Tin trong nước
Canh bạc cuối của AOL
Mua lại Huffington Post là hy vọng cuối cùng của AOL. Nếu thua canh bạc này, kết cục của AOL sẽ rất thảm hại. “Cái giá mua lại Huffington Post quá cao, nhưng nếu trang tin này tiếp tục tăng mạnh lượng độc giả, AOL sẽ có thể hái ra tiền và tăng doanh thu quảng cáo”, Ian Maude, thuộc EndersĐầu tuần qua, công ty internet Mỹ AOL cho biết sẽ mua lại trang web tin tức Huffington Post với giá 315 triệu USD, nhằm vực dậy bộ phận nội dung và doanh thu quảng cáo đang sa sút. Điều khiến giới báo chí xôn xao là AOL đã trả giá rất cao, mà theo ước tính của chuyên gia phân tích Clayton Moran của Benchmark Co. (Mỹ), là gấp 32 lần EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của trang web này. Moran cho biết, mức giá cho các thương vụ về nội dung tương tự chỉ khoảng 8-12 lần. Còn nếu xét theo doanh thu, cái giá trả cho Huffington Post gấp 10 lần.
Trong khi đó, AOL lại mang tiếng xấu về các thương vụ mua bán và sáp nhập què quặt. AOL đã chấm dứt cuộc hôn nhân với hãng truyền thông Time Warner vào tháng 12.2009 sau 10 năm chung sống. Hãng cũng đã bán rẻ Bebo với giá 10 triệu USD chỉ sau 2 năm mua lại.
Và từ khi Tim Armstrong đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc AOL, ông đã tiến hành hàng loạt vụ như mua lại TechCRunch và 5Min Media vào năm ngoái, nhằm đầu tư vào mảng nội dung trực tuyến để thu hút cư dân mạng, vực dậy doanh thu quảng cáo. Tuy nhiên, đến nay AOL chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Từng trị giá tới 163 tỉ USD, hiện nay AOL có mức vốn hóa khoảng 2,3 tỉ USD. AOL đã gánh chịu sự suy giảm nghiêm trọng doanh số quảng cáo và dịch vụ truy cập internet trong quý IV/2010, khiến tổng doanh thu giảm 26%, còn 596 triệu USD.
Vậy liệu Huffington Post có thể vực dậy tình hình của AOL? Armstrong đã dùng công thức “1 + 1 = 11” để mô tả lợi ích của thương vụ, cho thấy kỳ vọng của ông vào canh bạc lớn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền.
Được thành lập vào năm 2005, Huffington Post chóng lọt vào nhóm 10 trang web tin tức được ưa chuộng nhất tại Mỹ với 25 triệu độc giả mỗi tháng (sau khi sáp nhập, AOL sẽ có 270 triệu độc giả mỗi tháng trên toàn thế giới và 117 triệu độc giả tại Mỹ). Theo tính toán của Giám đốc Tài chính AOL Arthur Minson, Huffington Post dự kiến sẽ tạo ra hơn 50 triệu USD doanh thu năm 2011 và khoảng 100 triệu USD trong năm tiếp theo với biên lợi nhuận 30%.
Giới phân tích công nghệ cho rằng, AOL có thể thắng trong canh bạc này, nhưng chỉ khi số lượng độc giả của Huffington Post tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như họ đã làm trong 5 năm qua.
Ian Maude, đứng đầu bộ phận internet tại Enders Analysis, nhận định: “Cái giá mua lại Huffington Post quá cao, nhưng nếu trang tin này tiếp tục tăng mạnh lượng độc giả, AOL sẽ có thể hái ra tiền và tăng doanh thu quảng cáo. Thương vụ này có thể mang lại lợi ích cho AOL vì Hãng đang tập trung phát triển doanh thu quảng cáo hiển thị, đặc biệt tại thị trường Mỹ, nơi Huffington Post được nhiều người biết đến nhất”.
Chìa khóa mà ông Armstrong tin rằng sẽ giúp Huffington Post duy trì phong độ hiện có sau khi sáp nhập là sự có mặt của bà Arianna Huffington, đồng sáng lập Huffington Post, trong ban điều hành mảng nội dung của AOL. Bà Arianna được cho là lý do chính đằng sau việc AOL trả giá cao mua lại Hufffington Post. Một điều kiện lớn của thương vụ là bà phải nắm vai trò điều hành Huffing Post cũng như bộ phận nội dung của AOL, trong đó có các trang web công nghệ nổi tiếng Endgadget và TechCrunch, trang web tin tức trong nước Patch.com và dịch vụ bản đồ trực tuyến Mapquest.
“Cái giá cao mà AOL trả cho Huffington Post thực sự là chi phí tuyển dụng để có được bà Arianna”, chuyên gia phân tích công nghệ Rob Enderle nhận định. Nói cách khác, bà là hy vọng của Armstrong trong việc đưa AOL trở lại đường đua.
Theo NCĐT
