Connect with us

Điểm yếu của Microsoft chính là Steve Ballmer?

Tình huống thương hiệu

Điểm yếu của Microsoft chính là Steve Ballmer?

Dường như niềm tự hào quá lớn của Tổng Giám đốc Steve Ballmer vào bộ phận Windows đã khiến cho Microsoft luôn bị chậm chân so với các đối thủ trên mặt trận cải tiến.

Một blogger biệt danh là Paperboy đã rất hào hứng khi cầm trên tay nguyên mẫu của một thiết bị đang được phát triển tại Microsoft với cái tên Courier. Với màn hình cảm ứng đa điểm và thiết kế đầy phong cách, Courier là “một sản phẩm đáng ngạc nhiên trong lĩnh vực máy tính bảng”. Đó là nhận xét của Paperboy đăng trên trang Gizmodo vào mùa thu năm 2009, giữa lúc giới công nghệ đang xôn xao về chiếc máy tính bảng sắp ra mắt của Apple.

Điều quan trọng nhất, Courier chính là cơ hội để Microsoft có thể một bước tiến sâu vào thị trường thiết bị di động, một thị trường màu mỡ đã “xa lánh” Microsoft trong 15 năm qua. Đây cũng là thị trường mà Apple và Google đã chiếm được chỗ đứng khá vững chắc.

Vì thế, khi Robbie Bach, lúc đó đứng đầu Bộ phận Thiết bị và Giải trí, trình bày ý tưởng lên Tổng Giám đốc Steve Ballmer và các lãnh đạo cấp cao của Microsoft, ông cứ đinh ninh sẽ nhận được sự ủng hộ để tiếp tục triển khai dự án này. Nhưng ngược lại, Ballmer đã khai tử dự án. Lý do đơn giản là mặc dù nguyên mẫu Courier được phát triển dựa trên nền tảng Windows, hệ điều hành máy tính nổi tiếng của Microsoft, nhưng lại xây dựng một hệ điều hành di động chuyên biệt cho mình.

Không chỉ Bach không nhận được nguồn vốn rót thêm cho dự án mà Ballmer còn nói là sẽ không có chiếc Courier nào vì thiết bị này là không cần thiết. Ballmer nói rằng, chiếc Courier phải trở thành một phần của phiên bản mới của Windows, tức Windows 8, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2011 hoặc 2012, thậm chí là Windows 9.

Bach đã học được một bài học lớn về quyền lực của Windows trong Tập đoàn. Đó là trung tâm vũ trụ của Microsoft chỉ xoay quanh Windows và mọi ý tưởng, dù là mang tính đột phá, đều không được ủng hộ nếu đi chệch khỏi quỹ đạo của Windows. Chỉ vài tháng sau khi dự án bị khai tử, Bach đã nghỉ việc (ông từ chối bình luận về vấn đề này).

Việc Ballmer vội vàng khai tử Courier cho thấy một sự thiển cận làm què quặt dàn quản lý cấp cao của Tập đoàn trong những năm gần đây và khiến Microsoft luôn bị chậm chân so với các đối thủ Apple, Google. Chính Ballmer cũng đã phải công khai thừa nhận Microsoft đã bỏ lỡ nhiều cuộc chơi. Hệ điều hành Vista là một sự thất bại cay đắng. Thiết bị nghe nhạc MP3 Zune cũng có nhiều khuyết điểm. Và nỗi đau lớn nhất của Microsoft chính là điện thoại di động, được xem là máy tính cá nhân của thế kỷ XXI.

Nguyên nhân cốt lõi cho vấn đề này dường như nằm ở chính bản thân Ballmer.

Công và tội

Các nhà điều hành từng làm việc cho Microsoft cũng như giới phân tích đều cho rằng, chính niềm tự hào quá lớn vào Microsoft, cụ thể là sự thành công của Tập đoàn với bộ phận Windows, đã khiến Ballmer phớt lờ những ý tưởng hay của các đối thủ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ USA Today vào năm 2007, ông cho biết: “iPhone không có cơ hội nào để giành được thị phần lớn”. Thế nhưng ngay khi ra đời vào năm đó, iPhone đã trở thành một cơn sốt.

Theo nhận xét chung, Ballmer, 55 tuổi, là người có đầu óc kinh doanh rất nhạy bén, nhưng không phải là người giỏi trong việc thúc đẩy cải tiến. Và ông thực sự cũng không cần phải thế, bởi Windows vẫn đang đem lại lợi nhuận cao cho Tập đoàn. Bộ phận này đã tạo ra lợi nhuận lên tới 12 tỉ USD trên doanh số bán 18 tỉ USD vào năm ngoái.

Nhưng hào quang từ Windows không còn hấp dẫn nhà đầu tư như nó từng làm được vào thập niên 1980 và 1990. Mặc dù doanh số bán và lợi nhuận của Microsoft tăng gấp đôi trong vòng 8 năm qua, nhưng cổ phiếu của Tập đoàn vẫn xập xình ở mức 25 USD/cổ phiếu. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Apple đã tăng gấp hơn 20 lần so với năm 2002.

Nói một cách công tâm, trong suốt 11 năm Ballmer làm Tổng Giám đốc, Microsoft đã có một số thành công nhất định trong những lĩnh vực mới mà Hãng nhảy vào. Họ đã trở thành một đối thủ lớn trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, như cung cấp các phần mềm máy chủ, sản phẩm về cơ sở dữ liệu và các gói phần mềm chuyên dụng khác cho các tập đoàn lớn. Dưới thời của Ballmer, bộ phận phần mềm dành cho doanh nghiệp đã tạo ra 15 tỉ USD doanh số bán vào năm ngoái và hơn 5 tỉ USD lợi nhuận. Microsoft cũng đang nhảy vào lĩnh vực điện toán đám mây với phần mềm dựa trên nền tảng web Azure.

Công cụ tìm kiếm Bing cũng khá ấn tượng đối với giới chuyên môn, dù nó không mảy may làm lung lay vị trí thống lĩnh của Google trong lĩnh vực tìm kiếm. Bộ trò chơi Xbox vẫn chưa thu hồi được khoản 6 tỉ USD mà Microsoft đã đầu tư để phát triển nền tảng này. Thế nhưng, nó là một cú hích thực sự khi các sản phẩm Xbox đã có mặt tại hơn 50 triệu hộ gia đình trên khắp thế giới. Theo công bố của Microsoft, thiết bị chơi game Kinect, vốn là giá trị cộng thêm cho Xbox, đã bán được hơn 10 triệu chiếc. Đây là một con số đáng kinh ngạc khi Kinect chỉ mới ra mắt thị trường vào tháng 11.2010. Vào đầu năm nay, Ballmer đã ghi thêm một bàn thắng lớn khi Nokia tuyên bố sẽ sử dụng hệ điều hành di động Windows Phone 7 của Microsoft cho dòng điện thoại thông minh của mình.

Có thể nói, Microsoft rất tinh tường trong việc nhận diện các xu hướng công nghệ. Dưới trướng của Ballmer là những bộ óc kỹ thuật xuất sắc thừa sức để thực hiện cải tiến. Tuy nhiên, đã nhiều lần Microsoft thất bại trong việc đưa những ý tưởng và thử nghiệm sáng tạo của mình trở thành những cú hích trên thị trường tiêu dùng. Bill Gates đã đưa ra ý tưởng về máy tính bảng ít nhất 15 năm trước, nhưng cuối cùng, chính Ballmer đã khai tử nó (dự án Courier). Microsoft thậm chí đã bắt đầu triển khai dự án thiết bị đọc sách eReader cách đây 10 năm, nhưng theo Dick Brass, một nhà quản lý trước đây của dự án này, nó đã trở thành vật hy sinh cho “vị chúa” Windows. Cuối năm 2010, trong một thông báo chia tay đồng nghiệp tại Microsoft, Trưởng Kiến trúc sư Phần mềm Ray Ozzie đã viết: “Mặc dù chúng ta nhìn thấy trước xu hướng rất sớm và rất rõ ràng, nhưng lại chậm chân so với các đối thủ trong việc triển khai ý tưởng”.

Nỗi đau tiêu dùng của Ballmer

Có thời điểm Ballmer dường như sẵn sàng rời khỏi chiến lược “Một giải pháp Windows cho tất cả”, ít nhất là đối với điện thoại di động. Năm 2008, Microsoft đã mua lại công ty công nghệ di động Danger, nhà phát triển sản phẩm điện thoại Sidekick. Vào lúc thương vụ chưa hoàn tất, Matt Bencke, một nhà điều hành tại Microsoft, phát biểu trong cuộc họp với phía Danger rằng: “Các bạn có sản phẩm tuyệt vời. Chúng tôi sẽ cho các bạn nguồn lực để đưa nó lên tầm cao mới”.

Hai tháng sau đó, phía Danger mới biết được rằng họ đã mộng tưởng. Các kỹ sư của Danger lại được giao nhiệm vụ hỗ trợ phát triển một điện thoại dựa trên Windows nhằm vào đối tượng từ 7-12 tuổi có tên là Kin (Bencke từ chối bình luận về sự đổi hướng này). Điều đáng nói là một nhóm khác trong Microsoft lại phát triển hệ điều hành Windows Phone 7 để cạnh tranh với iOS của Apple và Android của Google. Và nhóm phát triển sản phẩm Kin được yêu cầu phải phát triển sản phẩm dựa trên Windows Phone 7 nhưng hạn chót hoàn tất hệ điều hành mới này thì cứ kéo dài. Vì thế, nhóm Kin buộc phải phát triển sản phẩm dựa trên phiên bản hệ điều hành mới mà chỉ được hoàn thành một phần.

“Họ trả ngần ấy tiền để mua lại bí quyết công nghệ, kinh nghiệm, chuyên môn của chúng tôi, nhưng không ai nghe ý kiến của chúng tôi cả. Một số người còn nói thẳng rằng: Các anh đã rất may mắn với Sidekick, giờ đừng ý kiến này nọ và hãy làm những gì chúng tôi thuê”, Cid Halloway, kỹ sư phần mềm cấp cao của phía Danger, cho biết. Halloway đã rời khỏi Microsoft vào mùa thu vừa qua sau 30 tháng làm việc.

Microsoft tung ra chiếc Kin vào tháng 4.2010. Các đánh giá của giới chuyên môn về Kin không mấy ấn tượng vì nó bỏ lỡ một số điểm quan trọng như không có tin nhắn tức thì, không thể xem video trên YouTube và người sử dụng cũng không thể mua các trò chơi trực tuyến. Chỉ 48 ngày sau khi Kin ra mắt tại các cửa hàng, Microsoft đã tuyên bố ngừng sản xuất chiếc điện thoại này. Những người trong cuộc cho biết, Microsoft đã bỏ ra ít nhất 1 tỉ USD để phát triển và tiếp thị chiếc Kin.

Kết cục của Kin là một ví dụ khác cho thấy Ballmer, vốn có tiếng là nhà lãnh đạo nhạy bén và có trực giác tốt, dường như lơ ngơ đối với những gì có liên quan đến người tiêu dùng. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh người tiêu dùng đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình các chiến lược và quyết định về công nghệ của các doanh nghiệp. Trong khi đó, sự phát triển của bộ phận Windows là đến từ khu vực doanh nghiệp. Nếu không sớm thay đổi, ngay cả trụ cột Windows cũng có thể bị lung lay.

Tương lai nào cho Microsoft?

Rob Sanfilippo, từng có 14 năm làm việc tại Microsoft và hiện là chuyên gia phân tích tại Directions on Microsoft (hãng tư vấn độc lập chuyên theo dõi về Microsoft), cũng thừa nhận, Microsoft đã bám quá lâu vào thương hiệu Windows. “Họ phải nhận ra một điều rằng không thể cứ đưa Windows vào mọi loại thiết bị và cho rằng chúng sẽ tương thích”, ông nói.

Một số ý kiến cho rằng, câu trả lời cho Ballmer là phải chia tách Microsoft. Charles Fitzgerald, từng là nhà quản lý sản phẩm cho Microsoft, hiện là lãnh đạo cấp cao tại hãng phần mềm VMware, cho rằng, Ballmer nên tách Microsoft ra làm các công ty nhỏ hơn. Khi đó, bộ phận Windows có thể làm bất cứ điều gì mình thích với tư cách là một công ty độc lập (Hiện tại, khi bộ phận Windows phát triển một sản phẩm hoặc một đặc tính nào đó thì các bộ phận khác trong Tập đoàn không được “đụng” tới nó. Điều này được cho là một phần nguyên nhân làm chậm tốc độ cải tiến của Microsoft). Tách Microsoft cũng có thể giải phóng Office để nó phát triển những ứng dụng dành riêng cho iPad và Android mà không phải lúc nào cũng ưu tiên cho Windows trước.

Một số khác thì cho rằng nên bán đi các bộ phận phục vụ đối tượng người tiêu dùng. Như vậy, Microsoft có thể tập trung vào thế mạnh của mình là cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Ballmer phản ứng rất gay gắt trước những ý kiến cho rằng Microsoft nên tách bộ phận người tiêu dùng. Phát biểu tại một hội nghị ngành công nghệ thông tin vào tháng 10.2010, Ballmer gọi đề nghị trên của chuyên gia phân tích Sarah Friar thuộc ngân hàng Mỹ Goldman Sachs là “ý nghĩ điên rồ”. Trước đó, bà Friar đã hạ bậc cổ phiếu của Microsoft cũng chính vì sự sa sút của Microsoft trong lĩnh vực sản phẩm cho tiêu dùng.

Liệu đã quá trễ đối với Microsoft? Chính Tập đoàn đã tự đưa mình vào tình thế khó khăn này khi hoang phí những nguồn lực của mình. Nhưng Ballmer vẫn còn cơ hội để thay đổi cục diện, vì cuộc cạnh tranh trên thị trường máy tính bảng vẫn đang ở giai đoạn đầu. Các công ty, vốn từng gặp những trở ngại lớn hơn cả Microsoft, cũng đã thay đổi. Đó là nhờ họ có những người lãnh đạo có tinh thần thép, sẵn sàng từ bỏ quá khứ để tìm kiếm cơ hội trong một tương lai không chắc chắn nhưng hứa hẹn nhiều triển vọng. Apple, IBM là những ví dụ về sự trở về ngoạn mục trong ngành công nghệ. Vấn đề là ở chỗ Ballmer có chấp nhận rời khỏi “vùng an toàn” Windows để đổi mới Microsoft hay không.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư 

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 + 14 =

To Top