Connect with us

Da giày chật vật huy động vốn đầu tư

Tin trong nước

Da giày chật vật huy động vốn đầu tư

Lạm phát tăng cao, nhiều ngành chủ trương cắt giảm đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm… là những nguyên nhân khiến cho huy động vốn phát triển ngành da giày càng khó khăn.

Cuối năm 2010, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn này lên tới xấp xỉ 60.000 tỷ đồng. Sau hơn nửa năm triển khai Chiến lược, ngành da giày đã huy động được bao nhiêu phần trăm trong tổng số vốn này?

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, đây là tổng số vốn đầu tư ngành cần trong 10 năm, nếu chia bình quân thì mỗi năm phải có được 2.500 tỷ đồng và 180 triệu USD. Theo Quyết định được phê duyệt, thì ngành dự kiến huy động trong nước 43% và vốn từ thu hút đầu tư nước ngoài la 57%

Theo Quy hoạch được Bộ Công Thương phê duyệt, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam sẽ đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ vào 2015 và 14,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt 60-65% vào năm 2015 và 75-80% vào năm 2020, sử dụng số lượng lao động tương ứng là 838.000 và hơn 1 triệu lao động.

Số vốn gần 60.000 tỷ đồng sẽ được ngành sử dụng để xây dựng các dự án phát triển ngành thuộc da, các khu công nghiệp, các trung tâm nguyên phụ liệu… Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhiều ngành chủ trương cắt giảm đầu tư và tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm mạnh thì vấn đề huy động ở đâu ra nguồn vốn lớn đang là câu hỏi rất lớn đối với ngành da giày.

Trao đổi với Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Tòng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) đã không ngần ngại thừa nhận, trong điều kiện kinh tế toàn cầu khó khăn và khủng hoảng như hiện nay, kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư phục vụ cho Chiến lược phát triển ngành rất khó thành hiện thực.

Không có vốn để đầu tư cho các dự án trọng điểm, cũng có nghĩa ngành da giày lại có thêm nhiều khả năng lỗi hẹn với các mục tiêu được đưa ra trong Chiến lược phát triển 10 năm 2011-2020.

Những năm qua, năng lực sản xuất của ngành da giày được nâng lên, nhưng câu chuyện đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu thì gần như đứng yên vì cả doanh nghiệp trong và ngoài nước đều e ngại khi bỏ vốn quá nhiều vào lĩnh vực này.

Doanh nghiệp trong nước và cả nước ngoài chỉ chú trọng đầu tư vào khâu sản xuất giày với lợi thế vốn đầu tư thấp và thu hồi vốn nhanh, vì chỉ cần bỏ 1 – 1,5 triệu USD là có thể đầu tư một dây chuyền sản xuất có công suất 500.000-600.000đôi/năm.

Việt Nam cũng chưa có nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất giày dép. Hiện tại, nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ có thể đáp ứng khoảng 40%.

Việc cung ứng nguyên liệu hiện đang bị lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào, các vật liệu, hoá chất, máy móc và phụ tùng nhập khẩu từ nước ngoài. Phần lớn các loại đế giày, vải các loại (dùng cho giày vải), và một số nguyên liệu như tấm đế 1, keo dán phụ liệu khác,… thì được đầu tư trong nước. Riêng các loại nguyên liệu mũ giày (da, giả da, da nhân tạo, da tráng PU…) chỉ mới sản xuất trong nước một sản lượng rất thấp, phần lớn còn lại phải nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhiều nguyên liệu được sản xuất tại Trung Quốc, song giá cả nhập khẩu chính ngạch vẫn rất cao, khiến các doanh nghiệp phải nhập khẩu qua nước thứ 3 như Đài Loan, Hàn Quốc

Cũng phải nhắc lại rằng, thực tế triển khai Quy hoạch giai đoạn 2000-2010, ngành da giày cũng đã lỗi hẹn khá nhiều chỉ tiêu khi xuất khẩu giày dép chỉ đạt được 85,5%, tỷ lệ nội địa hoá nguyên phụ liệu đạt 40%, không xây dựng được các cụm công nghiệp, trung tâm xúc tiến thương mại chuyên ngành, cũng chưa đầu tư được dây chuyền thiết bị tự động hoá trong thiết kế sản phẩm…

Ngành da giày Việt Nam đang đứng thứ 5 trong top các nước xuất khẩu giầy lớn trên thế giới nhưng Việt Nam chưa có nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu đáp ứng cho nhu cầu sản xuất giày dép.

Ông Nguyễn Hữu Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho rằng, trong vòng 5 năm nữa, ngành da giày Việt Nam có phát triển hay không hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ thuộc da trong nước. Nhưng ngay tại lúc này, ngành vẫn chưa hề xây dựng được nhà máy thuộc da nào.

Nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng chính trong sản phẩm giày dép (chiếm tới 68 –75% tổng chi phí sản xuất hoặc giá thành sản phẩm), vì thế có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Thuấn cho rằng, để nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững, ngành da giày nói chung và các doanh nghiệp nói riêng phải đưa ra được các chương trình, dự án đầu tư cụ thể trong từng lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư phát triển các cụm công nghiệp tập trung, có khu xử lý nước thải đạt chuẩn, nhằm kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu.

Nhưng ngay cả khi đã xác định rõ được các dự án đầu tư cụ thể trong từng lĩnh vực rồi mà không có vốn để khởi động việc xây dựng thì những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển sẽ khó mà đạt được.

Theo Báo Đầu Tư

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × 3 =

To Top