Connect with us

Công ty điện tử Nhật liên kết để tồn tại

Tin quốc tế

Công ty điện tử Nhật liên kết để tồn tại

Thời cuộc thay đổi mà các công ty công nghệ của Nhật lại không nắm bắt kịp. Họ duy trì quá nhiều hoạt động mang lại giá trị thấp tại nước Nhật đắt đỏ trong thời gian quá dài.

Những công ty điện tử Nhật từng đặt nền móng cho lĩnh vực công nghệ tiêu dùng như Sony, Toshiba, Sharp nay phải gạt bỏ niềm tự hào xưa của mình, bắt tay các đối thủ để tồn tại.

Sony là hãng điện tử đầu tiên sản xuất radio bán dẫn và máy nghe nhạc walkman. Toshiba là công ty đầu tiên sản xuất máy tính xách tay với quy mô công nghiệp. Riêng Sharp làm nên tên tuổi của mình nhờ những cây bút chì điện tử cùng những bước đi tiên phong trong công nghệ tế bào năng lượng mặt trời và màn hình LCD. Những công ty này thường làm giàu nhờ xuất khẩu sản phẩm cho các nước phương Tây.

Thế nhưng, thời cuộc thay đổi mà các công ty công nghệ của Nhật lại không nắm bắt kịp. Họ duy trì quá nhiều hoạt động mang lại giá trị thấp tại nước Nhật đắt đỏ trong thời gian quá dài. Nhằm cứu vãn tình thế, gần đây, các công ty điện tử Nhật bắt đầu đẩy mạnh việc gia công bên ngoài (outsource) và bán hẳn những đơn vị hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, họ cũng tích cực liên minh với các đối thủ khác ở châu Á.

NEC là công ty có nhiều thay đổi nhất. Sau khi bán cổ phần của mình tại Silicon Graphics cho một hãng sản xuất máy tính của Mỹ với giá 50 triệu USD, ngày 25.2.2011, Công ty tiếp tục bán 70% cổ phần nhà máy sản xuất panel LCD cho AVIC (Trung Quốc) với giá khoảng 181 triệu USD. Trước đó vài tuần, công ty này đã hâm nóng thị trường máy tính xách tay bằng một thỏa thuận liên doanh với Lenovo (Trung Quốc).

Tháng 12.2010, Toshiba tuyên bố liên kết với Samsung (Hàn Quốc) để thực hiện outsource một phần hoạt động sản xuất chip. Động thái này được đánh giá là ngoạn mục.

Trước bối cảnh này, Hon Hai (hay còn gọi là Foxconn), tập đoàn gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới, đã nhanh chân vào cuộc. Năm ngoái, Sony đã bán cho Hon Hai các nhà máy sản xuất truyền hình của mình tại Mexico và Slovakia, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất truyền hình cho tập đoàn Đài Loan này. Hiện nay, Sony chỉ trực tiếp sản xuất gần 50% số lượng tivi, so với con số hơn 80% cách đây một năm.

Những thương vụ trên cho thấy giữa các công ty Nhật và đối thủ ngày xưa của họ hầu như không còn khoảng cách về trình độ. Đối với các công ty Nhật, giờ họ có thể thoát khỏi những hoạt động tiêu tốn nhiều vốn nhưng lợi nhuận thấp để tập trung phát triển sản phẩm mới, cao cấp hơn. Tuy nhiên, các công ty Nhật vẫn được đánh giá là trung tâm của những phát minh, cải tiến mới. Lấy NEC làm ví dụ. Dù liên tục lao đao trong thời gian qua nhưng hãng này hiện là chủ sở hữu của chiếc điện thoại mỏng nhất thế giới (7,7 milimet) và thiết bị sinh trắc học nhận dạng bằng ven tay và vân tay đọc từ xa. Có thể NEC và những công ty điện tử Nhật khác phải mất một khoảng thời gian dài để tìm lại ánh hào quang xưa nhưng rõ ràng không một đối thủ nào có thể xem nhẹ thế mạnh công nghệ của họ. 

Theo NCĐT 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

11 − eight =

To Top