Tin quốc tế
Cái chết của thời trang nhanh tác động đến ngành may mặc châu Á như thế nào?
Trong nhà máy rộng lớn của Tuntex ở ngoại ô Jakarta, những chiếc xe tự hành chạy khắp sàn cửa hàng, mang theo vật liệu giữa các trạm cắt tự động, tạo ra những mảnh vải theo mẫu và máy may bán tự động, nơi có hơn 1.000 công nhân giám sát việc xây dựng hàng may mặc thành phẩm.Tuntex, nhà cung cấp cho Adidas, Nike, Puma và nhiều hàng thời trang toàn cầu khác, vốn đã luôn luôn phải nhanh, phải quay vòng sản phẩm nhanh hơn các đối thủ để cạnh tranh trong vòng tuần hoàn không ngừng nghỉ của thị trường “thời trang nhanh” (fast fashion). Nhưng ngày nay, áp lực lên công ty thậm chí còn phải nhanh hơn nữa, phản ứng nhanh nhạy hơn nữa.
“Thời gian trung bình để hoàn thành sản phẩm đã giảm từ 120 ngày xuống 90 ngày cách đây 4 năm và bây giờ là 60 ngày. Một số nhà sản xuất thậm chí còn thực hiện với thời gian ngắn hơn nhiều”, ông Stanley Kang, Phó tổng giám đốc của Tuntex nói. “Tự động hóa và số hóa đang thay đổi mọi thứ, và khi mọi thứ thay đổi, chúng tôi phải thay đổi. Ai có thể làm nhanh hơn thì sẽ giành chiến thắng”, ông Kang cho biết.
Yêu cầu về tính linh hoạt cao đến mức các đơn đặt hàng áo thun cho bóng đá thậm chí có thể in luôn kết quả của một trận đấu, ông Kang cho biết.
Tuntex, giống như nhiều công ty khác trong chuỗi cung ứng của ngành may mặc trị giá 1,4 nghìn tỷ USD. Công ty cũng đang đầu tư hàng triệu USD mỗi năm vào công nghệ và các quy trình mới, khi sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng định hình lại ngành này. Thời đại của “thời trang nhanh” giá rẻ, sắp hết và nó sắp được thay thế bằng một mô hình mới thiên về tốc độ, độ chính xác, khả năng truy tìm nguồn gốc và khả năng đáp ứng với số lượng lớn.
Để điều chỉnh, các nhà cung cấp đang chuyển trung tâm sản xuất của họ tới gần hơn với cơ sở hạ tầng, nguyên liệu thô và thị trường cuối cùng của họ, cho phép họ tiết kiệm thời gian quý giá trong vòng đời sản phẩm. Và họ cũng đang đầu tư mạnh vào tự động hóa và số hóa, khi công nghệ ngày một tiên tiến hơn.
Sự thay đổi của ngành công nghiệp may mặc có thể gây ảnh hưởng lớn tới các quốc gia ở Nam và Đông Nam Á, đang là đầu mối cung cấp những thành phần cơ bản nhất của chuỗi cung cấp dệt may toàn cầu. Nó có thể dẫn đến sự kết thúc cuộc chạy đua toàn cầu kéo dài 7 thập kỷ qua trong việc giảm lương nhân công, khi tự động hóa hoàn toàn sẽ thay đổi triệt để cách thức ngành công nghiệp này thu lợi nhuận, đồng thời đe dọa hàng triệu công nhân tay nghề thấp trên khắp thế giới.
“Tôi nghĩ đối với các quốc gia như Bangladesh và thậm chí cả Campuchia, xưa giờ họ nghĩ chỉ cần làm những điều cơ bản”, ông Sanchita Banerjee Saxena, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Nam Á tại Đại học California, Berkeley nói. “Bây giờ hoàn cảnh đang thay đổi, ngành công nghiệp này cần phải suy nghĩ lại, và làm thế nào họ có thể tiến lên các bậc cao hơn trọng chuỗi giá trị, làm thế nào để có thể đa dạng hóa. Bây giờ, tôi nghĩ họ thực sự sẽ phải thay đổi. “
Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ toàn cầu
Việc cải tổ chuỗi cung ứng là hệ quả của những thay đổi địa chấn trong ngành thời trang. Các chuỗi bán lẻ chuyên về sản phẩm có biên lợi nhuận thấp, thời hạn sử dụng ngắn vào đầu những năm 2000 đang gặp khó khăn. Thương hiệu Forever 21 của Mỹ là hãng tên tuổi mới nhất phải đệ đơn phá sản tại Mỹ hồi tháng 9 vừa qua. Họ gia nhập danh sách các thương hiệu như Barneys, Diesel và Roberto Cavalli, cũng như nhà sản xuất giày Rockport đã phá sản chỉ trong 2 năm qua.
Các thương hiệu thời trang online như Asos có thể cạnh tranh nhờ đáp ứng nhanh hơn với các xu hướng thời trang khi họ đẩy mạnh tiếp cận người tiêu dùng qua Instagram và các mạng xã hội khác. Các nhà bán lẻ online như Stitch Fix đang giành nhiều khách hàng nhờ sử dụng thuật toán hiểu được sở thích cá nhân của khách hàng từ đó đề xuất những sản phẩm phù hợp.
Các đại gia bán lẻ, như Inditex, chủ sở hữu thương hiệu Zara toàn cầu, công ty mẹ của Uniqlo, Fast Retailing, cùng với H&M, đã đầu tư vào công nghệ để cải thiện trải nghiệm của khách hàng tại cửa hàng, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu và “hậu cần thông minh” để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Những động thái này nhằm đảm bảo rằng thời trang họ phù hợp đúng thị hiếu của khách hàng, vào đúng thời điểm.
“Tốc độ sẽ là tên của trò chơi … tốc độ và kiểm soát”, ông Ricardo Perez Garrido, giáo sư về đổi mới kỹ thuật số và hệ thống thông tin tại IE Business School ở Madrid cho biết. “Điều đó có nghĩa là thiết kế theo hướng phục vụ những gì khách hàng thích, vận hành để đặt sản phẩm đúng chỗ và công nghệ để làm cho nó siêu nhanh, siêu hiệu quả . Nếu bạn kiểm soát ba lĩnh vực đó, bạn sẽ trở thành bất khả chiến bại.”
Các cửa hàng của Zara sẽ thường có những dòng sản phẩm khác nhau dù ở cùng một thành phố, với hàng hóa được lựa chọn cẩn thận đáp ứng yêu cầu “địa phương hóa” khách hàng. Đồng thời, họ nhanh chóng chuyển đổi sản phẩm và phản ứng nhanh với các xu hướng thay đổi. Một cửa hàng Zara riêng lẻ có thể đặt hàng các lô sản phẩm nhỏ, đánh giá phản hồi và sau đó “không vận” lô sản phẩm bổ sung để lấp đầy kho chỉ trong vài ngày!
Yêu cầu về tốc độ kéo theo sự thay đổi về chuỗi cung ứng
Nhu cầu về tốc độ đã bắt đầu đảo lộn chuỗi cung ứng mà các công ty may mặc đã dành trong vài thập kỷ qua để xây dựng. Trong một nỗ lực không ngừng để cắt giảm chi phí, các nhà cung cấp không ngừng chuyển cơ sở sản xuất của họ trong và giữa các quốc gia châu Á để tìm kiếm nguồn nhân công rẻ và chi phí rẻ hơn.
Điều đó đã mở rộng chuỗi cung ứng của họ trên khoảng cách địa lý khổng lồ: hàng ngàn kilomet giữa các nhà máy vải đến nhà máy may, và cách xa điểm đến cuối cùng của họ tới hàng tuần vận chuyển bằng tàu. Chẳng hạn, hành trình của một sản phẩm Adidas hoặc Nike do Tuntex sản xuất tại Indonesia có thể bắt đầu cách đó gần 4.000 km trong nhà máy dệt của một công ty tại Đài Loan. Vải có thể cần gần một tuần để được vận chuyển đến được nhà máy may.
Còn hiện nay, các nhà sản xuất thời trang đang rút ngắn triệt để chuỗi cung ứng bằng cách di chuyển sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng của họ. Các nhà máy ở châu Âu hiện dường như được thiết kế phục vụ cho chính châu Âu.
“Thay vì đi qua một vòng tuần hoàn gồm thiết kế, đưa các nguyên liệu tới châu Á để sản xuất, rồi lại đưa sản phẩm trở lại, hầu hết các sản phẩm thời trang đang được sản xuất gần người tiêu dùng hơn, có nghĩa nó sẽ đắt hơn, nhưng cho phép rút ngắn vòng quay xuống chỉ còn 4-5 tuần”, Giáo sư Garrido chia sẻ.
…và nguồn lao động châu Á cũng đang bị đe doạ
Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết trong một báo cáo năm 2019, rằng có đến 80% trong số hơn 60 triệu việc làm trong lĩnh vực này có thể gặp rủi ro khi robot cắt và may tự động chiếm lĩnh các nhà máy. Điều đó có nghĩa là lực lượng lao động sẽ phải thích nghi với kỹ thuật hơn. Ông David Williams, người quản lý dự án Decent Work của ILO trong chuỗi cung ứng ngành may mặc ở châu Á, cho biết các vòng đầu tiên của tự động hóa đã dẫn đến một số lực lượng lao động trong khu vực bị ảnh hưởng.
Những quốc gia như Myanmar và Ethiopia đang cố gắng đặt mình vào vị trí tiên phong của làn sóng tiếp theo và để mô phỏng sự thành công của Đài Loan và Việt Nam. Cửa sổ cơ hội của họ có thể đang đóng lại. “Mặc dù thời đại ‘đua đến đáy’ sắp kết thúc, nhưng điều này không có nghĩa là hàng may mặc sẽ không có vai trò trong tương lai công nghiệp hóa,” ông Williams nói. “Mặc dù có thể đúng là trừ khi họ vẫn nhanh nhẹn và triển khai công nghệ một cách thông minh, tuổi thọ chung của các ngành này có thể sẽ ngắn hơn trong những thập kỷ tới.”
Theo NCĐT