Tình huống thương hiệu
Đầu tư khách sạn: Sao đổi ngôi
Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, giá và công suất phòng của khách sạn 4 sao trong năm 2010 đã tăng vượt bậc (so với khách sạn 3 và 5 sao). Kéo theo đó là hàng loạt các đầu tư nâng cấp, thăng hạng của nhiều khách sạn tại TP.HCM nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường du lịch.Vì sao là 4 sao?
Khác với tình hình năm 2009, giá thuê phòng tại các khách sạn từ 3 – 5 sao dao động trong khoảng 70 – 90 USD/phòng/đêm do bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
Thế nhưng, năm 2010, mức giá thuê này đã được cải thiện rõ rệt, mặc dù chưa đạt ngưỡng giá thuê của năm 2008 (khoảng 120 USD/phòng/đêm), nhưng cũng đạt mức giá từ 90 – 100 USD/phòng/đêm. Nâng tổng công suất sử dụng phòng của khách sạn tại các vùng, miền năm 2010 tăng 1,9%. Trong đó, khách sạn 4 sao tăng ấn tượng 5,3% so với các hạng mục 3 và 5 sao.
Đây quả là sự “đổi ngôi” khá ngoạn mục, bởi theo ông Thân Thành Vũ, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Bất động sản Du lịch, hiện phân khúc khách sạn 3 sao đang ở trong thế cầu vượt cung.
Tại địa bàn quận 1 (TP.HCM), vào mùa cao điểm, trong khi công suất của nhiều khách sạn cao cấp 5 sao (với mức giá khoảng 300USD/phòng/đêm) chỉ mới đạt khoảng 60%, thì ở các khách sạn 3 sao luôn được lấp đầy (ở mức giá 60 – 70 USD/phòng/đêm).
Bởi vì, theo ông Vũ, đôi khi du khách chỉ cần đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi hơn là sự đa dạng về dịch vụ. Điều này cho thấy một cơ hội lớn ở phân khúc khách sạn 3 sao, “đây chính là cửa ngõ, cũng như cơ hội mà các nhà đầu tư nên nhìn lại”, ông Vũ nói.
Thế nhưng, theo khảo sát của Grant Thornton về ngành khách sạn tại Việt Nam năm 2010, trong khi công suất phòng của khách sạn 4 – 5 sao tăng, thì công suất khách sạn 3 sao lại giảm 1,6%.
Lý giải cho hiện tượng này, ông Ken Atkinson, Giám đốc Điều hành Grant Thornton, cho rằng, nhu cầu của khách hàng đã dịch chuyển theo hướng nơi lưu trú có chất lượng cao hơn, tiện nghi và đa dạng về mặt dịch vụ hơn là chỉ quan tâm đến giá cả.
Thực vậy, theo thống kê của Công ty Savills Việt Nam, tính đến thời điểm này, TP.HCM có gần 10.000 phòng khách sạn từ 3 – 5 sao. Tuy nhiên, dự kiến giai đoạn 2011 – 2012, sẽ có thêm 25 dự án khách sạn từ 3 – 5 sao gia nhập thị trường (chủ yếu tập trung ở quận 1, quận 3, quận 7 và quận Tân Bình).
Riêng năm 2012, trong số 1.500 phòng được đưa vào khai thác thì cả hai phân khúc 4 – 5 sao dẫn đầu lần lượt với 630 – 750 phòng, trong khi khách sạn 3 sao chỉ 170 phòng.
Đổi sao, chuyển hướng
Một trong những đơn vị lữ hành sở hữu hệ thống chuỗi khách sạn 3 sao lớn nhất tại TP.HCM phải kể đến là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), với chuỗi khách sạn Quê Hương Liberty (Công ty Cổ phần Quê hương Liberty).
Thế nhưng, vào cuối tháng 11/2010, Saigontourist đã đồng loạt nâng cấp 3 khách sạn trong chuỗi hệ thống Quê Hương Liberty từ 3 sao lên 4 và 5 sao. Cụ thể, tại vị trí khách sạn 3 sao Metropole và trạm xăng Comeco (148 Trần Hưng Đạo, Q.1), Saigontourist đã đầu tư xây dựng hẳn khách sạn 5 sao Pullman Saigon Centre.
Trong khi đó, ngay “mảnh đất vàng” của khách sạn 3 sao Quê Hương 1 (165-167 Hai Bà Trưng, Q. 1) và phần đất của Công ty Invesco, hiện công trình khách sạn Novotel Saigon Centre với tiêu chuẩn 4 sao đang dần hình thành.
Điều này cũng tương tự với trường hợp của Liberty Central đã được nâng cấp từ Quê Hương Liberty 6 (177-179 Lê Thánh Tôn, Q.1). Tổng mức đầu tư mà Saigontourist chi cho ba công trình này là trên 113 triệu USD.
Lý giải về quyết định nâng cấp 3 khách sạn trên, ông Nguyễn Hữu Thọ, khi đó vẫn còn đương nhiệm chức Tổng giám đốc Saigontourist, cho biết, ngoài chiến lược trở thành tập đoàn du lịch hàng đầu Việt Nam và khu vực ở các kênh lưu trú – lữ hành – ẩm thực và dịch vụ du lịch, Saigontourist còn đang nuôi ý định đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2015.
Việc nâng cấp và mời Tập đoàn Accor quản lý các khách sạn 4 – 5 sao cũng nhằm mục đích nâng cao chuẩn dịch vụ và đón nguồn khách quốc tế.
Không chỉ Saigontourist mà theo khảo sát của Grant Thonrnton về “kế hoạch mở rộng khách sạn” của các chủ đầu tư, trong số các khách sạn được khảo sát, 42,6% đang có kế hoạch mở rộng hoặc cải thiện các tiện nghi của khách sạn trong vòng 2 năm tới.
Trong khi, nhóm khách sạn 3 sao chú trọng nhiều đến việc mở rộng qui mô khách sạn, thì nhóm khách sạn 4 sao lại đang dẫn đầu việc mở rộng và phát triển các dịch vụ, vì phần lớn do kết quả hoạt động khá khả quan trong năm 2010.
Căn cứ theo chỉ tiêu đánh giá công suất khai thác phòng có sẵn trong mùa cao điểm và thấp điểm (RevPAR), khách sạn 4 sao có RevPAR tăng cao nhất 15,0% so với năm trước.
Trong khi đó, khách sạn 3 sao tăng chậm hơn với 5,8% và 5 sao tăng 10,3%. Không những thế, 2010 là năm đánh dấu sự phát triển vượt trội của ngành du lịch và khách sạn Việt Nam, với hơn 5 triệu lượt khách quốc tế đến đây, đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc lần đầu tiên tại Việt Nam.
Có thể nói, đây là một yếu tố quan trọng góp phần vào việc cải thiện giá phòng và công suất sử dụng phòng cho ngành khách sạn.
Theo DĐDN