Connect with us

Cuộc chơi mới của các đại gia

Tin quốc tế

Cuộc chơi mới của các đại gia

Đường đua vào thị trường thanh toán điện tử ngày càng nóng hơn khi các ông lớn công nghệ tăng tốc.

Tháng trước, Twitter đã bắt đầu thử nghiệm nút “Buy Now” trên các tin nhắn hiển thị trên mạng xã hội này, cho phép người dùng dễ dàng mua hàng và thanh toán mà không phải rời trang mình đang xem. Cùng lúc, Apple cũng chính thức công bố Apple Pay, một chiếc ví điện tử di động giúp người dùng thanh toán tại hơn 200.000 điểm bán lẻ trên toàn nước Mỹ và rất nhiều cửa hàng trực truyến.

Trước đó, Microsoft và Google cũng đã đặt chân vào thị trường thanh toán điện tử với dự án Zero-Effort Payments trên hệ điều hành di động Windows Phone, hay Google Wallet dành cho hệ điều hành iOS và Android.

Đối với Facebook, mạng xã hội này cũng đã thử nghiệm nút “Buy” trên các mẩu quảng cáo và tin đăng của doanh nghiệp. Đặc biệt, mới đây, một nghiên cứu sinh ở Đại học Stanford (Mỹ) đã khám phá ra chức năng chuyển tiền được Facebook ẩn bên trong Messenger, ứng dụng di động mà hãng này “ép” người dùng phải tải về nếu muốn trò chuyện với bạn bè thời gian gần đây.

Lý do gì khiến Facebook phải đẩy mạnh mảng thanh toán điện tử và khuyến khích doanh nghiệp bán hàng ngay trên mạng xã hội này như vậy, khi mà nguồn thu chính từ trước đến nay của Facebook vẫn là từ quảng cáo?

Các mạng xã hội như Facebook hay Twitter đã nhận ra rằng, việc cho phép người dùng thanh toán nhanh chóng chỉ bằng cách bấm nút mua hàng ngay tại trang mà họ xem sẽ gia tăng tỉ lệ giao dịch thành công.

Đối với nhà kinh doanh, việc bán hàng trên mạng xã hội cập nhật theo thời gian thực như Facebook hay Twitter còn có ý nghĩa quan trọng hơn. Các doanh nghiệp sẽ dễ dàng đưa ra những khuyến mãi đặc biệt có giới hạn thời gian, khiến cho người dùng cảm thấy áp lực phải bắt lấy cơ hội và thanh toán ngay trước khi hết hạn. Việc thanh toán dễ dàng chỉ bằng một cú nhấp chuột sẽ giúp cho tỉ lệ giao dịch thành công còn cao hơn nữa.

Không chỉ có vậy, bán hàng trên các trang mạng xã hội còn cho phép nhà bán lẻ và nhà tiếp thị định lượng được hiệu quả của hoạt động marketing trên kênh này một cách cụ thể. Theo Wall Street Journal (Mỹ), chỉ có 15% các nhà tiếp thị đưa ra được con số doanh thu có được từ hoạt động marketing trên kênh truyền thông xã hội. Gắn nút mua hàng và cho phép người dùng thanh toán ngay trên mẩu quảng cáo chính là cách Facebook giúp các nhà tiếp thị tính toán được hiệu quả doanh thu khi marketing trên mạng xã hội này.

Đương nhiên, Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác cũng phải có lợi nhuận từ việc này. Hiện tại, Facebook chỉ mới gắn nút “Buy” vào quảng cáo của một số nhà bán lẻ nhất định và nhiều trường hợp trong số đó đang được miễn phí. Tuy nhiên, dễ dàng dự đoán được rằng mạng xã hội này sẽ áp dụng mô hình chia sẻ doanh thu với các doanh nghiệp muốn sử dụng nút “Buy” trong tương lai, khi nhà bán lẻ nhìn thấy được lợi ích thật sự của tính năng mới.

Trước mắt, Facebook, Twitter hay Apple mới chỉ đóng vai trò trung gian, kết nối người mua hàng với các đơn vị thực hiện thanh toán như MasterCard, Visa, American Express hay PayPal; và những đơn vị này hưởng từ 2-3% trên mỗi giao dịch xử lý thành công. Chỉ riêng tại Mỹ, tổng “hoa hồng” mà các đơn vị thực hiện thanh toán thu được mỗi năm đã lên đến 40 tỉ USD. Đây cũng chính là thị trường béo bở mà các công ty công nghệ đang nhắm đến.

Đơn cử như Apple. Hiện tại, hãng này đang được các nhà phát hành thẻ trả một khoản phí nhỏ trên mỗi giao dịch thực hiện thành công qua “ví điện tử” Apple Pay. Lý do nhà phát hành thẻ chấp nhận chi trả là Apple Pay đã giúp người dùng thanh toán dễ dàng và nhanh chóng hơn, qua đó cho phép nhà phát hành thẻ tăng doanh thu. Tuy nhiên, trong tương lai, Apple có thể sẽ không dừng lại ở đó.

Cuối tháng 4.2014, Tim Cook, Tổng Giám đốc Apple, đã tiết lộ rằng hệ thống kinh doanh âm nhạc trực tuyến iTunes của họ đã lưu trữ hơn 800 triệu thông tin thẻ thanh toán của người dùng. Con số này, theo Business Insider, là lớn hơn gấp nhiều lần số lượng thông tin thẻ thanh toán mà Amazon (nhà bán lẻ trực tuyến) hay PayPal (đơn vị xử lý thanh toán trực tuyến) đang có trong tay. Cộng thêm số lượng thông tin thẻ mới Apple Pay đang thu thập mỗi ngày, Apple hoàn toàn có thể lột bỏ chiếc áo trung gian để trở thành một đơn vị xử lý thanh toán trong tương lai, cạnh tranh trực tiếp với các nhà phát hành thẻ vốn đang hợp tác với Apple.

“Điều này nghe có vẻ xa vời, nhất là khi Apple Pay đã ra đời với sự hỗ trợ tuyệt đối từ các nhà phát hành thẻ lớn như Visa, MasterCard hay American Express. Nếu không có những đơn vị này hợp tác, Apple Pay chắc chắn sẽ khó trở thành hiện thực. Nhưng trong quá khứ, Apple từng hợp tác với các đối tác để rồi sau đó rời bỏ họ khi đã đạt được mục đích. Còn nhớ, những chiếc iPhone đầu tiên ra đời và thành công, một phần là nhờ sự hợp tác của Apple với nhà mạng AT&T. Vậy mà vừa rồi, Apple đã tung ra hệ điều hành iOS 8 cho phép người dùng gọi điện và nhắn tin trực tiếp qua Wi-Fi, không cần phải có sóng của nhà mạng. Nếu điều tương tự lặp lại, sẽ không có gì bất ngờ nếu Apple trở thành đối thủ của các nhà phát hành thẻ trong tương lai”, Ryan Holmes, Tổng Giám đốc hãng tư vấn công nghệ Hootsuite, nhận xét.

Theo NCĐT

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

8 − 3 =

To Top