Connect with us

Điện thoại cố định có được “giải cứu”?

Tin trong nước

Điện thoại cố định có được “giải cứu”?

Cước kết nối cuộc gọi từ mạng ĐTDĐ sang mạng ĐTCĐ nội hạt sẽ tăng từ ngày 1.10 tới. Đây được xem là nhằm giải cứu cho dịch vụ ĐTCĐ đang rất nguy nan.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có quyết định tăng cước kết nối cuộc gọi từ mạng ĐTDĐ sang mạng ĐTCĐ nội hạt với mức từ 270 đồng/phút tăng lên 415 đồng/phút từ ngày 1.10 tới. Đây được xem là nhằm giải cứu cho dịch vụ ĐTCĐ đang rất nguy nan.

Sụt giảm thuê bao

Trong vài năm trở lại đây, dịch vụ ĐTCĐ đã bị dịch vụ thông tin di động lấn lướt, đặc biệt khi giá cước di động ngày càng rẻ, đến mức cước gọi từ di động sang cố định đã ngang bằng và thậm chí còn rẻ hơn cước gọi từ cố định sang di động, lại thêm phần tiện lợi mọi lúc mọi nơi, khiến cho dịch vụ thông tin di động lớn mạnh nhanh chóng, trong khi ĐTCĐ ngày càng teo tóp.

Tính đến thời điểm cuối tháng 7.2011, cả nước đạt 128,1 triệu thuê bao điện thoại. Các mạng di động phát triển được gần 5,7 triệu thuê bao mới trong 7 tháng đầu năm 2011, trong khi ĐTCĐ chỉ phát triển được 36.400 thuê bao mới. Có tháng như tháng 4.2011, sự tăng trưởng thuê bao ĐTCĐ giậm chân tại chỗ ở mức bằng 0. Những tháng tiếp theo, dù có tăng nhưng ở mức rất thấp.

Tình hình phát triển dịch vụ ĐTCĐ càng thê thảm hơn nếu so sánh thời điểm cuối năm 2010 với thời điểm hiện nay. Tổng số thuê bao ĐTCĐ trong cả nước vào cuối năm 2010 đạt khoảng 16,5 triệu thuê bao. Tuy nhiên đến hết tháng 7.2011, tổng số thuê bao ĐTCĐ chỉ còn 15,5 triệu, sụt giảm khoảng 1 triệu thuê bao.

Trong lần làm việc với nguyên Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp cách đây vài tháng, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc VNPT Hà Nội – cho biết, dịch vụ ĐTCĐ trên địa bàn không những không tăng trưởng mà ngược lại, trong vài năm trở lại đây cứ mỗi năm lại “rơi rụng” đi khoảng 60.000 thuê bao do sự cạnh tranh quyết liệt của dịch vụ ĐTDĐ. Tất nhiên, trong chiều hướng sụt giảm đó VNPT bị thiệt nặng nhất vì đang chiếm đến 71% thị phần (với 11,7 triệu thuê bao vào cuối năm 2010).

Không phải là giải pháp căn cơ

Còn nhớ năm 2008, Bộ TTTT cũng đã từng lấy ý kiến các DN viễn thông về việc giảm cước kết nối cuộc gọi từ ĐTCĐ sang ĐTDĐ xuống 20,5%, tức từ mức 535 đồng/phút xuống 425 đồng/phút. Khi ấy một số DN di động không đồng tình. Nhưng về sau, mức cước đã được giảm xuống còn 415 đồng/phút và được áp dụng đến nay.

Bây giờ với quyết định nâng mức cước kết nối từ cuộc gọi di động sang cố định, thì mức cước kết nối cả hai chiều đã ngang bằng nhau với mức 415 đồng/phút. DN cung cấp dịch vụ ĐTCĐ được hưởng lợi tăng cước kết nối thêm 53,7% từ quyết định của Bộ TTTT.

Tất nhiên, không ai khác mà cũng lại chính VNPT được hưởng lợi nhiều hơn cả, vì chiếm thị phần đến 71% trên thị trường dịch vụ ĐTCĐ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây không phải là giải pháp căn cơ để giúp cho dịch vụ ĐTCĐ tránh sự sụt giảm thuê bao và càng không thể giúp cho dịch vụ này phát triển mạnh.

Trên thực tế, cuộc gọi từ cố định sang di động nhiều hơn là từ di động sang cố định, vì thế sự hưởng lợi của các DN cung cấp dịch vụ ĐTCĐ trong đợt tăng cước kết nối này cũng có giới hạn. Có chăng chỉ giúp cho DN cung cấp dịch vụ ĐTCĐ giải quyết được sự lỗ lã hay tăng thêm nguồn thu, chứ không thể tác động tích cực gì đến đường hướng phát triển.

Giải pháp căn cơ nhất là dịch vụ ĐTCĐ phải sống được bằng chính các nguồn thu của mình, trong đó cần đến sự khai thác đa dịch vụ trên một đường dây điện thoại để tăng cường nguồn thu, chứ nếu chỉ đơn thuần dựa vào nguồn thu từ dịch vụ điện thoại truyền thống, e rằng sẽ dần “chết mòn” với sự đơn điệu nghèo nàn của mình. Điều này không cần phải chờ mà đã và đang xảy ra. Không ai có thể giải cứu được cho dịch vụ ĐTCĐ ngoài chính các DN cung cấp dịch vụ này.

Theo Lao Động

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eleven − five =

To Top