Connect with us

Ai sẽ mua lại các tài sản ở Việt Nam của công ty dầu khí ConocoPhilips?

Tin trong nước

Ai sẽ mua lại các tài sản ở Việt Nam của công ty dầu khí ConocoPhilips?

Ai sẽ mua lại các tài sản ở Việt Nam của công ty dầu khí ConocoPhilips? Đó là một chủ đề đang được quan tâm sau khi doanh nghiệp này xác nhận kế hoạch bán cổ phần của mình trong các dự án tại Việt Nam.

Trung tuần tháng 5, ConocoPhilips đã xác nhận kế hoạch bán cổ phần của họ trong ba công trình khai thác dầu và khí đốt tự nhiên tại Việt Nam. Việc tái cơ cấu hoạt động tại Việt Nam được giải thích là để có thanh khoản mua lại cổ phiếu và đẩy mạnh tăng trưởng, đồng thời giảm bớt sự hiện diện tại một khu vực không đáng kể trong hoạt động kinh doanh của họ. Vào năm ngoái, thông qua một chương trình công bố một năm trước đó, công ty này đã bán được khoảng 7 tỷ USD tài sản.

Khối tài sản tỷ đô

Theo ước tính của chuyên gia Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), giá trị các tài sản của ConocoPhilips tại Việt Nam lên đến khoảng 1,5 tỷ đô la. Hiện ConocoPhillips đang nắm 23,3% cổ phần trong một cụm gồm 5 mỏ dầu thuộc lô 15-1; 36% cổ phần của mỏ Rạng Đông trong lô 15-2 tại khu vực bể Cửu Long và 16,3% trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn.

Năm 2009, trong sản lượng 16,2 triệu tấn dầu thô khai thác được ở trong nước, đóng góp của Công ty điều hành chung Cửu Long JOC ở các mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng tại lô 15-1 là 5,22 triệu tấn; chỉ sau mỏ Bạch Hổ – Rồng (6,5 triệu tấn) hiện do Vietsovpetro quản lý. Xếp thứ 3 về sản lượng khai thác trong tổng số nói chung là khu mỏ Rạng Đông và Phương Đông thuộc lô 15-2 với 1,38 triệu tấn.

Còn sang tới năm 2010, sản lượng khai thác dầu từ lô 15-1 tuy vẫn đứng vị trí số 2 nhưng có sự sút giảm so với năm 2009, chỉ đạt 4,26 triệu tấn. Còn ở lô 15-2 là 1,18 triệu tấn. Kế hoạch đặt ra cho năm 2011 của mỏ Sư Tử Vàng – Sư Tử Đen ở lô 15-1 là 4 triệu tấn dầu thô và cho mỏ Rạng Đông, Phương Đông ở lô 15-2 chưa đến 1 triệu tấn. Dĩ nhiên các nhà đầu tư cũng rất hy vọng vào việc gia tăng sản lượng của các mỏ này trong tương lai khi ở mỏ Sư Tử Trắng, Sư Tử Đen Đông Bắc ở lô 15-1 cũng đã đón các dòng dầu đầu tiên và đang bám sát kế hoạch đặt ra về khai thác thương mại vào giai đoạn 2011-2013. Trong khi đó, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn gồm 3 dự án thành phần là đường ống dẫn khí từ các mỏ về bờ dài 378,5 km; Trạm xử lý khí Nam Côn Sơn tại Dinh Cố (Bà Rịa-Vũng Tàu) và tuyến ống từ trạm xử lý khí đến Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ dài 29 km có tổng vốn đầu tư được quyết toán là 426,8 triệu USD. Nếu xét tới con số 60 triệu USD lợi nhuận mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thu được từ tháng 11/2002 tới cuối năm 2005 cho 51% cổ phần của mình (gấp 3 lần số cổ phần của Conoco Phillips) thì với khoảng 20 triệu USD, đây cũng là khoản tiền đáng kể.

Dù có thể lợi nhuận của các công trình này chưa như mong muốn của Conoco Phillips nhưng nó vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư khác. Ngoài một số đối tác đến từ Ấn Độ hay Trung Quốc, đối tác Việt Nam trong các công trình này – cụ thể là PVN và các đơn vị thành viên của mình – cũng được nhắc tới. Dĩ nhiên các đối tác nước ngoài còn lại là Korea National Oil Corp và SK Corp (Hàn Quốc), cùng với Công ty Geopetrol (Pháp) trong lô 15-1 hay Công ty Dầu khí Việt – Nhật (JVPC) nắm giữ 46,5% cổ phần trong khai thác dầu ở mỏ Rạng Đông ở lô 15-2 hoặc TNK-BP với 32,7% cổ phần trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn cũng có những cơ hội nhất định nếu muốn gia tăng phần nắm giữ của mình tại các dự án này.

“Ôm” được không dễ

Một quan chức của PVN cho hay, việc mua lại cổ phần của ConocoPhillips không chỉ đơn thuần mang tính kinh tế mà còn có cả ý nghĩa trách nhiệm. Xét về mặt kinh tế, nếu so với phần dầu được chia của PVN từ việc đầu tư tại các mỏ ở nước ngoài như Lô PM 304, Lô SK 305 (Malaysia) hay Nhenhexky (LB Nga) mà năm 2009 mới là 0,1 triệu tấn và năm 2010 là 0,22 triệu tấn thì có thể nhìn thấy ngay lợi ích kinh tế từ các lô 15-1 và 15-2 nếu PVN có được cổ phần của Conoco Phillips.

Tuy nhiên, dù mong muốn mua được cổ phần, đồng thời có quyền ưu tiên nhất định, bởi là đối tác trong dự án, thì việc PVN có mua được cổ phần hay không lại là một câu chuyện khác.

Ở lần bán tài sản của BP trước đó tại Dự án khai thác khí tại mỏ Lan Tây – Lan Đỏ, đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, Nhà máy điện Phú Mỹ 3, các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, các tài sản được lựa chọn bán của BP tuy có lợi nhuận để hấp dẫn người mua nhưng không phải là các dự án có thể tạo ra lợi nhuận đột biến trong tương lai gần.

PVN khi đó cũng bày tỏ ý định mua lại các phần tài sản này, mà một trong số các mục tiêu nhắm tới là nhằm gia tăng lợi ích kinh tế của mình, nhất là trước thực tế khai thác dầu ngày càng khó khăn, sản lượng chưa có sự gia tăng đột biến. Tuy nhiên, rốt cuộc BP-TNK, một liên doanh của BP với các đối tác Nga đã trở thành chủ mới của các tài sản này, dù cho tới thời điểm hiện nay, các thủ tục về mặt pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Mặt khác, dù nhìn thấy những cơ hội nhất định về kinh tế trong 3 dự án kể trên, PVN cũng còn nhiều mối bận tâm khác ở hàng loạt các dự án tỷ đô của ngành dầu khí. Đơn cử như Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có quy mô hơn 6 tỷ USD được kỳ vọng sẽ ký hợp đồng EPC vào cuối năm 2010 và khởi công trong đầu năm 2011, nhưng hiện vẫn chưa công bố nhà thầu chính thức. Một quan chức khác của PVN thừa nhận sự chậm trễ của dự án so với kế hoạch đã định nhưng cũng không đưa ra được mốc thời gian chính xác cho các bước tiếp theo. Trong số ít các vướng mắc còn lại hiện nay, câu chuyện cân đối, đảm bảo ngoại tệ cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài vẫn chưa đạt được sự đồng thuận giữa nhà đầu tư với các cơ quan hữu trách. Trong khi với quy mô “khủng”, khi đi vào hoạt động, Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể cần tới hơn 20 triệu USD/ngày.

Tại một dự án tỷ đô khác của ngành dầu khí là Tổ hợp hóa dầu Miền Nam tại Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), có quy mô gần 4 tỷ USD, PVN tham gia 18% cùng với đối tác Việt Nam khác là Vinachem (tham gia 11%), hiện vẫn chưa tới phần xây dựng nhà máy chính, sau khi đã làm lễ khởi công vào cuối năm 2008. Ngoài việc đối tác Thái Lan trong Tổ hợp hóa dầu Miền Nam đã phải tìm kiếm thêm cổ đông khác để chia sẻ trách nhiệm, bởi những khó khăn tài chính do khủng hoảng kinh tế thế giới thời gian qua, hiện dự án đang kiến nghị hàng loạt ưu đãi để đạt hiệu quả nhanh hơn. Các đề nghị bao gồm miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, xúc tác, hóa phẩm trong thời hạn 30 năm; áp thuế nhập khẩu với các sản phẩm chính của dự án gồm PE, PP, VCM, NaOH là 5% khi dự án đi vào hoạt động; miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các nguyên liệu thô đưa vào sản xuất trong 30 năm… Tuy nhiên, những đề xuất này cũng được các chuyên gia tài chính cho là không dễ dàng được chấp nhận trong điều kiện hội nhập mạnh như hiện nay.

Ở một dự án tỷ đô khác đã đi vào hoạt động là NMLD Dung Quất, việc tìm kiếm nhà đầu tư để bán lại 49% cổ phần đã được PVN nhắc tới cách đây 2 năm nhưng hiện vẫn chưa tìm được “nhà giàu” chịu chi.

Bởi vậy, dù có thể thấy ngay lợi ích kinh tế khi có được các tài sản dầu khí của ConocoPhilips nhưng vấn đề thu xếp tài chính cũng là một thách thức không hề nhỏ, nhất là khi số tiền mà ngân sách dành lại cho ngành dầu khí đầu tư trong năm nay chỉ khoảng 3.500 tỷ đồng, tức là chưa đến 200 triệu USD.

Theo Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

one × 1 =

To Top