Connect with us

Có cứu được điện thoại cố định?

Tin trong nước

Có cứu được điện thoại cố định?

Kể từ ngày 1.10, cước phí kết nối các cuộc gọi từ di động sang cố định sẽ được điều chỉnh tăng từ 270 đồng/phút lên 415 đồng/phút.

Bộ Thông tin và truyền thông ra quy định mới này trên cơ sở thị trường viễn thông cố định đang suy giảm mạnh trong khi đầu tư cho mạng cố định có chi phí cao. Doanh nghiệp chịu tác động lớn nhất trong lần điều chỉnh này là tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) với gần 60% thị phần di động và 73% thị phần cố định; kế đến là Viettel với 36% di động và 18% cố định.

Về mặt quản lý nhà nước, viễn thông là lĩnh vực đặc thù nên việc Nhà nước điều tiết cước phí vẫn có thể diễn ra, nhất là khi thị trường có nhiều biến động hoặc bộc lộ những yếu tố cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Tuy nhiên, số thuê bao cố định dù giảm cũng đang là số thật, phản ánh nhu cầu thật của thị trường, trong khi quá nhiều số thuê bao di động ảo lâu nay đang làm méo mó dữ liệu để có thể đánh giá được mức độ tăng trưởng thật của ngành viễn thông.

Theo VNPT, doanh thu từ mỗi thuê bao cố định đạt khoảng 40.000 đồng/tháng (gồm cước thuê bao 20.000 đồng). Bình quân mỗi phút gọi nội hạt có giá thành 650 đồng trong khi giá bán 400 đồng. Tuy nhiên, trong “rổ doanh thu” này không thấy tính toán đến kết nối giữa gần 80 triệu thuê bao di động với khoảng 12 triệu thuê bao cố định (2010) thuộc nội vùng quản lý VNPT. Cả thời gian dài VNPT đều có chương trình khuyến mãi “sốc” miễn phí hoặc giảm cước nội mạng (gồm Mobifone, Vinaphone, mạng cố định VNPT, Gphone) nhằm kéo chân khách hàng không rời bỏ dịch vụ của mình.

Dịch vụ cố định bị thu hẹp là việc tất yếu có thể nhìn thấy được theo xu hướng toàn cầu chứ không riêng tại Việt Nam. Dù việc điều chỉnh cước kết nối là hợp lý cũng không thể căn cứ trên lý lẽ vì sự thu hẹp dịch vụ cố định để giải quyết cho bài toán doanh thu của riêng một doanh nghiệp. Mạng cố định đang khu trú tại các toà nhà, các tổ chức, doanh nghiệp đang mang lại nguồn thu lớn cho các mạng cố định mà không có dịch vụ di động nào có thể thay thế được. Tại sao mỗi người dân khi bỏ tiền nối mạng internet đều có một đường dây điện thoại nhưng họ vẫn ít sử dụng dịch vụ cố định? Các dịch vụ công ích cũng được Nhà nước đầu tư qua VNPT từ vài chục năm trước nhưng người dân không mặn mà thụ hưởng? Có nên đặt ra vấn đề liệu việc đầu tư đã căn cứ trên nhu cầu thị trường và tính thiết thực với người dùng.

Mạng cố định băng rộng là xương sống của hạ tầng viễn thông quốc gia được Nhà nước giao cho VNPT quản lý. Việc tăng cước kết nối sẽ giúp nhà khai thác tăng doanh thu và tái đầu tư. Tuy nhiên, không thể nhầm lẫn điều đó với việc “cứu mạng cố định” vì có thể tạo ra những tiền lệ cho cả ngành viễn thông đang đứng trước sức ép cạnh tranh khốc liệt. Việc dựa vào lý lẽ VNPT đang gánh trách nhiệm về hạ tầng quốc gia cũng chưa đủ thuyết phục vì không thể cứu mà không tính đến hiệu suất và hiệu quả đầu tư. Đặc biệt với các doanh nghiệp viễn thông còn đòi hỏi việc đầu tư tính đến những rủi ro về mặt công nghệ. Chẳng hạn 15 năm qua, VNPT cũng đã khai tử khá nhiều mạng điện thoại vì kinh doanh không hiệu quả hoặc lạc hậu về công nghệ, từ Call-Link, CDMA nội vùng (DaPhone, NanPhone), CityPhone cho đến mạng vô tuyến Gphone hiện nay còn hoạt động nhưng cũng rất hạn hẹp.

Theo chuyên gia tư vấn quản lý viễn thông Hoàng Ngọc Diệp, nếu việc điều tiết không đi liền với các áp lực đầu tư và quản trị hiệu quả sẽ tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà khai thác. Phương thức hiệu quả để cứu các mạng cố định đầu tiên vẫn là thay đổi cấu trúc quản lý và kinh doanh đang bộc lộ nhiều bất hợp lý.

Theo SGTT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twenty − 6 =

To Top