Connect with us

Cuộc chiến kinh doanh điện máy: Bi kịch hay cơ hội?

Tin trong nước

Cuộc chiến kinh doanh điện máy: Bi kịch hay cơ hội?

Có quá nhiều siêu thị, cửa hàng điện máy mới mở, trong khi nhu cầu của người dân dần bão hòa, đã khiến cuộc chiến giành khách hàng trở nên khốc liệt hơn.

Tại thời điểm Trung tâm điện máy WonderBuy tuyên bố phá sản và đang chờ kết luận từ tòa án có đóng cửa hay không, thì nhiều cửa hàng, trung tâm điện máy tại TP HCM vẫn tiếp tục mở thêm chi nhánh, mở rộng thị trường tại thành phố và các tỉnh trong cả nước.

Bùng nổ

Hôm nay, 16/6, tại đường Phạm Văn Thuận, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, Công ty CP Thế giới di động chính thức khai trương siêu thị điện máy thứ 2 trong vòng chưa đến 6 tháng. Trước đó, ngày 22/12/2010, doanh nghiệp này đã khai trương một siêu thị điện máy rộng đến 1.300 m2 trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP HCM. Theo đánh giá của lãnh đạo công ty này, Biên Hòa là thị trường lớn và đầy tiền năng về điện máy, nhu cầu chỉ đứng sau TP HCM và Hà Nội. Tuy mở rộng ra thị trường Biên Hòa, nhưng ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc công ty này cho biết, họ vẫn tiếp tục mở hướng kinh doanh tại TP HCM. “Trong năm nay, chúng tôi sẽ nỗ lực để đưa ít nhất từ 5 đến 8 siêu thị điện máy khai trương tại TP HCM, Biên Hòa và Bình Dương”. Không chỉ khai trương siêu thị điện máy mới, công ty này cũng chính thức đổi tên từ siêu thị điện tử thành “siêu thị điện máy”.

Công ty Thế giới di động chỉ là một trong rất nhiều công ty kinh doanh hàng điện tử, điện máy, điện lạnh muốn mở rộng thị phần nhiều hơn tại TP HCM và tiếp tục “lấn” ra cả nước. Dọc các con đường lớn tại TP HCM như Hoàng Văn Thụ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Hùng Vương… hàng chục siêu thị và hàng trăm cửa hàng điện máy “chen chân” kinh doanh. Chẳng hạn, chỉ riêng khoảng 1km trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP HCM) đã có đến 5 cửa hàng điện tử, điện lạnh và 2 siêu thị điện máy cỡ lớn là Đệ nhất Phan Khang và Trung tâm điện máy Trần Thế. Ông Trần Thế, Giám đốc Trung tâm điện máy Trần Thế thừa nhận: “Thời buổi này, trung tâm, cửa hàng điện máy mọc lên như nấm sau mưa”.

Việc các cửa hàng điện máy, điện tử bùng nổ không đã là điều xấu đối với khách hàng, vì sẽ có sự canh tranh về giá cả, mẫu mã sản phẩm, chất lượng, cũng như bảo hành, bảo trì. Nhưng nhiều khi sự cạnh tranh khốc liệt này cũng làm người tiêu dùng “rối trí”. Anh Nguyễn Thế Quân, một khách hàng mua sắm tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim ngày 15/6, thổ lộ: “Tôi muốn mua cái tivi LCD của Sam Sung, nghe nói ở đây có khuyến mãi, nên đến xem giá cả, hình ảnh thế nào. Nhưng ở Chợ Lớn (Trung tâm điện máy Chợ Lớn) cũng có khuyến mãi, Thiên Hòa (Trung tâm điện máy Thiên Hòa) cũng thế… Điều lạ là cùng một sản phẩm mà giá mỗi nơi một khác, sản phẩm lại quá nhiều, tôi hoa mắt, chưa biết chọn ti vi nào”.

Cuộc chiến trên mảnh đất màu mỡ

Chiến lược giành khách hàng đã khiến nhiều Trung tâm điện máy lớn tại TP HCM “đua” khuyến mãi. Từ đầu tháng 6, Trung tâm siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã đưa ra chương trình khuyến mãi hàng nghìn sản phẩm điện máy, từ ti vi, tủ lạnh, máy tính xách tay. Theo lời rao khuyến mãi của Nguyễn Kim thì giá “cực sốc”, ti vi LCD của LG 32 inch được giảm giá 30%, còn các sản phẩm khác thì được tặng quà đi kèm như nồi cơm điện, phiếu mua hàng… Tại Trung tâm điện máy Chợ Lớn, khi vừa kết thúc “Chương trình đại hạ giá hè 2011” với việc giảm giá điện thoại di động, ti vi 14 – 25%,  giảm những sản phẩm khác đến 50% thì ngày 15/6 đã có luôn chương trình khuyến mãi “Nhanh tay đặt hàng, tặng ngàn áo mưa” cho 1.000 khách hàng đầu tiên đặt hàng. Tương tự, siêu thị điện máy của Công ty Thế giới di động cũng đưa ra chương trình “săn phiếu quà tặng trị giá 1 triệu”, “giờ vàng, giá sốc”…

Trong khi những “ông lớn” đua khuyến mãi để giành khách thì những cửa hàng, trung tâm điện máy “sinh sau đẻ muộn” hoặc những đơn vị kinh doanh theo kiểu “chậm mà chắc” lại rơi vào tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Theo số liệu bán hàng của nhiều đơn vị như Hoàng Linh, Trần Thế, Bảo Long, Trần Khang… (quận Tân Bình, quận Bình Thạnh), sức mua hàng điện máy, điện lạnh từ giữa tháng 3 đến nay giảm từ 30 – 40% so với năm 2010. “Thị trường điện máy điện lạnh tại TP HCM đã dần bão hòa, trong khi siêu thị, trung tâm điện máy mới mở quá nhiều, nên doanh thu của chúng tôi “yếu” hơn rất nhiều”, lãnh đạo của một đơn vị thổ lộ. 

Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng, siêu thị điện máy lại không cho như vậy và ngay cả ông Phan Thanh Hà, Tổng giám đốc Wonderbuy, đơn vị vừa mới nộp đơn lên tòa án xin được phá sản cũng nhận định: “Thị trường điện máy, điện lạnh hiện cũng chỉ chiếm khoảng 5% tổng GPD của cả nước. Nên khái niệm bão hòa này là tùy thuộc vào phân khúc thị trường của mỗi công ty”. Cũng theo ông Hà, nếu có chiến lược phát triển thì thị trường vẫn rộng mở. Nhưng trong điều kiện hiện nay, nếu công ty nào mới bước vào thị trường lại chịu áp lực về vốn quá lớn, phải thuê mặt bằng với giá quá cao thì cần “cân nhắc mới tồn tại được”. Ông Hà cho biết “vẫn không từ bỏ việc kinh doanh điện máy, điện lạnh, vì ở đây vẫn là miếng đất tốt cho tôi cày xới”.

Theo Báo Đất 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen + 4 =

To Top