Tin trong nước
Chè Việt bước ra thế giới: Về miền chè cổ
Với những vùng chè cổ thụ quý hiếm, những vùng chè công nghiệp bạt ngàn khắp cả nước, dù chỉ chiếm 5% thị phần, nhưng ngành chè Việt Nam hiện đang đứng trong nhóm 5 về sản xuất và cung ứng nguyên liệu chè cho thị trường thế giới.Có được thành quả ấy là cả một nỗ lực dài của ngành chè, từ khi cây chè trở thành cây công nghiệp từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến nay.
Đi qua các vùng chè cổ mà tên gọi của các sản phẩm chè cổ đã trở thành thương hiệu như Shan Tuyết Hà Giang, Suối Giàng, Tủa Chùa, Tà Xùa… cùng những vùng chè công nghiệp được trồng bạt ngàn và khai thác một cách khoa học kéo dài từ các tỉnh miền núi phía Bắc, vào Nghệ An, lên cao nguyên Lâm Đồng… mới thấy ngành chè Việt đang có một thế mạnh cực kỳ lớn về nguồn nguyên liệu và đang dần tự tin bước ra thị trường chè thế giới.
Bước đi đầu tiên
Văn hoá uống chè của Việt Nam có từ rất lâu đời, nhưng mãi đến những năm 50 của thế kỷ 20, chè mới chính thức trở thành cây công nghiệp, được gieo trồng, và đưa vào sản xuất đại trà, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi một nước duy nhất đó là Liên Xô đến tận những năm 90 theo một hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Khi ấy, chè nguyên liệu của Việt Nam xuất sang Liên Xô và được trộn lẫn với chè Ấn Độ, chè Srilanka sau đó đóng gói thành thương hiệu của hai quốc gia này. Đó là một bất lợi và ngành chè Việt – khi ấy vẫn còn là khái niệm mơ hồ – gần như không có chút trọng lượng nào trong bản đồ ngành chè thế giới.
Khi Liên Xô tan vỡ, ngành chè mất nguồn thị trường xuất khẩu duy nhất và rơi vào khủng hoảng. Ngành chè phải tự thân vận động để đưa sản phẩm của mình ra thế giới, chính thức từ 1996 đến nay. Từ việc xuất khẩu sang một nước, nay chè Việt đã có mặt trên 70 nước.
Ông Đoàn Anh Tuân, chủ tịch hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ: “Hàng năm chúng tôi đều tham gia vào các chuyến đưa chè Việt ra các nước, giới thiệu những dòng sản phẩm chè Việt đặc trưng gắn liền với văn hoá, với vùng chè để quảng bá hình ảnh cây chè của Việt Nam để khách hàng thấy rằng Việt Nam có một vùng chè nguyên liệu cực kỳ phong phú. Bên cạnh đó, chúng tôi phải làm luôn công tác nghiên cứu khẩu vị khách hàng để khi về biết cách sản xuất ra những sản phẩm mà thị trường cần. Nếu bảo thủ chỉ giới thiệu thứ chè chúng ta quen uống, bảo đó là ngon, coi đó là đặc sản thì chưa chắc được thị trường chấp nhận”.
Tìm thương hiệu cho chè Việt
Có đi qua các vùng chè cổ mới thấy rằng nguồn nguyên liệu quý hiếm ấy đang bị khai thác một cách manh mún, không có hệ thống. Những vùng chè cổ gần như bị bỏ hoang không được chăm sóc, quan tâm đúng mức nên đã có không ít cây chè cổ ở Hà Giang, Suối Giàng đang chết dần. Những sản phẩm đã làm nên thương hiệu từ các vùng chè cổ cũng chỉ cung ứng cho thị trường nội địa với số lượng hạn chế, chất lượng không đồng nhất khiến việc thu hút thị hiếu người tiêu dùng thực sự khó khăn. Chưa có được những quảng bá thích hợp để người tiêu dùng Việt Nam có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu và sử dụng, thưởng thức dòng sản phẩm độc đáo này một cách trọn vẹn.
Xét về mặt công nghiệp, Việt Nam có hơn 40 doanh nghiệp lớn sản xuất chè với máy móc hiện đại đã tạo được những dòng sản phẩm chè chuyên nghiệp cho thị trường. Tuy nhiên, tại các vùng chè đặc sản, việc sao chế lại chủ yếu bằng phương pháp thủ công, cách thu hái không đồng nhất, khiến cho nguyên liệu thì quý hiếm nhưng chất lượng sản phẩm không được ổn định. Thêm nữa, do phải qua nhiều khâu trung gian nên chè đặc sản dễ bị pha trộn, khi đến được với người tiêu dùng thì phong vị đặc sản của chè quý đã không còn nữa.
Cách quảng bá sản phẩm những vùng chè đặc sản cũng bị bỏ ngỏ, giới làm chè vẫn đang tập trung vào các nguồn chè công nghiệp, trồng đại trà mà quên đi mình đang có một nguồn chè cổ cực kỳ phong phú mà không quốc gia nào có được. Khách du lịch đến Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua những sản phẩm chè chỉ do chúng được quảng cáo quá hay. Còn ở Việt Nam, đơn cử như chè cổ Tủa Chùa, công lao thu hái, đưa về đóng gói quá vất vả, gian nan, trong khi giá bán ra thị trường 1kg chưa bằng 100g trà Ô Long bình thường nhập về từ Đài Loan, Trung Quốc.
Cách uống chè của từng vùng miền có nhiều nét đặc biệt, thể hiện những đặc trưng riêng tạo thành những nét văn hoá độc đáo. Văn hoá chè cũng đi sâu vào trong tín ngưỡng dân gian, với các nghi thức cúng tế, thờ tự đặc sắc. Trong đạo mẫu có giá đồng với tích Cô Tám đồi chè, trên vùng Suối Giàng có nghi thức người H’mông cúng cây chè tổ vào tháng 2 âm lịch để cầu cho dân bản mạnh khoẻ, đồi chè tươi tốt, búp to như bàn tay trẻ nhỏ, lá to như lá chuối rừng, hái quanh năm không bao giờ cạn. Có thể nói, chè Việt luôn là một nét gắn liền với văn hoá Việt, đưa chè Việt ra với thế giới, cũng đồng nghĩa là giới thiệu cả một vùng văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Hàng năm, hiệp hội Chè Việt Nam thường tổ chức ít nhất năm chuyến đi tham gia các hội chợ chè thế giới để doanh nghiệp làm chè Việt có dịp đưa sản phẩm cụ thể của mình ra với thị trường. Và ở mỗi chuyến đi, hiệp hội Chè Việt thường chọn ra những sản phẩm chè đặc sản để trình diễn pha chế, giới thiệu với bạn bè quốc tế. Đầu năm 2011, tại hội chợ triển lãm quốc tế về ngành chè tại Singapore, hương vị chè sen của Việt Nam cùng câu chuyện sao chế, tẩm ướp chè sen đã gây ấn tượng mạnh với khách tham gia hội chợ.
Hy vọng rằng, với một văn hoá chè có bề dày lịch sử, cộng với những bước tiến của ngành chè, tương lai không xa, chúng ta có thể tự tin khẳng định: người Việt uống chè Việt. Những dòng sản phẩm chè ngoại lai với giá đắt gấp nhiều lần từ nước ngoài sẽ không còn cơ hội lấn sân thị trường Việt Nam, vốn là vùng nguyên liệu chè trù phú.
Theo SGTT