Connect with us

Cuộc đua trên thị trường Internet tốc độ cao

Tin trong nước

Cuộc đua trên thị trường Internet tốc độ cao

FTTx đang nổi lên như một dịch vụ được đối tượng doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, FTTx đang gặp rào cản lớn là giá cước vẫn ở mức cao.

Sau năm năm được chính thức cung cấp ra thị trường, dịch vụ FTTx (Fiber To The x – Internet cáp quang) đang là chiếc bánh lớn và có thể thay thế ADSL trong tương lai gần. Sự tham gia của nhiều nhà cung cấp đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt về giá cước, hạ tầng dịch vụ và độ bao phủ dịch vụ.

Hiện thị trường Việt Nam có bảy nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), gồm VDC, Viettel, FPT Telecom, NetNam, SPT, EVN Telecom và CMC TI, trong đó FPT Telecom là người đi tiên phong khi tung ra dịch vụ này vào năm 2006. Các chuyên gia nhận định sự cạnh tranh trên thị trường sẽ là một lực đẩy giúp dịch vụ băng thông rộng cố định tiến thêm một bước và dần thay thế dịch vụ truy cập Internet ADSL trong tương lai gần.

FTTx là dịch vụ truy cập Internet hiện đại với đường truyền dẫn hoàn toàn bằng cáp quang đến địa chỉ thuê bao giúp khách hàng sử dụng được đa dịch vụ trên mạng viễn thông chất lượng cao, kể cả dịch vụ truyền hình giải trí.Nếu so sánh ADSL với FTTx, thì tốc độ upload của FTTx vượt qua ngưỡng của chuẩn ADSL2+ (1Mb/giây) hiện tại và có thể ngang bằng với tốc độ download. Vì vậy, FTTx thích hợp với việc truyền tải dữ liệu theo chiều từ trong mạng khách hàng ra ngoài Internet. Độ ổn định và tuổi thọ cao hơn dịch vụ ADSL nhờ không bị ảnh hưởng bởi sự nhiễu điện, từ trường và khả năng nâng cấp tốc độ (download/upload) dễ dàng. Với ưu thế băng thông vượt trội, FTTx đáp ứng được các ứng dụng đòi hỏi băng thông cao như truyền hình độ phân giải cao (HDTV) yêu cầu dung lượng băng thông lên đến vài chục Mb/giây, xem truyền hình theo yêu cầu, hội nghị truyền hình, IP Camera…

Chính nhờ những ưu điểm này, FTTx đang nổi lên như một dịch vụ được đối tượng doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, FTTx đang gặp rào cản lớn là giá cước vẫn ở mức cao.

Cạnh tranh để giảm giá

Ông Phạm Thành Đức, Phó tổng giám đốc FPT Telecom, cho biết trên thị trường Internet đang có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, thị phần chủ yếu vẫn tập trung vào ba ISP lớn là FPT Telecom, VNPT và Viettel. Theo ông Đức thì giá dịch vụ FTTx hiện còn ở mức cao và chỉ phù hợp với đối tượng doanh nghiệp, các đại lý Internet và hầu hết các khách hàng của FPT Telecom đang tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM. Nguyên nhân là chi phí đầu tư hạ tầng và thiết bị đầu cuối cho FTTx khá đắt đỏ. Thêm vào đó, dịch vụ này còn phụ thuộc vào nguồn cung thiết bị của nước ngoài và nhận thức của khách hàng về các ứng dụng của Internet còn chưa cao là một rào cản lớn.

Ông Đức dự đoán sẽ phải mất 3-5 năm nữa mới có thể hy vọng giá dịch vụ FTTx giảm xuống.

Theo bản báo cáo thị trường viễn thông Việt Nam quý 2-2011 của công ty nghiên cứu thị trường BMI (Anh), giá cước FTTx còn ở mức cao nhưng trong vòng năm năm tới sẽ có xu hướng giảm. Bởi, trong thời gian qua, các ISP đã có xu hướng cạnh tranh đưa ra các gói cước có lợi cho khách hàng khiến cho mức giá FTTx liên tục được điều chỉnh. Ngoài ra, do tỷ lệ khấu hao đầu tư ban đầu và lợi nhuận vẫn cho phép và đảm bảo nên các ISP có thể giảm giá dịch vụ được.

Theo BMI, cùng với sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp thì nhu cầu của người tiêu dùng về dịch vụ giá trị gia tăng dựa trên công nghệ băng thông rộng như IPTV, Video Conferencing và Video on Demand sẽ là một lực đẩy giúp Việt Nam gia tăng kết nối băng thông rộng. Hãng này dự báo nhu cầu kết nối băng thông rộng từ máy tính cá nhân sẽ tăng khoảng 20-30% vào năm 2015 khiến FTTx sẽ trở nên phổ biến hơn.

Nhìn lại năm 2006, thời điểm FTTx mới ra đời, FPT Telecom đưa ra bốn gói cước FTTH (Fiber to the Home) dung lượng 4Mb/giây, 8Mb/giây, 16Mb/giây, 20Mb/giây với chi phí cài đặt ban đầu là 8 triệu đồng và phí thuê bao hằng tháng tương ứng cho bốn gói cước là 3 triệu đồng, 6 triệu đồng, 12 triệu đồng và 15 triệu đồng. Hiện, công ty đang có sáu gói dịch vụ gồm 25 Mb/giây, 30Mb/giây, 35 Mb/giây, 45 Mb/giây, 65 Mb/giây và gói cước dành cho các đại lý Internet là 30 Mb/giây với chi phí lắp đặt ban đầu là 8 triệu đồng và giá thuê bao hằng tháng tương ứng là 1,2 triệu, 2,5 triệu, 3 triệu, 6 triệu, 15 triệu và 3 triệu đồng. Nhìn vào mức giá so sánh trên đây có thể thấy giá lắp đặt là không đổi nhưng giá dịch vụ đã giảm và dung lượng cho người sử dụng lại tăng lên.

Đến nay, các nhà cung cấp khác như VDC, Viettel, CMC TI, EVN hay SPT đều có nhiều gói cước đa dạng tùy theo mức độ sử dụng của người tiêu dùng. Hiện, để sử dụng một gói cước FTTH, mức giá thấp nhất người tiêu dùng bỏ ra đã giảm một nửa (từ 3 triệu đồng xuống còn 1,5 triệu đồng).

Động thái mới nhất trong việc chạy đua giảm giá cước là VDC vừa điều chỉnh các gói cước FiberVNN từ ngày 1-5 theo hướng tăng dung lượng nhưng giữ nguyên giá. Theo đó, gói cước thấp nhất của dịch vụ FiberVNN sẽ nằm trong khoảng 700.000 – 900.000 đồng.

Các chuyên gia cho rằng mức giá các nhà mạng đưa ra hiện nay là khá hợp lý và gần với ngưỡng chi phí vận hành của FTTx. Tuy nhiên, trong một vài năm tới, khi các nhà cung cấp có thêm thời gian khấu hao thiết bị, công nghệ và thu hút khách thuê bao thì mức giá lúc đó có thể hạ hơn nữa so với hiện nay, và giảm dần theo từng năm.Viettel nhận định rằng không chỉ FTTx mà các dịch vụ băng thông rộng nói chung trong tương lai sẽ bùng nổ tại thị trường Việt Nam. Với sự phát triển của hạ tầng băng thông rộng và sự giảm giá của các thiết bị cáp quang thì đây là xu thế tất yếu. FTTx sẽ mang tới khả năng cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn cho người sử dụng cuối. Tuy nhiên, để thúc đẩy thị trường FTTx phát triển thì giá cước cần có sự điều chỉnh theo hướng giảm xuống dưới 500.000 đồng/tháng và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền hạ tầng cần có sự đa dạng (dạy và học trực tuyến, VOD, truyền hình Internet…). Hội tụ đầy đủ được những yếu tố này, dịch vụ FTTx sẽ phát triển hơn dịch vụ ADSL hiện tại.

Về mặt lý thuyết giá giảm sẽ tạo ra thị trường có quy mô lớn hơn. Do đó, người ta có thể hy vọng trong tương lai dịch vụ FTTH sẽ thay thế ADSL, giống như trong quá khứ ADSL đã loại bỏ phương thức truy cập Internet Dial-up.

Đầu tư mạnh cho hạ tầng

Ngoài việc cạnh tranh về giá, các ISP đã đặt ra mục tiêu phải đầu tư hạ tầng tốt hơn nữa nhằm thu hút thêm khách hàng. Là doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần Internet với hơn 500.000 khách thuê bao, trong đó có khoảng 20.000 thuê bao FTTx, hơn ai hết FPT Telecom hiểu rõ tiềm năng của thị trường FTTx. Từ đầu tháng 4-2010, FPT đã nâng băng thông các gói dịch vụ Internet cáp quang (FTTx) lên thấp nhất là 30 Mb/giây và cao nhất là 65 Mb/giây. Không chỉ xây dựng hạ tầng tại các thành phố lớn, FPT Telecom đã trải dịch vụ này trên 38 tỉnh thành trong cả nước và hy vọng sẽ mở rộng mạng lưới trên toàn quốc vào năm 2015.

Một đối thủ nặng ký khác trên thị trường, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), cho biết năm 2010 là năm thành công của VDC trong việc kinh doanh mạng cáp quang dù doanh nghiệp này mới khai trương dịch vụ FiberVNN hồi tháng 5-2010. Đến hết tháng 7-2010, VDC cho biết họ đang dẫn đầu thị trường Internet với 11,7 triệu số thuê bao ASDL và FTTx và đặt mục tiêu tăng trưởng 11,8 triệu số thuê bao trong năm nay.

Ông Bùi Quốc Việt, phát ngôn viên của Tập đoàn VNPT (đơn vị sở hữu VDC), cho hay trong những năm tới tập đoàn sẽ đầu tư mạnh cho hạ tầng cáp quang với mục tiêu là cáp quang hóa đến từng cụm dân cư.

Trong khi đó, vị đại diện của Viettel nói số thuê bao của họ chiếm gần 30% thị phần. Mục tiêu của Viettel trong năm 2011 là phát triển 60.000-80.000 số thuê bao. Vị này cho hay vào thời gian đầu khi mới cung cấp dịch vụ, dung lượng của Viettel chỉ đáp ứng được dưới 10.000 khách hàng, thì đến nay Viettel đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho hơn 115.000 khách hàng trên cả nước.

Viettel hiện là ISP có hạ tầng sâu và rộng nhất với mạng truyền dẫn cáp quang dài gần 130.000 km về tới tận các xã, 90% số xã trên cả nước với trên 8.000 nút (node) mạng quang và trên 115.000 cổng sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Dự kiến đến năm 2015, Viettel sẽ có hơn 20.000 node mạng quang với khả năng cung cấp dịch vụ đến hơn 3 triệu khách hàng FTTH trên toàn quốc.

Dù sinh sau đẻ muộn từ tháng 4-2010 với dịch vụ cáp quang GigaNet, nhưng CMC TI đang được xem là đối thủ đáng gờm với tốc độ tăng trưởng đạt 100% trong năm 2010. Mới chỉ cung cấp dịch vụ tại Hà Nội và TPHCM, CMC TI cũng đạt tốc độ phát triển số thuê bao FTTx khá cao với 4.000 khách hàng là doanh nghiệp, đối tác, các tòa nhà… Để làm được điều đó, CMC TI đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến GPON vào hệ thống hạ tầng 100% cáp quang.

Vừa qua, CMC TI đã mở rộng thị trường bằng việc cung cấp dịch vụ ra Đà Nẵng. Động thái mới nhất là hôm 30-4, CMC TI đã tung ra dịch vụ GigaNetB (cáp quang tới tòa nhà). Khách hàng ở trong các tòa nhà có hạ tầng của CMC TI có thể sử dụng hai gói cước GigaNet B1 (12Mb/giây, 8Mb/giây) và Giganet B2 (18Mb/giây, 12Mb/giây). Dự kiến trong năm nay, CMC TI sẽ triển khai dịch vụ GigaNet B trong hơn 100 tòa nhà trên cả nước.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

7 + 13 =

To Top