Tin quốc tế
Đến lượt Sony, Sharp báo lỗ “khủng”
Những con số này càng củng cố thêm bức tranh tối màu về ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản...Sau báo cáo thua lỗ gây “sốc” của Panasonic, hôm nay, hai hãng điện tử hàng đầu khác của Nhật Bản là Sony và Sharp tiếp tục công bố mức lỗ vượt xa dự báo.
Báo Wall Street Journal cho biết, trong quý tài chính thứ hai kéo dài từ tháng 7-9/2012, Sharp lỗ ròng 249,1 tỷ Yên, tương đương 3,11 tỷ USD, so với mức lợi nhuận ròng 9,4 tỷ Yên đạt được vào cùng kỳ năm ngoái. Mức lỗ này của Sharp cao hơn dự báo trước đó của giới quan sát.
Cả năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2013, Sharp dự kiến sẽ lỗ 450 tỷ Yên, thay vì mức dự báo lỗ 250 tỷ Yên đưa ra hồi tháng 8.
Những con số này càng củng cố thêm bức tranh tối màu về ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản.
Tương tự như Panasonic, Sharp và Sony cũng đang mạnh tay tái cơ cấu thông qua thu hẹp lực lượng lao động và cắt giảm chi phí nhằm tìm đường về với lợi nhuận. Tuy nhiên, với cơ sở sản xuất lớn tại Nhật, các hãng này đều chịu ảnh hưởng bất lợi do đồng Yên mạnh. Đồng Yên cao giá khiến hàng điện tử Nhật trở nên đắt đỏ hơn khi được tiêu thụ ở nước ngoài.
Cả ngành công nghiệp điện tử Nhật nói chung đều đang đối mặt với doanh số ảm đạm và chi phí leo thang. Nhưng Sharp là hãng chịu tác động đặc biệt mạnh bởi hãng này có mảng TV tinh thể lỏng (LCD) lớn. Sharp đã đầu tư nhiều để xây dựng một cơ sở khổng lồ các nhà máy sản xuất màn hình LCD tại Nhật. Khi thị trường LCD xuống dốc, Sharp chịu một cú đấm “kép” bao gồm cả giá giảm lẫn doanh số trượt dài.
Tình hình bi đát đến nỗi đã có lúc Sharp bị đẩy tới bờ vực tan rã. Vào tháng 7, Sharp bán lại 38% cổ phần trong một nhà máy sản xuất màn hình LCD tại Sakai, Nhật Bản, cho ông Terry Gou, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Đài Loan Hon Hai. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thực hiện phần thứ hai của thỏa thuận trong đó Hon Hai sẽ nắm 9,9% cổ phần của Sharp. Ông Gou nói rằng, ông có thể rút lui khỏi thỏa thuận này.
Trong buổi họp báo diễn ra ngày thứ Năm (1/11), Chủ tịch Sharp là ông Takashi Okuda cho biết, các cuộc đàm phán với phía Hon Hai vẫn đang diễn ra, nhưng Sharp đang cân nhắc thành lập liên minh với các công ty khác hơn là đối tác Đài Loan này.
Tháng trước, Sharp rốt cục đã được tung một “phao cứu sinh” khi đạt thỏa thuận nhận khoản vay trị giá 360 tỷ Yên. Để nhận khoản vay từ ngân hàng này, Sharp đã phải đưa ra cho các chủ nợ một kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm và bán tài sản ở nước ngoài.
Khiêm tốn hơn về mức độ thua lỗ, Sony báo mức lỗ ròng 15,5 tỷ Yên, tương đương 194 triệu USD, trong quý tài khóa vừa rồi, so với mức lỗ 27 tỷ Yên cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, nhiều nhà phân tích đã dự báo Sony lãi ròng khoảng 15,57 tỷ Yên.
Đây đã là quý lỗ ròng thứ 7 liên tiếp của Sony. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là doanh thu của hãng này trong quý đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 1.605 tỷ Yên.
Đối với cả năm tài khóa, Sony tuyên bố duy trì dự báo mức lợi nhuận ròng 20 tỷ Yên, nhưng hạ mức dự báo doanh thu xuống còn 6,6 nghìn tỷ Yên từ mức 6,8 nghìn tỷ Yên đưa ra trong lần dự báo trước.
Sony hiện đã rút khỏi hai liên doanh sản xuất màn hình chính, một với Sharp và một với Samsung, như một phần trong chiến dịch tái cơ cấu dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành (CEO) Kazuo Hirai. Hãng này đang rút khỏi lĩnh vực TV, một mảng kinh doanh đang bị bóp nghẹt bởi cạnh tranh về giá và tỷ suất lợi nhuận ngày càng mỏng, để tập trung vào các lĩnh vực điện thoại thông minh, trò chơi video, và y tế.
Hôm thứ Tư (31/10), Panasonic báo lỗ 8,8 tỷ USD trong quý tài khóa thứ hai, đồng thời dự báo lỗ gần 10 tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại. Trong phiên giao dịch ngày 1/11, giá cổ phiếu Panasonic tại Tokyo đã sụt giảm 19%, cuốn phăng 3 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của hãng này.
Theo vneconomy