Nikkei cho biết, có trên 60% doanh nghiệp Nhật cho rằng Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn nhất để đầu tư các cơ sở sản xuất.

Không chỉ với mô hình FDI truyền thống với những dự án có số vốn lên tới hàng tỉ USD, thời gian qua các nhà đầu tư Nhật cũng ngày càng đa dạng hóa các hình thức đầu tư tại Việt Nam, mà chiến lược rót vốn với quy mô vừa và nhỏ vào các công ty cổ phần tư nhân trong nước là một ví dụ điển hình.

Công ty Tư vấn Quản lý Quỹ Đầu tư World Link Japan đang tư vấn chiến lược cho Quỹ Japan Vietnam Growth Fund có quy mô vốn khoảng 23 triệu USD được huy động từ 3 cổ đông chính là Tập đoàn Japan Asia Investment Corp, Ngân hàng Phát triển Nhật và Tập đoàn Sojitz, chuyên đầu tư vào các công ty cổ phần tư nhân của Việt Nam đang chuẩn bị cho giai đoạn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và sắp niêm yết trên sàn chứng khoán. “Hình thức đầu tư của quỹ là mua cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi do các doanh nghiệp Việt Nam phát hành. Số vốn đầu tư vào một doanh nghiệp trong nước với tỉ lệ từ 10-15%, tức vào khoảng 500.000-2.000.000 USD, tập trung vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chứng khoán, chế biến thực phẩm, chăn nuôi gia súc, phát triển phần mềm”, ông Ito Junichi, Tổng Giám đốc World Link Japan tại TP.HCM, nói.

Tới nay, Quỹ Japan Vietnam Growth Fund đã đầu tư vào 10 doanh nghiệp trong nước. Trong đó, quỹ này đã thoái vốn tại 4 doanh nghiệp thông qua IPO gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Cổ phần Tập đoàn Dầu khí An Pha (ASP), Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) và Công ty Cổ phần Cơ điện Alphanam (AME) trong các năm 2007, 2008 và 2010. Ông Junichi cho rằng cái được lớn nhất là Quỹ Japan Vietnam Growth Fund đã giúp tạo một cầu nối vững chắc giữa các doanh nghiệp Nhật và Việt Nam trong hơn 5 năm qua. Thông qua quỹ này, các nhà đầu tư có thể giới thiệu đối tác Nhật cho các doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, máy móc thiết bị cũng như trình độ quản lý.

Trần Đào Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty DigiNet, một doanh nghiệp từng được Tuần báo Asiaweek bình chọn vào Top 25 Công ty công nghệ triển vọng của châu Á, chuyên sản xuất các phần mềm quản trị doanh nghiệp cho biết, thương vụ bán 5% cổ phần cho Quỹ Japan Vietnam Growth Fund năm 2008 đã tạo ra cơ hội mở rộng thị phần của DigiNet tại Nhật.

Nhằm tiếp tục tận dụng và đón đầu cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật tại thị trường nước ngoài, nhất là Việt Nam, mới đây, một quỹ mới mang tên Japan South East Asia Growth Fund vừa được thành lập với số vốn gần 40 triệu USD để đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân. Quỹ này hiện đã sẵn sàng cho việc giải ngân các khoản đầu tư có quy mô từ 5-10 triệu USD, tương đương 20-30% cổ phần mỗi doanh nghiệp trong nước.

Chiến lược của quỹ đầu tư này là tập trung vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm, y tế, giáo dục và tổ chức tài chính với phương châm đầu tư dài hạn và kết nối chặt chẽ với các khách hàng ở Nhật để làm tăng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp mà họ chọn đầu tư. Hiện nay Quỹ đã chọn được hơn 10 doanh nghiệp trong nước để chuẩn bị giải ngân cho năm 2012.

 

Những quan ngại trên đường đầu tư

Cuối tháng 11.2011, Công ty Dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn Grant Thornton Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát về quan điểm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam trong 12 tháng tới. Theo đó, trong quý IV/2011, có sự thay đổi đáng kể từ quan điểm tích cực sang tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm sau. Số nhà đầu tư có quan điểm tiêu cực là 51%, tăng tới 30% so với quý II/2011, trong khi số người có quan điểm tích cực giảm từ 53% xuống còn 17%. Điều này phản ánh các khó khăn của kinh kế vĩ mô vẫn tiếp diễn, cụ thể là tỉ lệ lạm phát và lãi suất cao đang làm các nhà đầu tư tư nhân thêm bi quan. Khảo sát cũng nêu rõ mức độ hấp dẫn để đầu tư vào lĩnh vực tư nhân tại Việt Nam đã sụt giảm xuống mức thấp nhất so với năm cuộc khảo sát trước đó, từ 54% trong quý II/2011 xuống còn 38%. Thậm chí, có tới 41% ý kiến cho rằng Việt Nam đang trở nên kém hấp dẫn hoặc không hấp dẫn đầu tư.

Còn hôm 1.12 vừa qua, tại buổi công bố Sách trắng 2012 về “Các vấn đề thương mại và đầu tư của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam”, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam nêu rõ tỉ lệ lạm phát cao kèm theo những khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Theo đó, các doanh nghiệp thành viên EuroCham vẫn còn phải mất khá nhiều thời gian trong việc xin cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và năng lượng cũng đang là mối quan ngại chung của các nhà đầu tư từ châu Âu, Nhật, Mỹ… Dự tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần 160 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả hệ thống giao thông, các nhà máy điện… và 50% vốn đầu tư phải được huy động từ khối tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn do dự đầu tư vào các dự án hạ tầng cũng như các lĩnh vực khác do lo ngại về hiệu quả đầu tư, tỉ lệ thu hồi lãi và các đảm bảo về vốn.

Đại diện Ngân hàng Phát triển Nhật tại Việt Nam cho rằng tiềm năng đầu tư tư nhân tại Việt Nam vẫn còn tốt trong dài hạn. Tuy nhiên, để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Nhật nói riêng đối với các dự án FDI lẫn đầu tư tư nhân, Việt Nam cần phải nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư nếu muốn cạnh tranh với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fourteen + 15 =

To Top