Connect with us

Báo in đối phó với tăng giá giấy

Tin trong nước

Báo in đối phó với tăng giá giấy

Giá giấy in báo tăng nhưng các tờ báo khó có thể tiếp tục tăng giá bán trong thời kỳ mọi chi phí sinh hoạt đều tăng. Để tồn tại, chia sẻ lợi nhuận trong lúc khó khăn là việc cần làm lúc này.

Giá tăng liên tục

Sau những nỗ lực duy trì sản xuất với mức tăng giá khá “khiêm tốn” khoảng 5% kể từ cuối năm ngoái, đến tháng 3/2011, các doanh nghiệp giấy đã phải quyết định gạt bỏ phương châm “giữ giá để giữ khách”. Có nhiều lý do dẫn tới việc tăng giá đợt này của các doanh nghiệp sản xuất giấy, từ việc tăng giá điện, giá xăng, dầu, thay đổi tỷ giá đến tăng lãi suất ngân hàng, tăng chi phí vận chuyển giấy nhập khẩu… khiến chi phí sản xuất giấy tăng lên. Tăng giá giấy đang là nỗi đau đầu của những ngành sử dụng giấy là nguồn đầu vào chủ yếu, trong đó có các tờ báo, tạp chí.

Theo thông báo của Tổng công ty Giấy Việt Nam, kể từ 15/4/2011, giá bán các loại giấy in và viết sẽ tăng bình quân 5,7%. Thế nhưng đây lại không phải là lần tăng duy nhất trong vòng 3 tháng qua bởi trước đó, từ 1/3, giá giấy Bãi Bằng đã được tăng lên 5,7%. Tương tự, giá giấy của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai cũng đã có 2 lần tăng giá kể từ giữa tháng 3/2011 đến nay với mức tăng trung bình khoảng 10% mỗi lần, hiện đang ở mức 16,1 triệu đồng/tấn giấy in báo. Đây là những bước tăng giá khá thận trọng của 2 doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần trên thị trường giấy trong nước bên cạnh việc tăng giá liên tục của các doanh nghiệp giấy quy mô vừa và nhỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Dòng, Giám đốc Công ty in Trần Phú, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, giá giấy in báo Tân Mai từ đầu năm tới nay đã tăng tới 3 lần, việc này khiến nhà in phải tính tăng giá in lên cho các tờ báo. “So với đầu năm, giá giấy đã tăng mạnh. Nhưng giá in không thể tăng đủ mà thường phải thấp hơn, đó là cái khó cho các nhà in. Trong khi đó, chi phí in tăng không chỉ do giá giấy mà còn nhiều thứ giá khác tăng như điện, nước, nhân công, các nguyên vật liệu khác cũng nhập bằng đô la nên giá cũng tăng lên theo như mực, mỡ, bản kẽm, cao su, hóa chất… Tính chung chi phí in báo tăng khoảng 10-15%. Chúng tôi đang trong quá trình thương lượng với từng cơ quan báo chí để thỏa thuận giá in tăng bao nhiêu, lộ trình như thế nào. Theo tôi biết đến thời điểm này chưa có tờ báo nào tăng giá bán”, ông Dòng cho biết.

Cùng chia sẻ khó khăn

Giá giấy tăng là lý do chính khiến chi phí in báo, tạp chí tăng lên, tiếp tục tạo thêm thách thức cho báo chí in vốn đang trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các loại hình báo chí khác. Theo ông Nguyễn Hữu Điệp, Phó phòng Kế toán Hành chính trị sự Tạp chí Lao động và Xã hội, đến thời điểm này, đơn vị chưa nhận được thông báo tăng giá in từ phía nhà in, tuy nhiên thực tế giá in đã tăng từ năm 2010 cộng với việc tăng cước phát hành của bưu điện nên từ đầu năm 2011, giá bán tạp chí này đã tăng từ 9.500 đồng lên 10.000 đồng. “Do chủ yếu phát hành trong ngành nên chúng tôi có may mắn không bị giảm lượng phát hành do tăng giá. Nhưng nếu giờ giá in tiếp tục tăng vì lý do tăng giá giấy thì cũng không thể tăng giá bán được bởi như vậy sẽ rất có khả năng mất khách hàng. Do đó chắc chắn sẽ phải dùng các khoản thu khác để bù đắp”, ông Điệp cho biết.

Đại diện một tờ báo ngành cho biết, đơn vị này mới nhận được thông báo từ nhà in sẽ tăng giá 5% sau đợt tăng với mức tương đương hồi đầu năm. Theo mức giá in mới, nếu vẫn giữ giá bán hiện hành là 3.000 đồng/tờ 16 trang thì giá bán chỉ bằng giá in, đơn vị bị lỗ hoàn toàn chi phí nhuận bút, phát hành. In càng nhiều thì lỗ càng lớn đang là thực trạng chung của các tờ báo in. Nhiều báo đã tính tới việc sử dụng loại giấy kém chất lượng hơn hoặc thay đổi khổ báo để tiết giảm chi phí.

Quan điểm của ông Nguyễn Văn Dòng về giải pháp vượt qua khó khăn trong thời điểm này là các nhà in và tòa soạn báo cùng chia sẻ chi phí tăng lên. “Năm nay sẽ là năm khó khăn nhất từ trước tới nay đối với ngành in. Khi giá tăng lên thì cả 2 bên đều thiệt, nhà in không thể tiếp tục tiết giảm lợi nhuận bởi tỷ suất lợi nhuận của ngành in vốn đã rất thấp, đến một lúc nào đó sẽ lỗ. Tuy nhiên, nhà in cũng không thể tăng đầy đủ chi phí mà phải chia sẻ với các tờ báo. Cùng với việc đẩy mạnh tiết kiệm, hiện Hiệp hội in VN cũng kêu gọi các nhà in căn cứ các chi phí đầu vào tăng lên để có điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng khách hàng“, ông Dòng nói.

Theo ICT News

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twenty + 6 =

To Top