Connect with us

Chưa tết, doanh nghiệp đã rục rịch tăng giá

Tin trong nước

Chưa tết, doanh nghiệp đã rục rịch tăng giá

Trong khoảng thời gian từ 15 đến 20-10, sẽ có thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá. Xu hướng này còn tiếp tục kéo dài đến gần tết.

Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Chu Văn An (TPHCM) vào chiều 13-10 cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết rằng, siêu thị ông vừa nhận thêm thông báo tăng giá bán từ các nhà cung cấp do tổng công ty chuyển xuống.

Theo ông Tuấn, số nhà cung cấp có thông báo tăng giá trong dịp này đông hơn hẳn hồi cuối tháng 9, chiếm đến gần một nửa trong tổng số nhà cung cấp của hệ thống này. “Hiện có hàng loạt nhà cung cấp thông báo tăng giá chứ không chỉ một số như đợt vừa rồi”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, mức tăng đợt này là dưới 10%, rơi vào các mặt hàng như thực phẩm chế biến (nước tương, phô mai, bơ, dầu ăn, bánh kẹo ngoại nhập, cà phê, nước ngọt…), thực phẩm đông lạnh, hóa mỹ phẩm và một số loại đồ dùng gia đình như dao cạo râu, bình thủy đựng nước… Giá bán mới sẽ được áp dụng vào tầm 15 đến 20-10 tới.

Ông Tuấn cũng cho hay, các nhà cung cấp không giải thích gì trong thông báo tăng giá. Bên cạnh đó, siêu thị gần như không thể yêu cầu dời thời hạn tăng giá hay điều chỉnh mức tăng do đây đã là quy định trong hợp đồng và nhiều nhà cung cấp cùng tăng chứ không phải một.

Cũng theo ông Tuấn, từ nay đến tết chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhà cung cấp thông báo tăng giá bởi đây là quy luật kinh doanh: chuẩn bị cho mùa kinh doanh tết. Ông Tuấn nhận xét: “So với mọi năm, cả năm nay mức độ và tần suất tăng giá ít hơn”.

Tuy nhiên, đại diện của nhiều hệ thống siêu thị khác như Big C, Maximart lại cho biết tình hình vẫn đang “khá êm ả” khi chỉ có lẻ tẻ nhà cung cấp yêu cầu tăng giá, chuyện hàng ngày trong kinh doanh siêu thị chứ không đồng loạt như nhiều đợt khác. “Có thể tùy hệ thống, tùy nguồn hàng mà diễn biến này khác nhau”, bà Nguyễn Phương Thảo của Maximart Cộng Hòa nói.

Từ phía nhà sản xuất, bà Lê Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food cho hay, từ đầu tháng đã gửi thông báo tăng giá với mức tăng từ 5 – 15% đối với các sản phẩm cho các hệ thống siêu thị, đại lý. Thời gian áp dụng sẽ khác nhau, có thể từ giữa tháng hoặc cuối tháng tùy theo thỏa thuận giữa hai bên.

Bà Lâm cũng cho biết, việc tăng giá có thể sẽ dẫn đến việc sức tiêu thụ giảm trong thời gian đầu nhưng đây là việc không thể không làm khi đầu vào biến động. Theo bà Lâm, đúng là các loại heo, bò, gà có giảm giá trong thời gian vừa qua nhưng các loại nguyên liệu chủ lực của sản phẩm lẩu hải sản như cá tra, tôm, mực đều tăng từ 30 đến 100% so với năm ngoái do khan hiếm nguồn cung.

Bên cạnh đó, vào mùa kinh doanh tết, đơn vị này phải tăng lượng hàng dự trữ hơn so với ngày thường nên các chi phí lưu kho, lãi suất ngân hàng, thuê nhân công đều phải tính vào giá thành sản phẩm. “Vì tăng lương tối thiểu, các đơn vị đối tác của chúng tôi đều tăng chút chút giá. Cộng các yếu tố lại thì giá phải tăng”, bà Lâm nói.

Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chuyên cung cấp các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu không  muốn nêu tên lý giải: việc tăng giá do đủ các yếu tố, từ lương nhân viên biến động đến tăng giá từ chính các nhà sản xuất. Bà cho rằng, từ nay đến tết, sẽ có nhiều nhà cung cấp phải điều chỉnh giá. Vấn đề chỉ là thời gian, tăng trước tăng sau và mức bao nhiêu mà thôi.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1 × 4 =

To Top