Connect with us

Chiến lược ngành điều có nguy cơ phá sản

Tin trong nước

Chiến lược ngành điều có nguy cơ phá sản

Ngành điều Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển bền vững trong tất cả các khâu trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ trong nước vào xuất khẩu và giữ vững được vị trí là nước xuất khẩu điều số 1 thế giới. 

Tuy nhiên, mục tiêu trên có nguy cơ phá sản mà nguyên nhân chính là giá trị cây điều thu về thấp hơn những loại cây khác như sắn (khoai mì), cao su, cà phê.

Tại Hội nghị khách hàng quốc tế Vinacas 2011 do Hiệp hội điều Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 10 và 11-6 tại TPHCM, ngay những nhà quản lý, hoạch định chính sách cho ngành điều đã có “dự cảm” không tốt đối với mục tiêu trên của ngành.

Mục tiêu xa thực tế

Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, nếu Hiệp hội điều Việt Nam không giải quyết khôn ngoan những khó khăn hiện nay thì nhiều khả năng quy hoạch phát triển ngành điều sẽ bị “treo” vì những mục tiêu đề ra trong chiến lược 10 năm tới khó có khả năng đạt được.

“Hiện tỷ lệ điều chế biến sâu của Việt Nam chiếm 3% lượng điều xuất khẩu hằng năm; và ngành điều đặt mục tiêu đến 2020 sẽ có 30% lượng điều chế biến sâu bán ra thế giới. Đây là mục tiêu táo bạo và nếu không có những kế hoạch đầu tư thiết bị thì khó đạt được”, ông Phương nói.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI ) cho rằng, lợi thế so sánh của cây điều thấp hơn cây cao su, cà phê, khoa mì (sắn); do đó sẽ không có gì lạ nếu trong những năm tới diện tích, sản lượng điều của nước ta tiếp tục giảm. Đó chính là thách thức cho chiến lược phát triển ngành điều đến năm 2020.

“Trong chuỗi giá trị của hạt điều thì giá trị thu về của người nông dân là thấp nhất so với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nên không thể trách người dân không mặn mà với cây điều được”, ông Lộc nói.

Đồng quan điểm với ông Lộc, ông Bùi Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh có diện tích điều lớn nhất cả nước với gần 145.000 héc ta, cho biết, không cần phải đợi đến 5 năm nữa mà hiện tại người dân Bình Phước đã âm thầm chặt bỏ vườn điều để trồng cao su, sắn để thu được lợi nhuận cao hơn, tỉnh Bình Phước biết nhưng không làm gì được.

Theo ông Thạch, Bình Phước xem cây điều là cây trồng chủ lực của tỉnh trong những năm tới, vì thế, tỉnh đã đưa ra chiến lược phát triển ngành điều của tỉnh bằng những chính sách hỗ trợ về giống, công nghệ chế biến, nhằm nâng cao giá trị của cây điều qua đó nâng cao đời sống cho người trồng điều. “Nếu hiệp hội điều Việt Nam có điều chỉnh lại chiến lược phát triển ngành điều đến năm 2020 thì cần làm sớm để chúng tôi có thể điều chỉnh lại chiến lược phát triển của tỉnh phù hợp với chiến lược chung của toàn ngành”, ông Thạch nói.

Thiếu vắng thương hiệu

Theo các đại biểu, tuy từ năm 2006 Việt Nam đã là nước xuất khẩu điều số 1 thế giới, chiếm hơn 50% thị trường nhưng ngành điều không kiểm soát được giá bán, còn thương hiệu điều Việt Nam hầu như không tồn tại trong mắt người tiêu dùng.

Ấy vậy mà ngay chiến lược phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020 do Hiệp hội điều Việt Nam soạn thảo chỉ đề cập đến vùng sản xuất, sản lượng điều sẽ chế biến và xuất khẩu chứ không đề cập đến chiến lược xây dựng thương hiệu cho ngành điều Việt Nam.

Theo ông Lộc, nếu ngành điều không có thương hiệu thì không thế nâng cao giá bán mà chỉ là một nước gia công chế biến. Ông Phương thì cho rằng, đã đến lúc ngành điều Việt Nam không chỉ biết bán điều nhân qua sơ chế nữa mà phải đầu tư vào chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị cho hạt điều.

“Theo tôi, thời gian tới ngành điều phải đầu tư ít nhất một nhà máy chế biến sâu, quy mô lớn để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ thay vì doanh nghiệp cứ tìm cách xuất khẩu sản phẩm nhân điều sơ chế như hiện nay. Nếu làm được điều này thì mới hy vọng xây dựng được thương hiệu cho ngành điều nước ta”, ông Phương nói.

Trong vai trò chủ tịch VCCI, ông Lộc đã kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến những sản phẩm sâu từ hạt điều bằng thương hiệu và tên gọi Việt Nam.

“Tôi xin khẳng định rằng, luật đầu tư, luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chế biến sâu khi đầu tư vào ngành điều sẽ được lợi nhiều hơn so với mua điều từ Việt Nam rồi chế biến tại Mỹ, châu Âu vì tận dụng được giá nhân công thấp, tay nghề người Việt Nam cao”, ông Lộc cho hay.

Còn bà Phạm Thị Thanh Minh, Phó vụ trưởng vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, khẳng định nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy chế biến sâu vào ngành điều thì Bộ Công thương sẽ có những chương trình hỗ trợ kèm theo để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xuất khẩu tốt nhất.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twenty − fourteen =

To Top