Connect with us

Doanh nghiệp chê thị trường sách điện tử

Tin trong nước

Doanh nghiệp chê thị trường sách điện tử

Với mức tăng trưởng hàng năm là 30%, nhưng thị trường máy đọc sách điện tử vẫn chưa được coi là phát triển khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh và các nhà xuất bản chưa nhập cuộc vì ngại các vấn đề liên quan đến bản quyền.

Ông Hoàng Giang, Giám đốc điều hành Công ty maydocsach.vn, cho biết hàng tháng, công ty ông bán ra thị trường khoảng 500 máy cho các khách hàng lẻ. Các khách hàng mua khối lượng lớn các loại máy này là các doanh nghiệp, trường học và cả các cửa hàng bán máy đọc sách khác, và số lượng đơn đặt hàng mà công ty nhận được đang khá nhiều, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thị trường máy đọc sách tại Việt Nam hiện nay vẫn còn được cho là nhỏ vì Công ty maydocsach.vn là đơn vị duy nhất được hãng bán sách trực tuyến lớn nhất thế giới là Amazon.com chọn làm đại lý và chưa có công ty lớn nào được chọn làm nhà phân phối chính thức của thương hiệu Amazon cả, theo ông Giang.

Nhìn chung thị trường phát triển khá mạnh, nhưng thị trường sách điện tử có bản quyền vẫn chưa phát triển. Ông Giang cho biết đa số các sách điện tử hiện nay là không có bản quyền, thường từ các diễn đàn hay thư viện trên mạng, được sử dụng miễn phí.

Ông Giang đưa ra dẫn chứng rằng máy đọc sách Amazon Kindle hiện chiếm khoảng 70% thị phần ở Việt Nam nhưng chỉ khoảng 10% – 20% số lượng người mua máy này mua sách của Amazon mà thôi. Số người còn lại thì đọc sách sưu tầm được từ các thư viện, diễn đàn trên mạng, hay chính những tài liệu của công ty bán máy.

“Ở thời điểm này, sách có bản quyền đang rất khan hiếm. Sách điện tử hiện đang ở dạng không có bản quyền, mà là thuộc dạng tài nguyên chia sẻ lại từ các diễn đàn hay các thư viện điện tử,” ông Giang nói. Bản thân Công ty maydocsach.vn cũng có một thư viện, với khoảng 10.000 tài liệu, trong đó khoảng một nửa là các cuốn sách điện tử, nhưng nguồn là lấy từ trên các website miễn phí này.

Lãnh đạo một số nhà xuất bản cho biết họ đang tìm hiểu về chuyện làm sách điện tử và sẽ nhảy vào “khi thị trường đủ lớn”.

Đã có những doanh nghiệp như Công ty Trí Việt ký hợp đồng không độc quyền trong một năm với Samsung Vina về việc bán nội dung số của 50 trong số 170 đầu sách thuộc tủ sách Hạt giống tâm hồn trong thời hạn một năm, trị giá 23.000 đô la Mỹ.

Công ty Lạc Việt cũng đã số hóa gần 5.000 đầu sách và tự phát triển định dạng sách điện tử riêng và bộ đọc LacViet – Reader của riêng mình, nhằm tránh tình trạng sao chép lậu.

Tuy nhiên, những con số này, theo giới xuất bản, vẫn còn rất nhỏ, so với tiềm năng phát triển của thị trường, cũng như mặt bằng thế giới.

Giám đốc một nhà xuất bản cho biết so với việc để ra một đầu sách ở thời điểm hiện tại, với chi phí từ 80 triệu đến 100 triệu đồng, thì việc làm sách điện tử là “rất kinh tế”, vì chỉ cần vài thao tác kỹ thuật mà không phải tốn tiền in hay giấy cũng như phát hành không sợ tồn kho.

Nhưng điều vị giám đốc này e ngại chính là tình trạng vi phạm bản quyền ngoài tầm kiểm soát của họ, khi mà họ đang đơn độc chống lại tình trạng sách lậu, vi phạm bản quyền từ các bản in trên thị trường. Vì thế, ý định vẫn chỉ dừng lại ở ý tưởng.

Theo TBKTSG

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

three × 5 =

To Top