Connect with us

Doanh nghiệp thép đối mặt với nỗi lo mới

Tin trong nước

Doanh nghiệp thép đối mặt với nỗi lo mới

DĐDN Online ngày 10/6/2011 đã có cảnh báo về sự mất cân đối cung - cầu mặt hàng thép trong bài viết: “Cơ hội sàng lọc từ dự án thép”. Thực trạng các DN thép ở khu vực Đông Nam Bộ đang minh chứng rõ hơn cho điều này.

Tình trạng thừa sản phẩm đang đặt ra nhiều vấn đề khó khăn cho ngành thép. Trước hết, là chi phí lãi vay tăng cao ảnh hưởng lớn đến các DN trong ngành, do phần lớn DN thép vay nợ ngắn hạn lớn để tài trợ hàng tồn kho. Với mức lãi suất từ 22-25%/năm như hiện nay, lợi nhuận các DN ngành thép sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Khó chồng khó

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa – Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đại Thiên Lộc cho biết: “Nhà nước đang dùng nhiều biện pháp đối với ngành ngân hàng để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, với tình hình lãi suất ngân hàng như hiện nay, chúng tôi khó lòng kiếm lợi nhuận. Trong bối cảnh này, kiếm đủ tiền để trả lương cho công nhân và trả lãi ngân hàng đã là một thành công lớn”. Ông Nghĩa lý giải: Với tình hình khó khăn hiện tại, thép tồn kho của chúng tôi quá nhiều. Nếu đẩy nhanh tiến độ, đưa hết các dây chuyền mới vào hoạt động, thép không bán được lại trả lãi ngân hàng cao, lúc đó mức thua lỗ sẽ rất lớn. Hiện, Cty cổ phần Đại Thiên Lộc vẫn phải sản xuất bình thường để giữ nhân công, bảo đảm sản lượng bình thường dù mỗi tấn thép thành phẩm bán ra hiện nay, Cty lỗ từ 50 – 100 USD.

Ngoài ra, giá phôi thép thế giới tăng hơn 50% so với năm 2010 và việc điều chỉnh tỉ giá hồi đầu năm ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của các DN trong ngành, do phần lớn nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu. Việc hạn chế đầu tư công và tình hình lạm phát tăng cao tác động đến tâm lý tiêu dùng của người dân trong năm 2011 cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu thép nói chung.

Chờ đợi và hi vọng

Ông Hồ Minh Quang – Tổng Giám đốc Cty Tôn Nam Kim thẳng thắn nhìn nhận vấn đề: “Thời điểm hiện tại là một phép thử rất nghiệt ngã đối với DN thép VN. Hiện doanh số chúng tôi giảm 30% so với năm 2010 do nhu cầu của thị trường giảm. Tuy nhiên, phải biết chấp nhận sự thật và cố gắng làm sao để đủ tiền trả lương cho công nhân, trả lãi cho ngân hàng là đã quá thành công. Chờ đợi và hi vọng thôi”. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Nghĩa – Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đại Thiên Lộc cũng cho hay, DN đang cố gắng duy trì sản xuất để chờ đợi tính hiệu quả từ các chương trình chống lạm phát của Chính phủ. Hi vọng, đến cuối quý 3/2011, tình hình khá hơn đối với ngành thép.

Ngoài việc phải bấm bụng chịu lỗ để hi vọng ngành thép vượt qua khó khăn dồn dập, các công ty thép còn dè dặt trong việc đầu tư mới các dự án cán thép lớn. Đối với Cty Tôn Nam Kim, lẽ ra ở thời điểm này đã có thể đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất mới lớn hơn tại KCN Đồng An II. Tuy nhiên, do diễn biến xấu của ngành thép hiện nay mà công ty phải lùi tiến độ thực hiện dự án lại đến cuối năm mới đưa nhà máy vào hoạt động. Trong khi đó, khu liên hợp sản xuất thép Đại Thiên Lộc được cho là có quy mô lớn với sản lượng thép khi hoạt động hết công suất lên đến gần 1 triệu tấn/năm giờ cũng phải… giãn tiến độ để lùi ngày đưa vào sử dụng đến thời điểm cuối năm 2011.

Khó khăn chồng chất nhưng cũng có những nhận định lạc quan bởi hiện nay, nhiều DN với sự đầu tư mới các máy móc sản xuất hiện đại, cho ra những sản phẩm có sức cạnh tranh lớn đã có thể đẩy mạnh xuất khẩu để giải quyết tình trạng ế ẩm. Ngoài ra, một số Cty thép có quy mô lớn còn mạnh dạn trữ thép số lượng lớn, đợi khi thị trường phục hồi sẽ bung mạnh ra tiêu thụ. Đó cũng là một hình thức kinh doanh chấp nhận mạo hiểm để về sau thu lại lợi nhuận cao.

Theo DĐDN

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 + 12 =

To Top