Connect with us

Chê gia công ít tiền, tự làm thương hiệu

Tin trong nước

Chê gia công ít tiền, tự làm thương hiệu

Khu hành lang tầng 3 trung tâm thương mại Vincom (Hà Nội), gian hàng da giày WT nằm khá “khiêm tốn” so với những thương hiệu nổi tiếng khác. Bù lại, những đôi giày từ da cá sấu, đà điểu, cá đuối… khiến mức giá giữa “nội” và “ngoại” không còn nhiều chênh lệch.

Vương Văn Thịnh, người sở hữu thương hiệu WT từng làm quản lý cấp cao một doanh nghiệp nhà nước lớn về da giày, nay tìm hướng đi riêng ở vị thế doanh nghiệp tư nhân.

 “Tại sao lao động ngành da giày Việt Nam làm 12 tiếng một ngày mà lương vẫn thấp, vẫn nghèo!”, đó là điều đến giờ ông Thịnh vẫn còn tự hỏi, dù rằng đã làm cho liên doanh, cho nước ngoài thì năng suất công nhân đứng máy “không thể thấp được với họ”.

 “Xuất khẩu da giày là nói cho vui thôi”, ông bảo thế. Khoảng 300 doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam hiện nay, để xuất khẩu được thì gần như 100% là sử dụng thương hiệu của người khác, không được là chính mình.

Nguyên, phụ liệu thì chủ hàng nhập khẩu về, cán bộ kỹ thuật cũng đối tác đưa sang. Nói là chuyển giao kỹ thuật nhưng thực chất, công nhân Việt Nam chỉ thực hiện những công việc giản đơn nhất, bảo cắt thì cắt, ráp nối thì ráp nối…

Cửa hàng giày WT tại TTTM Vincom 

“Mấy năm trước tôi làm xuất khẩu, tôi biết, giá đôi giày có là 100 USD thì chi phí gia công cũng chỉ từ 0,7-1 USD/đôi, gồm cả lương của ông tổng giám đốc cho đến cô lao công, toàn bộ khấu hao thiết bị, tiền điện nước, nhà sưởng, văn phòng phẩm…”, ông Thịnh nói, “Chỉ một đô mỗi đôi thì cách gì lương công nhân cao lên được!”.

Nhưng “đau” nhất là để làm ra đôi giày vẫn gắn mác ngoại hiện nay, người công nhân Việt cũng có thể làm tốt. Ông Thịnh cân nhắc, nếu nhập da của Ý, chất lượng nhân công đảm bảo thì chất lượng đôi giày cũng tương đương.

 “Thế nên tôi muốn những phần giá trị gia tăng cao mình cũng phải được hưởng hết. Da mình mua loại tốt nhất, kê độn chưa tốt thì phải tiếp tục cải tiến thôi…”, ông nói chắc nịch. “Tôi cho rằng, muốn phát triển lâu dài, không dùng thương hiệu của mình thì suốt đời này mình đi gia công cho nước ngoài”.

Âm thầm chuẩn bị cả chục năm nay, chỉ vài năm gần đây, thương hiệu giày WT mới “khai khẩn” được một phần thị trường nội địa, chủ yếu ở phân khúc giày nam cao cấp, giá trung bình khoảng 1 triệu đồng/đôi.

Với đối tượng khách hàng nam, đặt nặng về chất lượng và kiểu dáng hơn giá tiền, WT là thương hiệu Việt duy nhất “sát cánh” cùng những Valentino, Giovanni… tại các trung tâm mua sắm nổi tiếng như Vincom, Parkson, Lotte…

 “Không làm thương hiệu thì doanh nghiệp chỉ có chết, vấn đề là như thế”, ông Thịnh thẳng thắn. “Xây dựng thương hiệu riêng thì tất nhiên mình vất vả, nhưng lợi ích toàn diện, 100% là của mình. Một đôi giầy như thế, đâu phải tôi lời 1 USD được”.

 “Tôi là doanh nghiệp tư nhân, tôi phải tính sao nhiều năm sau, doanh nghiệp của tôi vẫn tồn tại. Tôi chết đi thì doanh nghiệp vẫn còn, hết đời mình thì chuyển giao cho thế hệ sau…”, chủ sở hữu thương hiệu WT chém tay vào không khí, nói. “Thế thì phải dùng đến thương hiệu”.

 “Mình không bỏ nhiều tiền quảng cáo, nhưng vẫn được nhiều người biết đến bằng cách đứng vào giữa đám đông, trong các trung tâm thương mại sang trọng”, ông Thịnh chia sẻ cách làm thương hiệu của mình.

Được người tiêu dùng chấp nhận, kinh doanh khá tốt, ông Thịnh cho biết, mỗi năm doanh thu từ kinh doanh tại 16 siêu thị, trung tâm thương mại trên toàn quốc tăng khoảng 20-30%.

Cạnh tranh vẫn phải dùng chất lượng, giá cả chỉ bằng 2/3 sản phẩm tương tự của nước ngoài, ông Thịnh tính toán vài năm nữa sản phẩm của ông sẽ tiêu thụ tốt hơn, khi người ta quen dùng hàng nội cao cấp.

 “Hướng đi của WT là làm thương hiệu trên thị trường nội địa trước, để trên cơ sở đó mới chinh phục lại thị trường xuất khẩu. Tức là phải chắc chân trong nhà rồi mới ra ngoài được”, lời ông Thịnh.

Trong cấu thành sản phẩm của WT hiện nay, hầu hết là xuất xứ Việt Nam. Khoảng 80% là từ nguồn trong nước, chỉ trừ một số chi tiết bắt buộc phải nhập như đế chẳng hạn. Xu hướng là sẽ giảm tiếp vì công ty đang tìm thêm nhà cung cấp trong nước, bao gồm cả thuộc da ở miền Nam, không mua của nước ngoài nữa.

“Còn tất nhiên, khi tư tưởng sính ngoại vẫn còn, nhiều người vẫn quay lưng với hàng Việt, thì doanh nghiệp nội vẫn cần thêm thời gian…”, ông Thịnh bỗng nhiên chùng giọng.

Theo vneconomy

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

9 − 9 =

To Top