Chiến lược thương hiệu
4 tình huống nên đổi tên công ty
Trong vai trò chủ doanh nghiệp, bạn sẽ thường gặp gỡ và giao lưu với nhiều người, và khi đó, tên công ty của bạn cũng sẽ thường xuyên được nhắc đến trong đầu câu chuyện.Sẽ chẳng có gì phải bàn cãi nếu bạn đã chọn được một cái tên hay và ấn tượng, nhưng nếu chẳng may nhiều người bạn tiếp xúc tỏ vẻ thắc mắc và phải cố tìm sự liên quan giữa ngành nghề kinh doanh của bạn với cái tên bạn đặt cho công ty, khi ấy bạn chợt nhận ra có lẽ mình cần một cái tên khác. Nhưng liệu sự thay đổi mới này có hiệu quả không? Rồi khách hàng hiện tại có hoang mang khi cho rằng công ty bạn đã sang tên đổi chủ? Việc cân bằng những rủi ro và cơ hội khi đổi tên công ty thật sự là một thách thức khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, nhưng nếu bạn nhận ra mình đã lâm vào một trong bốn tình huống dưới đây thì hãy nhanh chóng nghĩ ngay tên khác cho công ty nhé.
1. Khi tên công ty không còn chính xác, hoặc dễ gây hiểu lầm
Một số công ty có xu hướng chọn tên công ty trùng với tên sản phẩm kinh doanh, thoạt nghe có vẻ hợp lý nhất là khi họ có một sản phẩm hoàn toàn tiên tiến, mới lạ trên thị trường còn khan hiếm. Nhưng đến một lúc nào đó, sản phẩm ấy trở nên quá phổ biến thì cái tên đã chọn sẽ chịu ảnh hưởng. CompUSA là một ví dụ điển hình. Khi thị trường máy vi tính đã trở nên bão hoà, cái tên CompUSA cũng mất luôn sức hút của nó. Radio Shack cũng gặp vấn đề tương tự và cuối cùng họ quyết định chọn tên mới là The Shack.
2. Khi tên công ty mang tính miêu tả, chung chung hoặc nôm na
Đây là tình huống khá nan giải. Thoạt nghe qua tên có vẻ ổn vì mọi người đều hiểu cả, nhưng khi công việc kinh doanh tiến triển thì cái tên này lại không có đủ sự khác biệt cần thiết. Ví dụ như trường hợp công ty Wholesale Landscape Supply (Công ty cung cấp sỉ vật liệu phối cảnh), cái tên này khiến người nghe nghĩ ngay đến một đề mục trong cuốn Những Trang Vàng. Khi mở rộng kinh doanh, họ không thể khiến khách hàng chú ý đến mình; thêm nữa, họ chỉ tập trung vào bán lẻ còn chuyện bán sỉ chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Về sau họ quyết định chọn tên mới là Big Earth. Những cái tên miêu tả, chung chung hoặc nôm na thường không để lại ấn tượng trong tâm trí người khác và dễ trở nên sai lệch khi công ty phát triển theo thời gian.
3. Khi tên công ty có gắn đến một địa danh nào đó
Điều này thường xuyên xảy ra. Một doanh nghiệp mới hay thích đặt tên mình kèm theo thành phố nơi họ đặt trụ sở, ví dụ như Công ty Địa ốc Pittsburg. Khi họ mở rộng phạm vi hoạt động và đặt chi nhánh ở nhiều địa điểm khác thì địa danh đi kèm trong tên không còn liên quan nữa. Mặt khác, khi khách hàng của họ có nhu cầu tìm kiếm đối tác ở thành phố khác, họ cũng nghĩ rằng công ty này chỉ hoạt động ở Pittsburg mà thôi. Thay vì đặt lại tên thương hiệu hoặc định vị lại, các công ty thường chi nhiều tiền truyền thông để khách hàng nhớ rằng họ có hoạt động ở nhiều thành phố khác nữa. Trừ phi bạn kinh doanh những mặt hàng đặc sản của địa phương, tốt nhất nên chọn một cái tên dựa trên đặc tính thương hiệu thay vì vị trí địa lý.
4. Khi công ty kế thừa tên cá nhân vốn không còn sức ảnh hưởng nữa
Trước khi đổi tên công ty, bạn nên đánh giá lại giá trị thương hiệu cũng như mức độ nhận biết bởi khách hàng hiện tại và tiềm năng. Có những công ty dù mang tên người sáng lập nhưng đã để lại dấu ấn trong tâm trí khách hàng như Ogilvy & Matther, nhưng lại có một số trường hợp những tên riêng này có thể gây khó khăn như khi bạn bán công ty mang tên mình đi thì sẽ thế nào? Hoặc nếu sáp nhập với một đối tác khác, bạn có cần thêm tên đối tác vào hay không? Nếu tên bạn khó nhớ, khó đọc hoặc tối nghĩa thì sao?
Trên đây là bốn trong số những tình huống nên đổi tên công ty. Quy trình thay đổi cần được cân nhắc và thực hiện cẩn trọng nhưng kết quả mang lại có thể vượt trên cả kỳ vọng, nhất là khi công ty của bạn đã tiến xa so với lúc mới thành lập. Nếu bạn từng phải thay đổi tên công ty, hãy chia sẻ kinh nghiệm tại đây để mọi người cùng tham khảo nhé.
DNA Branding – www.dna.com.vn
Tham khảo bài viết của Phillip Davis