Connect with us

Các siêu tập đoàn đang thống trị thế giới

Tin quốc tế

Các siêu tập đoàn đang thống trị thế giới

Liệu có một “siêu tập đoàn” đang kiểm soát kinh tế toàn cầu? Dù chưa rõ ràng nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ của 147 tập đoàn đa quốc gia đang hình thành một “tổ hợp” kiểm soát 40% tài sản của hàng ngàn công ty trên khắp thế giới.

Những xúc tu vươn dài

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, các cuộc biểu tình chống lại chủ nghĩa tư bản toàn cầu, bắt đầu trên toàn thế giới dưới khẩu hiệu “Chiếm Phố Wall” là một phản ứng rõ ràng đối với thế giới tư bản đang làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo và bất công trên thế giới.

Những kết quả phân tích trước đây các nhà nghiên cứu từng tính toán để người ta dễ hình dung về quy mô của những siêu tập đoàn đa quốc gia.

Chẳng hạn, với doanh thu 421,89 triệu USD, tập đoàn bán lẻ Wal-Mart giàu có hơn nền kinh tế đứng thứ 25 thế giới Na Uy, bởi quốc gia này chỉ có mức GDP 414,46 tỷ USD. Tương tự, mức doanh thu 24,07 tỷ USD của McDonald vượt xa GDP của Latvia với con số 24,05 tỷ USD.

Nếu là một quốc gia, McDonald sẽ xếp thứ 92 trên thế giới. Hay GDP 318,85 tỷ USD của Thái Lan còn thua xa doanh thu 354,67 tỷ GDP của Exxon Mobil. Nếu được coi là một quốc gia, tập đoàn này có thể xếp thứ 30 trên thế giới.

Dù hoạt động kinh doanh đã có phần thu hẹp, nhưng doanh thu 39,32 tỷ USD của Morgan Stanley vẫn lớn hơn GDP 38,99 tỷ USD của Uzbekistan. Nếu là một quốc gia, Morgan Stanley sẽ xếp thứ 82 trên thế giới…

Tuy nhiên, những công ty khổng lồ này thực sự chỉ là cái bóng của những “siêu tập đoàn” đang ngầm chi phối nền kinh tế của cả thế giới. Nghiên cứu của Đại học Zurich (Thụy Sỹ) đã rút ra kết luận, 40% nền kinh tế toàn cầu được kiểm soát bởi một nhóm tập đoàn.

Kết quả này được đưa ra với dữ liệu sắp xếp 37 triệu công ty và nhà đầu tư trên toàn thế giới hiện có mặt trong cơ sở dữ liệu của Orbis từ năm 2007.

Từ dữ liệu này, các nhà nghiên cứu đã vẽ ra được một bản đồ cho thấy mối quan hệ của hạt nhân kinh tế thế giới nằm trong tay 147 công ty, hầu hết các siêu tập đoàn “supercorporation” là các tổ chức tài chính.

Các nhà nghiên cứu còn lập ra một danh sách riêng gồm 10 tổ chức tài chính được cho là thành viên của siêu tập đoàn thế giới. Trong Top 10 có các ngân hàng nổi tiếng như: Barclays, Merrill Lynch, JP Morgan Chase, UBS. Ngoài ra còn có những tập đoàn ít nổi tiếng. Ví dụ, Capital Group Companies, FMR Corporation, AXA, State Street Corporation.

Tách tiền khỏi chính trị

James Glattfelder, nhà nghiên cứu lý thuyết hệ thống tổ hợp tại Viện Swiss Federal, cho rằng, giá trị của nghiên cứu này không phải tìm ra ai là người đang kiểm soát kinh tế thế giới, mà là tìm ra mối quan hệ giữa các công ty lớn nhất thế giới.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy mối quan hệ chặt chẽ của mạng lưới kinh tế này không bền, rất dễ dẫn đến hiệu ứng sụp đổ domino. “Lõi” của 147 siêu tập đoàn này cũng cho thấy nhiều mối liên quan đến ảnh hưởng chính trị.

Ông Alexander Agibalov, Giám đốc Điều hành của AG Capital, thừa nhận các nhà tài chính hiện nay gần như là những người vận động hành lang chính yếu trên thế giới:

“Các công ty lớn thường tài trợ một cách không công khai cho những chiến dịch bầu cử khác nhau, tiến cử người của mình vào bộ máy chính quyền. Sau đó họ sử dụng các mối quan hệ, gây tác động vào bức tranh chính trị, cố gắng để đạt được những quyết định chính trị có lợi cho mình”.

Vì vậy, không chỉ quản lý luồng tiền mặt, các siêu tập đoàn này còn có ảnh hưởng rất lớn đến nền chính trị thế giới. Chẳng hạn, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ đều là đảng trung hữu và có những chính sách thiên vị giới giàu mà thiếu cải cách chính trị.

Giáo sư Jefferey Sachs, Đại học Columbia ở New York, nhận định: “Chính quyền và cơ chế hiện nay của Hoa Kỳ, và có thể nói là của thế giới tư bản nói chung, là của 1%, do 1% và vì 1%”.

Ông Sachs nói khoảng cách giàu nghèo đã tăng mạnh tại các nước phát triển, nhất là tại Hoa Kỳ, nơi 1% hộ gia đình hiện có thu nhập chiếm 20% thu nhập của cả nước so với 10% của năm 1980.

Các nhà bình luận nói rằng, những vấn đề kinh tế và xã hội hiện nay của Hoa Kỳ trải dài qua các đời tổng thống của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nhưng cả hai đảng này đều bị tố cáo là không muốn giải quyết vấn đề vì sợ ảnh hưởng tới những người tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của họ mà Phố Wall đóng vai trò trung tâm.

“Vấn đề căn bản của nền kinh tế toàn cầu là ở chỗ nó lệ thuộc nhiều vào chính trị. Tất cả các tổ chức kinh tế quốc tế cần đến cuộc cải cách, qua đó họa may sẽ giải thoát họ khỏi ảnh hưởng của thế lực từ bên ngoài”, bà Anne Krueger, ứng viên sáng giá nhận giải thưởng Nobel về kinh tế cho năm 2012, nhận định về giải pháp chính trị để cấu trúc lại nền kinh tế thế giới hiện nay.

Giáo sư Sachs đưa ra giải pháp là “tách tiền ra khỏi chính trị”. Một số nhà phân tích nói nay người ta có thể “mua các chính trị gia một cách hợp pháp” tại Hoa Kỳ vì những người ủng hộ giới tài phiệt đã có mặt tại cả Tòa Tối cao Hoa Kỳ, chứ không chỉ trong chính phủ và quốc hội.

Theo DNSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eleven − four =

To Top