Connect with us

Để người tiêu dùng được bảo vệ

Tin trong nước

Để người tiêu dùng được bảo vệ

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã chính thức có hiệu lực, đem lại hy vọng về một thị trường sản phẩm minh bạch, an toàn. Nhưng thực thi như thế nào còn tùy thuộc vào nhà sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng (NTD).

Dù Luật Bảo vệ NTD đã có hiệu lực từ ba tháng qua nhưng tình trạng kinh doanh hàng dỏm, hàng kém chất lượng vẫn… tăng dần đều.

Bà Nguyễn Thị Khánh Linh, nhà ở chung cư Bàu Cát (Q. Tân Bình) kể, cách đây gần hai tháng, xem tivi thấy quảng cáo dụng cụ đuổi chuột, gián, bà đã bỏ ra 1,2 triệu đồng để mua sản phẩm.

Sau hai tuần sử dụng, thấy gián vẫn chạy khắp nhà mỗi đêm, bà gọi điện đến nhà cung cấp yêu cầu đổi sản phẩm khác thì nhận được câu trả lời: “Gián là loại cứng đầu, cô phải chờ ít nhất khoảng một tháng mới thấy tác dụng”.

Sau một tháng, khắp nhà bà vẫn đầy gián, bà lại gọi điện yêu cầu đổi sản phẩm khác thì đầu dây bên kia khuyên bà hãy kiên nhẫn chờ thêm một thời gian nữa. Thấy gián không chết mà nhiều người trong nhà thường bị đau đầu, chóng mặt, bà đành vứt dụng cụ đuổi gián vào thùng rác.

Không mua hàng qua tivi như bà Khánh Linh, bà Nguyễn Thị Bé Tư, nhà ở quận 12, cũng bị… lừa dù mua hàng tận nơi. Bà Bé Tư cho biết, trên đường Trường Chinh có rất nhiều cửa hàng điện máy và luôn có khuyến mãi.

Đầu tháng 8 vừa rồi, thấy một cửa hàng để bảng giảm giá 40% các mặt hàng điện máy, bà ghé vô mua một chiếc máy sấy tóc và một nồi cơm điện. Lúc mua bà không để ý, về nhà mới thấy nồi trầy nhiều chỗ. Gọi lên cửa hàng thì nhân viên bảo vì là hàng trầy sướt nên mới bán với giá đó.

“Họ đã nói vậy rồi thì mình có đi tới đi lui cũng chỉ tổ mất thời gian mà chưa chắc được đổi cho cái mới. Thôi đành để dùng vậy”, bà Bé Tư nói.

Thường bị hàng khuyến mãi “đánh lừa” nhưng phần đông NTD Việt Nam đều thích khuyến mãi. Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen, tỷ lệ NTD Việt Nam quan tâm đến hàng khuyến mãi cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Có đến 87% NTD quan tâm đến hàng khuyến mãi (mức trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 68%) và đến 56% NTD Việt Nam tìm các sản phẩm khuyến mãi khi đi mua sắm (mức trung bình của khu vực chỉ 38%).

Hai trường hợp trên cho thấy đã có sự lỏng lẻo về cấp phép, quản lý thị trường, quảng cáo sản phẩm, trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Các kênh truyền hình và doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở đó để đưa ra những hình thức quảng cáo hàng hóa mới, tao sự tin tưởng nơi khách hàng, nhưng cuối cùng người tiêu dùng bị lừa, vì họ luôn ở thế yếu, không quyết định được giá cả và gánh chịu mọi sự rủi ro.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng dù ra đời nhưng thực thi luật thế nào lại là một chuyện khác.

Trao đổi tại hội thảo Thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tổ chức vào ngày 30/8, bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ quyền lợi NTD cho rằng, từ trước đến nay, NTD luôn ở thế yếu vì không hiểu chất lượng sản phẩm như nhà sản xuất, kinh doanh.

Với luật mới, NTD sẽ có 8 quyền cụ thể, phù hợp với các quyền đã được Liên Hiệp Quốc thông qua, gồm: quyền được thông tin; được giáo dục; được lắng nghe; được khiếu nại và bồi thường; được an toàn; được lựa chọn; được sống trong môi trường lành mạnh và bền vững; được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản.

Bên cạnh 8 quyền trên, NTD cũng có nghĩa vụ như: kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, thực hiện đầy đủ, chuẩn xác hướng dẫn sử dụng, thông tin cho các cơ quan chức năng các hành vi vi phạm quyền lợi NTD…

Ngoài quy định quyền của NTD, Luật cũng quy định chặt chẽ và cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ: niêm yết giá, cảnh báo khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, các biện pháp phòng ngừa, cung cấp hướng dẫn sử dụng, thay thế linh kiện, điều kiện bảo hành…

Chẳng hạn như, nếu cung cấp thông tin chất lượng, xuất xứ, bảo hành… không chính xác và trung thực cũng sẽ bị xử lý. Hiện nay, có nhiều văn bản quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh như Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh về giá…

Và từ nay không chỉ có nhà sản xuất, kinh doanh mà bên thứ ba (các phương tiện truyền thông) cũng phải có trách nhiệm với thông tin sản phẩm mà mình quảng bá cũng như sẽ liên đới chịu trách nhiệm nếu sản phẩm gây nguy hại cho NTD.

Các chuyên gia cho rằng, Luật đã có nhưng để quyền lợi NTD thật sự được bảo vệ thì chính bản thân họ phải hiểu quyền của mình. “Pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước, tuy nhiên, sẽ không có tác dụng nếu mọi người không hiểu luật.

Và bảo vệ NTD cũng là bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất chân chính”, bà Nga nói.  

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 + 3 =

To Top