Connect with us

Doanh nghiệp gas lo cạnh tranh, quên người tiêu dùng

Tin trong nước

Doanh nghiệp gas lo cạnh tranh, quên người tiêu dùng

Thời điểm này, nhiều công ty kinh doanh gas trong nước đua nhau giảm giá bán cho đại lý để đẩy hàng, giảm tồn kho khi giá thế giới đang có xu hướng giảm, mặc người tiêu dùng chịu cảnh giá gas cao ngất nhiều tháng nay.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thừa nhận, vừa giảm giá 5.000 đồng/bình 12 kg cho các đại lý, tức từ mức 365.000-370.000 đồng/bình 12 kg hồi đầu tháng 8 về mức 360.000-365.000 đồng. Việc giảm giá cho đại lý mà không phải cho người tiêu dùng này là để cạnh tranh, đẩy hàng, giảm hàng tồn kho khi giá trên thị trường thế giới có xu hướng giảm.

Ông Huỳnh Ngọc Tuệ, Trưởng phòng kinh doanh gas dân dụng, Công ty Petrolimex Sài Gòn, cho biết đơn vị này giảm giá cho đại lý là để đua với các công ty khác nhằm giữ khối lượng gas bán ra thị trường. “Các công ty tư nhân từ đầu tháng đến giờ đã giảm 2-3 lần, mỗi lần 5.000 đồng/bình. Chúng tôi bắt buộc cũng phải giảm theo để giữ lượng bán ra”, ông Tuệ nói.

Cũng theo ông Tuệ, thị trường gas trong 1-2 năm trở lại đây rất lộn xộn bởi chiêu cạnh tranh này. Ông cho rằng các công ty gas tư nhân, gia nhập thị trường sau nên luôn tìm cách giảm giá cho đại lý để kích cầu cũng như thu hút khách hàng mới. Ở thời điểm này, các công ty kể trên thấy giá thế giới đang có xu hướng giảm nên lập tức giảm giá bán để thu hút đại lý lấy hàng, giảm lượng tồn kho. “Do vậy, chỉ có đại lý được hưởng chứ người tiêu dùng không được bao nhiêu vì không nhiều đại lý theo đó giảm giá bán cho người mua lẻ”, ông Tuệ nói thêm.

Đại diện của một nhãn hiệu có thị phần khá lớn ở TPHCM cho biết thêm, sở dĩ các công ty nhỏ có điều kiện giảm giá bán cho đại lý như đang diễn ra là do họ không nhập khẩu gas theo định hạn mà theo nhu cầu ở từng thời điểm khác nhau. Giá hàng nhập về theo đó cũng linh động, có thể tăng, giảm dễ dàng… “Chúng tôi mua theo kỳ hạn, phụ thuộc hoàn toàn vào giá CP (giá hợp đồng) công bố mỗi đầu tháng nên rất khó làm việc này”.

Lý giải về việc chọn cách giảm giá cho đại lý mà không giảm giá trực tiếp cho người tiêu dùng, đại diện các công ty kinh doanh gas nói rằng đây là cách cuối cùng. “Đại lý bây giờ khôn lắm, bên nào giá rẻ là họ lấy, không bán hàng mình cho khách. Đợt vừa rồi, chúng tôi bị sụt giảm lượng bán ra nên phải chọn cách giảm giá theo các đối thủ để giữ mối”, đại diện Công ty Saigon Petro nói.

Cũng theo vị này, giảm cho đại lý cũng sẽ giúp người tiêu dùng hưởng lợi bởi các đại lý sẽ khuyến mãi thêm cho người mua gas, có thể tặng nước rửa chén, xà bông… như lâu nay vẫn làm.

Đại diện các công ty kinh doanh gas khẳng định, thời điểm này rất khó giảm giá trực tiếp cho người tiêu dùng. Nguyên nhân là do giá gas đang diễn biến như hồi giữa tháng 7. Theo đó, hồi giữa tháng trước, giá thế giới cũng giảm nhưng đến cuối tháng lại tăng mạnh. “Giá thế giới ở thời điểm này chỉ mang tính chất tham khảo để các công ty tính toán, cân đối chứ không thể giảm giá bán lẻ. Lỡ bây giờ giảm, cuối tháng giá CP lại tăng như tháng trước, các công ty phải tăng nhiều thì kẹt lắm”, đại diện một công ty không chịu nêu tên cho hay.

Tuy nhiên, các công ty kinh doanh gas xác nhận, nếu giá thế giới tiếp tục duy trì mức giảm như hiện nay (khoảng 40-50 đô la Mỹ/tấn) đến cuối tháng 8 thì giá gas bán lẻ từ đầu tháng 9 sẽ giảm trên 10.000 đồng so với mức công bố đầu tháng này.

Còn nhớ, hồi đầu tháng 8, lấy lý do giá CP giao tháng 8 tăng 25 đô la Mỹ/tấn, lên mức 860 đô la Mỹ/tấn, các công ty kinh doanh gas trong nước đã đồng loạt tăng 8.000 đồng/bình 12 kg. Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng được nhiều công ty công bố dao động ở mức 365.000-370.000 đồng/bình.

Trong nhiều tháng qua, giá gas luôn duy trì ở mức cao, có thời điểm lên trên 380.000 đồng/bình 12kg, đã gây sức ép lên người tiêu dùng.

Theo TBKTSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twenty − 1 =

To Top