Connect with us

Chọn màu cho thương hiệu – chuyện không đơn giản

DNA Viết

Chọn màu cho thương hiệu – chuyện không đơn giản

Mười năm trước, Heinz giới thiệu một loại nước sốt mới và ngay lập tức gặt hái được thành công đáng kể. Trong chỉ bảy tháng đầu tung ra thị trường, sản phẩm này đã bán được bảy triệu chai và thu hút sự quan tâm ở nhiều nước khác. 

Đây là sản phẩm bán chạy đến mức thường xuyên “cháy hàng” ở nhiều siêu thị, và người mua được còn tranh thủ cơ hội đấu giá nó trên eBay. Vậy, loại nước sốt mới này có gì đặt biệt? Có thể là ở mùi vị chăng? Hay nó được làm từ nguyên liệu thượng hạng? Câu trả lời là không. 

Chỉ có một điểm khác biệt duy nhất: đây là nước sốt màu xanh lá cây.

Một câu chuyện khác cũng liên quan đến màu sắc. Nhân vật chính là Crystal Pepsi, một loại cola trong vắt, không màu được tung ra thị trường năm 1992. Dù có hương vị không khác gì Pepsi thông thường, nhưng người tiêu dùng khi ấy chẳng mặn mà gì với việc uống cola không màu. Sau một mùa doanh thu ảm đạm, sản phẩm này bị ngừng sản xuất.

Bài học rút ra từ hai câu chuyện trên đã rõ: lựa chọn màu sắc thật sự có ảnh hưởng đến sản phẩm và thương hiệu.

Chọn màu không chỉ là định hướng mỹ thuật

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng màu sắc có nhiều tác động đến cảm xúc của chúng ta, nhưng quan trọng hơn hẳn, nó chính là điểm đầu tiên tác động đến giác quan của khách hàng. Màu sắc là yếu tố đầu tiên đập vào mắt khách hàng khi họ tiếp xúc với thương hiệu, và trong giây phút tiếp xúc ngắn ngủi đó, cảm nhận của khách hàng với thương hiệu đã được hình thành. Chính vì thế, màu sắc không chỉ là một lựa chọn mang tính mỹ thuật mà còn là một quyết định kinh doanh đòi hỏi sự cân nhắc cẩn thận từ người đứng đầu doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần ở nhân viên thiết kế.

Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng dù khách hàng quyết định chọn sản phẩm/dịch vụ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, nhưng có đến 60-80% người dựa vào màu sắc mà họ nhìn thấy. Màu sắc có khả năng đặc biệt giúp tạo nên thành công cho sản phẩm, do đó, việc chọn sai màu ngay từ đầu sẽ khiến doanh nghiệp trả giá không rẻ.

Chọn màu thế nào cho phù hợp?

Màu sắc phụ thuộc vào ngữ cảnh. Ví dụ, bạn có thể sẽ mua dầu gội đầu màu cam nhưng chưa chắc bạn sẽ chịu bỏ tiền mua một chiếc xe hơi cùng màu. Vì thế, khi chọn màu cho thương hiệu, hãy dành thời gian xem xét lựa chọn của đối thủ và tìm hiểu ý nghĩa của màu sắc đối với khách hàng. 

Bạn có thể đến siêu thị và nghiên cứu các loại màu sắc trên kệ hàng vì đây là nơi sản phẩm của bạn sẽ phải “đối đầu” trực tiếp với hàng chục thương hiệu khác để giành sự chú ý của khách hàng. Chọn được một màu nổi bật sẽ giúp bạn khác biệt hơn. Màu xanh lá cây tươi mát của thương hiệu chăm sóc tóc Garnier Fructis đã góp phần giúp họ nổi trội hơn so với các thương hiệu khác. 

Tuy nhiên, chọn một màu quá khác biệt, hay quá nổi có thể dẫn đến tác dụng ngược. Ví dụ, trong ngành sản phẩm dung dịch cho kính sát tròng, các thương hiệu thường đi với màu xanh dương hoặc xanh lá, và nếu bạn chọn màu quá khác hai màu trên, như màu đỏ tươi chẳng hạn, sẽ chẳng ai dám mua sản phẩm của bạn. 

Điều quan trọng là cần phải phân biệt được ý nghĩa của màu sắc trong từng trường hợp. Ví dụ, màu xanh dương thường thể hiện sức khỏe, an toàn trong khi màu xanh lá cây sáng thường tượng trưng cho sự phiêu lưu, vui vẻ, sự khác biệt. Khi đã biết được khách hàng mục tiêu cần gì, bạn có thể tìm được màu sắc phù hợp.

Ứng dụng màu sắc trong thực tiễn

Mặc dù bạn có thể muốn sản phẩm của mình thể hiện một ý tưởng nào đó qua màu sắc, mọi việc có thể không đơn giản chỉ thế. Qua trực giác, khách hàng có thể thấy màu sắc và thương hiệu có liên quan hay không. Đôi lúc, doanh nghiệp cho rằng chỉ việc chọn màu theo mốt, khách hàng sẽ thích và doanh số sẽ tăng. Tuy nhiên, điều này hiếm khi đúng, vì cho dù màu được chọn có đang là màu hot nhất đi nữa, nếu khách hàng không tìm được sự liên kết giữa thương hiệu và màu sắc họ vẫn không quan tâm.

Khi Volkswagen giới thiệu chiếc Beetle mới, hầu hết các bảng quảng cáo đều dùng hình chiếc Beetle màu xanh lá cây neon, vốn là màu hiếm khi dùng sơn xe hơi. Tuy nhiên, sự chọn màu này lại phù hợp với ý đồ mà VW muốn thể hiện: sự tái sinh, đổi mới và thổi luồn gió mới vào một biểu tượng cũ. Đây là điều khách hàng có thể hiểu được và nhờ đó VW có thể chuyển tải trọn vẹn thông điệp qua quảng cáo của mình, dù cuối cùng khi mua, khách hàng cũng chỉ chọn chiếc Beetle màu đen hoặc bạc.

Ví dụ này cũng chứng minh một yếu tố khác trong tâm lý học màu sắc mà các chuyên gia gọi là “hội chứng ví hồng”, xuất phát từ việc các cửa hàng sẽ chọn một sản phẩm màu sắc thật bắt mắt, ví dụ như chiếc ví màu hồng, để trưng bày trước cửa tiệm. Khách hàng sẽ dễ dàng chú ý và bước vào tiệm để mua một sản phẩm tương tự màu đen. 

Khi nào cần thay đổi màu sắc?

Việc thay đổi màu sắc đôi lúc lại là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp luôn bắt kịp xu thế mới nhất và không ngừng cải tiến. Khi làm mới lại logo hay thay đổi màu sắc của sản phẩm, sẽ có nhiều điều bạn cần cân nhắc như liệu bạn có muốn giữ lại yếu tố cũ nào không hay sẽ bỏ hết tất cả và làm lại từ đầu.

Bạn có thể thay đổi toàn bộ màu sắc. Tuy nhiên, đây không hẳn là lựa chọn tối ưu. Thay vì bỏ phí những gì bạn đã gầy dựng với những màu cũ, bạn có thể giữ lại một màu và thay đổi các màu khác để tạo cảm giác tươi mới hơn. 

Mặt khác, nếu bạn chuyển sang một lĩnh vực mới hoàn toàn, bạn có thể chọn màu khác. Khi Kodak chuyển từ phim chụp ảnh sang công nghệ ảnh kỹ thuật số, màu vàng đặc trưng đã được thay đổi bằng màu đỏ như một cách thông báo với khách hàng rằng công ty đã tập trung sang một lĩnh vực khác.

DNA Branding – www.dna.com.vn

www.facebook.com/dnabrandingvietnam

Tham khảo bài viết của Eric Markowitz

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 × 2 =

To Top