Connect with us

Cửa nào cho điện thoại thương hiệu Việt?

Tình huống thương hiệu

Cửa nào cho điện thoại thương hiệu Việt?

Trên cả hai thị phần điện thoại thông thường và smartphone giá rẻ, các thương hiệu điện thoại Việt đang mất dần sức cạnh tranh với những tên tuổi đến từ nước ngoài.

“Sát ván” trên thị phần dế phổ thông giá rẻ

Vào thời điểm 2009 và 2010, có thể coi là thời kỳ “hoàng kim” của các thương hiệu điện thoại Việt. Thậm chí có lúc, trên thị trường xuất hiện tới gần 30 hãng tham gia vào sản xuất và phân phối mặt hàng này.

Đánh trúng tâm lý người dùng Việt khi tung ra những mẫu điện thoại hỗ trợ 2 sim, 2 sóng nhưng có mức giá cực kỳ cạnh tranh so với các thương hiệu đến từ nước ngoài như Nokia, Samsung … Thậm chí vào năm 2010, thương hiệu di động Việt, Q-Mobile đã chiếm tới 20% thị phần điện thoại giá rẻ. 

Tuy nhiên bước sang năm 2011, “gió” đổi chiều hoàn toàn. Các tên tuổi lớn như Samsung, Nokia … đã tập trung hơn vào dòng điện thoại phổ thông với hàng loạt sản phẩm mới cùng mức giá không chênh lệch nhiều lắm so với điện thoại Việt. Điều này đã kéo theo sự sụp đổ hoặc thu nhỏ mô hình kinh doanh của hàng loạt thương hiệu Việt, có thể kể đến như Hi-Mobile, BluePhone hoặc AVIO …

Tính đến đầu năm 2013, các hãng điện thoại Việt có thể nói là đang sống và hoạt động chỉ còn lại Q-mobile, F-mobile, Mobiistar và Viettel. Đây đều là những tên tuổi có nền tảng tài chính lớn hậu thuẫn hoặc có kinh nghiệm lâu năm. Tuy nhiên sức ép thị trường lên các thương hiệu này là ngày càng lớn, nếu không có những bước đi đúng đắn, việc sụp đổ trong tương lai là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Cũng trong năm nay, tình trạng của các thương hiệu Việt trên thị phần này còn có dấu hiệu “thảm” hơn nhiều.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, chỉ có thể tìm thấy điện thoại Việt tại các hệ thống cửa hàng lớn như Thegioididong, VienthongA … mặc dù vậy tại những nơi này, dế Việt được xếp ở những góc khá khuất và rất ít khi được người mua hỏi đến.

Theo đánh giá của giới kinh doanh điện thoại, 2013 có lẽ sẽ là thời điểm khó khăn nhất từ trước tới nay đối với điện thoại Việt trên phân khúc phổ thông giá rẻ.

Dường như cũng nhận thấy “cửa” của mình trên phân khúc này không còn “sáng”, các thương hiệu Việt đã bắt đầu chuyển sang smartphone giá rẻ. Thay vì ồ ạt ra đời các mẫu dế phổ thông như những năm trước, giờ đây điện thoại thông minh đã là lựa chọn hàng đầu của các hãng sản xuất.

Smartphone còn lắm gian truân

Bắt đầu từ năm 2012, các thương hiệu Việt như Q-mobile, F-mobile, Mobiistar và Viettel đã bắt đầu dịch chuyển sang mô hình smartphone giá rẻ. Và cũng coi đây là chiến lược phát triển chính trong năm 2013.

Sự chuyển hướng này cũng đã có những phản hồi tích cực từ thị trường. Siêu thị điện thoại Viễn Thông A cho biết, trong năm 2012, số lượng smartphone Việt bán ra trên hệ thống cửa hàng của mình chiếm 10% doanh thu trên tổng số các loại smartphone được bán ra.

Sang những tháng đầu năm 2013, dòng sản phẩm này được các hãng điện thoại Việt coi là mặt hàng chiến lược để duy trì sự tồn tại của mình. Phía Q-Mobile cho biết mặc dù smartphone chỉ chiếm 20% trong tổng số điện thoại của hãng nhưng doanh thu lại chiế tới 60%. Còn Mobiistar cho biết số lượng điện thoại thông mình bán ra của mình chiếm tới 80% doanh thu.

Hiện nay, có thể nhận thấy hầu hết các smartphone Việt hiện có trên thị trường đều tập trung trong mức giá từ 2 đến 5 triệu. Hầu hết đều sử dụng màn hình cảm ứng cùng tính năm 2 sim 2 sóng rất được ưa chuộng đối với người dùng Việt.

Bên cạnh đó công nghệ được dùng trong những smartphone này đã được nâng cấp đáng kể, có thể kể đến FPT IV với bộ xử lý Qualcomm Snapdragon S4 lõi tứ đầu tiên của Việt Nam. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng cho người dùng, khi các hãng điện thoại Việt đã bắt đầu chú ý hơn tới việc nâng cao chất lượng máy mà mình sản xuất.

Mặc dù có bước khởi đầu hết sức lạc quan nhưng các hãng điện thoại Việt vẫn còn đó các bài học từ những năm trước về tự chủ công nghệ và sự cạnh tranh từ các ông lớn.

Về mặt công nghệ, hầu hết smartphone Việt đều sản xuất hoặc nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc, các sản phẩm đưa về Việt Nam chỉ gắn mác hãng rồi được bán ra. Điều này vô hình chung sẽ cản trở rất nhiều trong việc hạ giá thành sản phẩm của các hãng sản xuất. Và có thể nói, mức giá chính là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến sự tồn vong của điện thoại Việt.

Bên cạnh đó, khác với phân khúc điện thoại phổ thông, ở thị phần smartphone giá rẻ, sức ép cạnh tranh của các ông lớn như Samsung, Nokia, LG … đến rất nhanh và vô cùng mạnh mẽ. Không như những năm trước, các hãng điện thoại Việt có quãng thời gian khá dài để thỏa sức vẫy vùng, giờ đây các tên tuổi lớn đã nhập cuộc ngay khi cuộc đua vừa mới bắt đầu.

Trong dòng smartphone giá rẻ dưới 5 triệu không khó để liệt kê ra những cái tên nổi bật đến từ các thương hiệu lớn như: Nokia Lumia 520 (3,8 triệu đồng), Samsung Galaxy Y (2,1 triệu đồng), LG Optimus L3 (2,5 triệu đồng) … Rõ ràng, ngay từ khởi đầu, các hãng điện thoại lớn đã rất nhanh chân nhằm chiếm dần thị trường.

Thậm chí, ngay cả hãng điện thoại Việt cũng tỏ ra khá dè dặt về triển vọng phát triển trên lĩnh vực smartphone giá rẻ. Trong buổi ra mắt sản phẩm FPT IV hồi tháng 3 vừa qua, khi được hỏi về việc FPT có kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp điện thoại tại Việt Nam hay chưa, đại diện FPT đã cho biết: “Nhu cầu của thị trường đối với smartphone chưa đủ lớn để FPT đầu tư xây dựng nhà máy.”.

Theo giới chuyên gia, smartphone giá rẻ hiện là cửa “sáng” gần như duy nhất cho các thương hiệu điện thoại Việt tại thời điểm này.

Tuy nhiên để tồn tại và có thể cạnh tranh với các hãng nước ngoài, không chỉ nâng cao công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, các hãng điện thoại Việt cần phải có chính sách bảo hàng và hậu mãi sau bán hàng tốt hơn nhằm tạo được sự tin tưởng từ người dùng.

Theo VTC News

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 × 2 =

To Top