Connect with us

Siêu thị di động đại chiến: Nhặt bạc nhỏ, gom tỷ đô

Tin trong nước

Siêu thị di động đại chiến: Nhặt bạc nhỏ, gom tỷ đô

Các đại gia bán lẻ thiết bị di động quyết đấu giành các vị trí tốp đầu trong cuộc đại chiến thu tiền lẻ nhưng gom cả ngàn tỷ.

Thị trường có quy mô hàng tỷ USD mỗi năm khiến cuộc đua tranh chiếm thị phần bán lẻ điện thoại di động trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Tranh phần với ông lớn

Ngày 14/7, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động chính thức lên sàn chứng khoán, được giới đầu tư trong và ngoài nước chú ý.

Sự ra mắt của ông lớn bán lẻ điện thoại di động MWG vào thời điểm hiện nay được đánh giá không hẳn đã thích hợp bởi TTCK vẫn chưa khởi sắc. Tuy nhiên, đây gần như là điều phải làm khi thực hiện các cam kết với các nhà đầu tư… để từ đó có đủ lực chống đỡ nhằm duy trì vị trí thống trị trên thị trường bán lẻ di động trước cuộc tấn công của các đối thủ khác.

DN đi đầu và đang đứng ở tốp 3 về bán lẻ điện di động là Viễn Thông A cũng đã mở rộng mạng lưới của mình lên 100 siêu thị và trung tâm bảo hành, trong đó có hơn 20 cửa hàng tại hệ thống siêu thị BigC, CoopMart và hơn 60 trung tâm smartphone trên toàn quốc.

Trong khoảng 2 năm gần đây, Nguyễn Kim cũng ồ ạt khai trương các siêu thị ở cả 3 miền Bắc, Trung Nam. Đại gia Sài Gòn này không mạnh ở mảng bán lẻ di động nhưng với vị thế số một về điện máy nên cũng không thể bỏ qua miếng bánh thiết bị di động.

Trước đó, một DN kinh doanh bán lẻ điện thoại di động và điện máy khá lớn ở Hà Nội là Trần Anh (TAG) cũng đã lên sàn khá sớm với mục đích huy động vốn và quảng bá thương hiệu.

Năm vừa qua, DN này chấp nhận lợi nhuận tụt giảm thậm chí có quý thua lỗ để mở mới hàng loạt các siêu thị mới với mục đích đua lên tốp 3 để tránh nguy cơ bị “biến mất” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt một mất một còn.

Giới đầu tư cũng chứng kiến sự vững vàng về quy mô của ông lớn điện thoại điện máy Chợ Lớn ở khu vực miền Nam và sự mở rộng không ngừng ở DN bán lẻ điện thoại, điện máy Mediamart và đại gia điện thoại di động Nhật Cường ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Bắc.

Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, nhà phân phối lớn trong làng điện thoại là FPT cũng đã nhảy vào cuộc kinh doanh bán lẻ với chuỗi FPT Shop. Và một DN khổng lồ khác là Viettel cũng tham gia vào lĩnh vực này với chuỗi Viettel Store.

Cuộc chiến khốc liệt

Có thể thấy, sự hấp dẫn trong mảng kinh doanh bán lẻ điện thoại di động đã khiến rất nhiều DN tham gia từ các đại gia lớn đến các cửa hàng nhỏ lẻ.

Báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường GfK, trong năm 2013, tổng doanh số của các sản phẩm điện tử – điện máy tại Việt Nam đạt khoảng 5,4 tỷ USD. Trong đó, số tiền dành cho điện thoại lên tới gần 2 tỷ USD, tăng thêm 33% so với năm trước đó.

Cũng theo đánh giá của GfK, MWG hiện chiếm khoảng 25%, tiếp theo là một số cái tên như Viễn Thông A, Nguyễn Kim, Nhật Cường…

Chỉ nhẩm tính sơ sơ cũng có thể thấy đây là một cuộc chơi nhặt tiền lẻ nhưng thu nghìn tỷ. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu rơi vào tay 5-7 DN dẫn đầu về thị phần. Đây có lẽ là lý do khiến các ông lớn ồ ạt mở thêm các siêu thị trên phạm vi cả nước, bất chấp hiệu quả kinh doanh giảm.

Cho tới thời điểm này, MWG đã có gần 240 cửa hàng tại 63 tỉnh, thành phố chuyên bán thiết bị di động, bên cạnh 13 siêu thị bán điện máy tập trung ở khu vực phía Nam. Viễn Thông A cũng có mạng lưới lên tới con số hàng trăm; Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Trần Anh… cũng vài chục.

Với FPT, ông lớn công nghệ này cũng đã mở được gần 130 cửa hàng trên phạm vi cả nước, trong khi đó Viettel đã mở 15 siêu thị lớn tại Hà Nội và TP.HCM.

Trong đại hội cổ đông 2014 vừa qua, ông Trần Xuân Kiên – Chủ tịch Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh cho rằng, 2013, kinh doanh điện máy trong đó có điện thoại di động là năm khó khăn nhất, thị trường cạnh tranh lại rất khốc liệt bởi số lượng siêu thị tăng lên chóng mặt. 

Hiệu quả kinh doanh giảm là tất yếu. Cũng theo đại gia này, trong 3 năm tới, thị trường sẽ quyết định hệ thống siêu thị nào còn tồn tại, cái nào sẽ biến mất.

Trên thực tế, không phải đến giờ cuộc đua giành giật thị phần bán lẻ điện thoại mới bắt đầu. Cuối năm 2006 giới kinh doanh cũng đã xôn xao về thông tin nhà phân phối lớn trong làng điện thoại di động FPT sẽ nhảy vào cuộc bán lẻ, rồi sau đó là những tín hiệu từ Viettel, MobiFone…

Tuy nhiên, ngay cả những người khổng lồ nói trên cũng không dễ nắm bắt được thị phần ở mảng bán lẻ điện thoại di động này. Trước đó, khá nhiều DN có hệ thống siêu thị diện thoại di động khá nổi tiếng cũng đã không cầm cự được trên thị trường này.

Chiến lược lớn nhất hiện nay của các DN có lẽ vẫn là chiếm thị phần, giành hoặc giữ lấy vị trí trong tốp 5, thậm chí tốp 3 rồi mới nghĩ tới sinh lời về sau. 

Đây cũng là điều cũng đã xảy ra ở các nước phát triển, nơi mà tốp 3 điện máy chiếm tới 60-80% thị phần. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh nảy lửa này nhiều DN có thể sẽ lụi tàn bởi đầu tư quá lớn, vốn vay nhiều mà lợi nhuận thấp kéo dài.

Theo NQVN

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

fifteen − 9 =

To Top