Connect with us

“Bong bóng” 47 tỷ USD của WeWork xì hơi: Hồi chuông cảnh tỉnh cho giới đầu tư

Tin quốc tế

“Bong bóng” 47 tỷ USD của WeWork xì hơi: Hồi chuông cảnh tỉnh cho giới đầu tư

Trong thời đại của làn sóng công nghệ cuộn chảy, nhờ mang danh công ty công nghệ với mô hình tạo ra những giá trị làm thay đổi cả một ngành kinh doanh, nhiều startup đã được thổi giá trị vốn hóa lên mức không tưởng.

Bong bóng” giá trị của một số “siêu kỳ lân” trên thị trường, mà mới nhất là WeWork dường như đã xẹp hơi khi đối diện với thực tế ảm đạm vì kết quả kinh doanh thua lỗ khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên.

7 giờ 12 sáng một ngày cuối hè tại New York, thông tin đăng ký IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu) của WeWork được đăng tải đã “gây chấn động” trang web của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Việc nộp đơn đăng ký IPO (gọi là S-1) này của Wework là một điều đã được dự đoán từ trước. Đây là bước đi quyết định được chuẩn bị kỹ càng hướng tới việc IPO của startup công nghệ có giá trị cao nhất thế giới này, theo Business Insider.

“Giấc mơ” IPO sụp đổ 

Theo đó, với định giá 47 tỷ USD và tham vọng của nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành WeWork là Adam Neumann, mục tiêu của startup này không chỉ là kiếm tiền, hay cho thuê văn phòng, mà hơn cả là “thay đổi thế giới” như lời tuyên bố của Neumann. WeWork đã trở thành một biểu tượng sáng chói của thung lũng Silicon với sự táo bạo không biên giới và chẳng tuân theo quy luật kinh tế nào.

Trong ánh bình minh sáng sớm, hàng ngàn nhà đầu tư và nhà báo sẽ có cái nhìn trực quan đầu tiên về tình hình tài chính của công ty để có thể tự đánh giá xem WeWork có thực sự như nhà sáng lập tuyên bố là “đang trên con đường thống trị thị trường với lợi nhuận ở mức không tưởng” hay không.

Vậy mà mọi thứ bỗng chốc bỗng rơi xuống địa ngục. Hàng loạt những dòng tiêu đề tiêu cực bao phủ các mặt báo với tốc độ chóng mặt về việc lạm dụng quyền lực cá nhân, cách quản lý sai lầm và hành vi kỳ quái của Neumann.

Trong vòng 33 ngày, những lời đề nghị đầu tư bị hủy bỏ, định giá của WeWork đã giảm mạnh hơn 70%. Và Neumann, người tin rằng mình sẽ trở thành người đầu tiên trên thế giới với tài sản ngàn tỷ USD, cũng bị mất chiếc ghế CEO.

091019 wework 1

Được thành lập năm 2010, WeWork là sản phẩm của Neumann sau khi khởi nghiệp thất bại với mô hình kinh doanh giày cao gót nữ và quần áo trẻ em. Phần lớn hoạt động kinh doanh của WeWork là thuê không gian trong các tòa nhà, chia thành những phần nhỏ hơn và cho thuê lại sau khi tu sửa. Khách hàng chủ yếu là những người làm việc tự do, các startup hay doanh nghiệp khác với thời gian ngắn. Trong khi WeWork thường đi thuê 15 năm, những khách hàng có thể chỉ thuê 1 tháng…

Sau khi cáo bạch IPO được công bố vào tháng 8, kết quả kinh doanh thảm hại của WeWork cho thấy nó không có bất kỳ cơ sở gì để đạt tới con số định giá cao vút.

Đơn cử như trong bản cáo bạch IPO của WeWork, từ “Trung Quốc” được “kỳ lân” này đề cập hơn 170 lần, cho thấy viễn cảnh tươi sáng tại thị trường 1,4 tỷ dân trong bối cảnh công ty này đã sở hữu 115 tòa nhà tại 12 thành phố của Trung Quốc.

Điều này giúp Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2 của WeWork và tạo đà để SoftBank định giá ngất ngưởng đối với WeWork. Thế nhưng, kết quả kinh doanh ảm đạm không thể khiến “giấc mơ” của WeWork kéo dài mãi mãi.

Hồ sơ tài chính chỉ ra rằng, năm 2016 WeWork lỗ 430 triệu USD và con số này liên tục tăng lên gấp đôi sau mỗi năm, đạt gần 884 triệu USD năm 2017 và 1,6 tỷ USD vào năm ngoái. Ngoài sự thua lỗ ngay cả khi doanh thu tăng gấp đôi, hồ sơ IPO của WeWork còn phơi bày mâu thuẫn giữa người đứng đầu với doanh nghiệp, cho thấy một bộ máy độc tài tại startup này.

Trong vòng 4 tuần sau khi công bố bản cáo bạch IPO, giá trị vốn hóa của WeWork bốc hơi 37 tỷ USD, từ 47 tỷ USD rớt xuống chỉ còn lại vỏn vẹn 10 tỷ USD. Trước sự e ngại của các nhà đầu tư, WeWork đã chính thức hủy kế hoạch IPO dự kiến diễn ra ngày 30/9 vừa qua.

“Chúng tôi đã quyết định hoãn đợt chào bán công khai này để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty”, ông Artie Minson và Sebastian Gunningham, đồng Giám đốc điều hành của WeWork nói trong một tuyên bố. Minson và Gunningham đã nắm quyền điều hành công ty trước đó vài ngày sau khi Adam Neumann chính thức nộp đơn từ chức.

Giới đầu tư “bừng tỉnh” 

WeWork không phải “kỳ lân” duy nhất chứng kiến giá trị tuột dốc trong thời gian ngắn. Theo CBInsights, hiện tại trên thế giới có 403 startup kỳ lân hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực. Trong số đó, những startup thành công nhất được định giá tới hàng chục tỷ USD.

Đối với rất nhiều nhà đầu tư, thành công cuối cùng sẽ là công ty có thể chào bán cổ phiếu cho công chúng (IPO) và trở thành công ty niêm yết. Tuy nhiên, IPO không hẳn là dấu mốc đánh dấu sự thành công của một công ty kỳ lân. Theo thống kê của Information, rất nhiều startup được chú ý và đánh giá cao đã giảm giá trị trong thời gian ngắn sau IPO.

“Những công ty vẫn đang đốt tiền như Uber, Lyft và Peloton, hay có những nhà lãnh đạo quá quyền lực và cơ chế kiểm soát kém, đồng thời còn đang lỗ như We Company – công ty chủ quản của WeWork – đều phải đối diện với những cái nhìn nghi hoặc từ thị trường”, nhà phân tích Carleton English của Information chia sẻ với truyền thông.

Business Insider nhận định rằng, mô hình kinh doanh của WeWork sai ngay từ đầu. Công ty này còn hoạt động nhờ các nhà đầu tư vẫn đủ ngu ngốc để đổ tiền vào nó.

Việc WeWork phải hủy bỏ kế hoạch IPO và giá cổ phiếu Uber hay Lyft tuột dốc không phanh khiến giới đầu tư Silicon Valley đứng ngồi không yên.

Theo tiết lộ của nguồn tin Bloomberg, các nhà đầu tư và giám đốc hàng trăm công ty vừa tham gia cuộc họp tại thung lũng Silicon hôm 1/10 để thảo luận mô hình phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Phố Wall.

Nội dung thảo luận xoay quanh việc tìm ra giải pháp thay thế mô hình IPO sau khi hàng loạt startup đình đám như Uber, Lyft chứng kiến giá cổ phiếu tuột dốc không phanh sau khi lên sàn.

Kể từ khi Uber IPO tiến hành hồi tháng 5 và đạt giá trị vốn hóa gần 76 tỷ USD, giá cổ phiếu của hãng sụt giảm khoảng 30% do tình hình kinh doanh ảm đạm. Trong phiên giao dịch ngày 1/10 cổ phiếu Uber giảm xuống mức thấp kỷ lục, còn 29,15 USD khiến giá trị vốn hóa của Uber hiện chỉ còn khoảng 49 tỷ USD.

Trong khi đó, giá cổ phiếu Lyft cũng tụt xuống mức thấp kỷ lục 39,57 USD. Giá trị vốn hóa của Lyft giảm xuống chỉ còn 11,6 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 24 tỷ USD sau IPO.

Sau lùm xùm WeWork và Uber, uy tín của SoftBank và tỷ phú đầu tư Nhật Bản Masayoshi Son cũng bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhà phân tích Chris Lane của Bernstein Research ước tính, SoftBank sẽ lỗ khoảng 2-2,4 tỷ USD từ khoản đầu tư gần 11 tỷ USD vào WeWork. Tuy nhiên, nhà phân tích Kentaro Harada của SMBC Nikko Securities Inc cho rằng SoftBank có thể thiệt hại tới 5 tỷ USD.

“SoftBank giống như một chiếc xe đang lao đi trên đường với tốc độ quá nhanh. Nếu các vấn đề vừa qua buộc SoftBank phải cẩn trọng hơn với các khoản đầu tư thông qua Vision Fund cũng sẽ là một điều tốt”, Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Toshiyasu Ohashi của Daiwa Securities (Nhật Bản) nhận định.

Theo vneconomy

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

two × 4 =

To Top