Tin trong nước
Bán lẻ: Đua lấy tiếng, ganh lấy hình
Bán hàng trên truyền hình (home shopping) đã xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng bây giờ mới thật sự nhộn nhịp. Hiện nay, kênh mua sắm này đang tạo ra một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.Nở rộ home shopping
Trên thế giới, bán hàng trên truyền hình được xem là một phương thức hiệu quả, tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng. Tại Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây, kênh bán hàng này đã bắt đầu phát triển và trở thành trào lưu mua sắm mới.
Theo thống kê chưa chính thức, hiện tại cả nước có khoảng 10 kênh truyền hình bán hàng phát sóng 24/24, như: Home Shopping Network trên kênh SCTV, Viet Home Shopping trên HTVC+, TVS-VHS trên SCTV5, TV Shopping trên VCTV11…
Đầu tháng 7/2011, thị trường chứng kiến sự xuất hiện một kênh bán hàng qua truyền hình mới là SCJ Life On. Đây là liên doanh giữa thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực bán hàng trên truyền hình của Hàn Quốc SJ O Shopping và Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist. Kênh bán hàng này chuyên cung cấp các sản phẩm kỹ thuật số, thiết bị gia dụng, mỹ phẩm, thời trang… chất lượng cao.
Nhận thấy tiềm năng thị trường còn khá lớn, ngày 1/10, Saigon Co.op chính thức tuyên bố gia nhập “đội ngũ bán hàng trên truyền hình” bằng kênh mua sắm HTVCo.op.
Khác với những kênh bán hàng trên truyền hình đã có mặt trên thị trường lâu nay, HTVCo.op chỉ kinh doanh hàng trong nước. Không những thế, với thời lượng phát sóng 24/24, ngoài thông tin về hàng hóa, giá cả, người tiêu dùng còn nắm được thông tin về hàng Việt thông qua chương trình tin tức, phóng sự, giải trí nhẹ nhàng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho rằng: “Với sự tiến bộ của công nghệ thông tin truyền thông, trong những năm gần đây, người tiêu dùng đã dần quen thuộc với loại hình mua sắm trên truyền hình.
Triển khai kênh mua sắm này, chúng tôi mong muốn có thêm cơ hội đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam để cung cấp những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.
Và hy vọng đây sẽ là cầu nối gắn kết nhà sản xuất với người tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt”.
Đánh giá về sự ra đời của HTVCo.op, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng thừa nhận: “Thời gian qua, rất nhiều hàng hóa nước ngoài quảng cáo rầm rộ để thu hút khách hàng, chiếm thị phần.
Trong khi đó, với năng lực nhỏ lẻ, các DN Việt Nam không thể đưa hàng hóa của mình lên sóng truyền hình để bán vì chi phí quảng cáo trên truyền hình quá lớn. Nay kênh truyền hình này sẽ là cơ hội cho các DN Việt quảng bá hàng hóa”.
Cạnh tranh giành thị phần
Ngay khi có mặt tại Việt Nam, SCJ đã đặt tham vọng trở thành công ty bán lẻ số 1 tại Việt Nam. Ông Uhm Joo Hwan, Tổng giám đốc SCJ TV Shopping, cho biết, trong năm đầu tiên, SCJ sẽ có mặt tại 8 thành phố lớn: Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và tiếp tục mở rộng mạng lưới dịch vụ trên toàn quốc.
Hiện tại, kênh mua sắm này đang thực hiện các thủ tục cần thiết để mở rộng việc bán hàng. Để cạnh tranh với “thương hiệu mạnh” này, các kênh mua sắm khác như: Viet Home Shopping, Home Shopping Network, TV Shopping… ra sức đẩy mạnh việc “phủ sóng” sang những tỉnh, thành lân cận như: Bình Dương, Cần Thơ, Long An…
Không chỉ thế, các DN này còn đầu tư mạnh cho phương thức bán hàng trên truyền hình.
Trước đây, hầu hết các chương trình quảng bá sản phẩm đều sử dụng hình ảnh của nước ngoài để thuyết minh cho sản phẩm, nhưng nay, để tăng tính thuyết phục và phù hợp với thị trường trong nước, các DN này đã thực hiện các chương trình với người Việt và hàng Việt.
Chưa kể họ còn chọn khá kỹ đối tượng để quảng bá. Thông thường, mua hàng qua kênh này là những người bận rộn nhưng có thu nhập cao, nên hầu hết sản phẩm đều xoáy vào những tiện ích trong gia đình như: bộ dụng cụ làm bếp đa năng, vật dụng làm sạch nhà cửa, đồ gia dụng…
Có thể thấy, sự cạnh tranh giữa các kênh home shopping ngày càng gay gắt, nhất là sau khi HTVCo.op – kênh bán hàng Việt do Saigon Co.op đầu tư được thử nghiệm cách đây hơn ba tháng.
Chính vì vậy, thời gian gần đây, các kênh bán hàng trên truyền hình bên cạnh những mặt hàng ngoại là thế mạnh đã đưa thêm hàng nội vào khai thác.
Trong đó có nhiều sản phẩm thương hiệu Việt có uy tín như: đồ gia dụng Sunhouse, Goldsun, Happy Cook, yến sào Yến Việt, nữ trang PNJ, nội thất Picenza, An Duong Home Centre… Không chỉ kinh doanh sản phẩm có chất lượng, nhà kinh doanh còn đưa ra mức giá tương đương với giá thị trường.
Thậm chí, nhiều kênh còn thực hiện khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho khách đặt hàng. Ngay như kênh Happy Shopping của Công ty Mua sắm Hạnh Phúc trước đây bị phạt vì bán hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu… nay cũng thực hiện phương thức bán hàng cho đổi trả trong vòng 7 ngày. Ngoài ra, DN này còn dán tem chống hàng giả cho tất cả các sản phẩm bán ra thị trường.
Không còn nghi ngờ gì nữa, chính sự ra đời của HTVCo.op đã khiến cho thị trường này ngày càng nhộn nhịp. Và cũng chính HTVCo.op, kênh quảng bá hàng Việt, là một trong những nhóm có nhiệm vụ quan trọng trong tuyên truyền, thông tin quảng bá về chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã giúp tăng thêm sự cạnh tranh cho DN trong nước với nước ngoài, cho hàng Việt với hàng ngoại.
Theo DNSG
