Tin trong nước
Vì đâu thương hiệu Việt “chết” trên sân nhà?
Nhiều thương hiệu Việt đã "chết" ngay trên sân nhà hoặc bị thao túng bởi các DN nước ngoài là biểu hiện khốc liệt của cuộc cạnh tranh trên thương trường, khiến các DN trong nước không thể không lo…49.000 doanh nghiệp phá sản
Theo thống kê của Tổng cục thuế, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã có gần 49.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa.
Trong đó, số doanh nghiệp phá sản, giải thể là 5.800 doanh nghiệp. “So với năm ngoái, số doanh nghiệp khó khăn, phải đắp chiếu này đã tăng lên 11.000 doanh nghiệp, một con số không hề nhỏ” – ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết.
Trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay mà theo nhận định có thể kéo dài vài ba năm nữa, sự chiếm hữu lẫn nhau giữa các doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi. Ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng phải lên tiếng khuyến khích các ngân hàng tái cơ cấu, trong đó đặc biệt quan tâm việc các ngân hàng tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập.
Trước đó, trong những lúc khó khăn khác nhau, nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị “cướp” bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Còn nhớ, một thời, kem đánh răng Dạ Lan đã làm mưa làm gió trên thị trường từ Bắc vào Nam, thậm chí bán được cả sang các thị trường nước ngoài khó tính.
Tuy nhiên, sau quá trình phát triển “nóng”, lại thiếu hệ thống quản trị trước “chiếc áo quá rộng”, năm 1995, thương hiệu này được bán cho công ty nước ngoài Colgate Palmolive.
Cùng đó, một loạt thương hiệu Việt khác, bằng cách này, cách khác, cũng đã và đang mất dần tên tuổi, như bánh trung thu Đồng Khánh, bia Laser, nước khoáng Vĩnh Hảo, ngói Hương Canh, xà bông Cô Ba, mỹ phẩm Thorakao…
Chông gai thương hiệu Tân Hiệp Phát
Mấy ngày qua, cái tên “Trà Dr.Thanh” của tập đoàn Tân Hiệp Phát xuất hiện nhiều bất thường trên các phương tiện truyền thông. Chỉ cần gõ cụm từ “Trà Dr.Thanh”, trong 0,25 giây, “ông trùm” tìm kiếm nhanh Google đã cho hơn 1,2 triệu kết quả.
Sự xuất hiện bất thường của nhãn hiệu này trên mạng bắt nguồn từ loạt bài đăng trên một tờ báo điện tử, phản ánh ý kiến của một khách hàng phía Nam tự nhận đã “mua phải lô hàng với hàng ngàn chai Dr.Thanh bị hỏng, vẩn đục, nước sủi bọt hoặc bên trong chai có dị vật”.
Ngay sau đó, nhiều tờ báo khác cũng vào cuộc, đăng tải lại hoặc cho hiển thị các bình luận với những chủ ý khác nhau.
Một chuyên gia kinh tế cho biết, vụ việc sẽ không đi quá xa, nếu như chúng ta có một niềm tin.
Cũng cần thấy rằng, với phương châm đầu tư “rủi ro cao, thắng lợi lớn”, tập đoàn Tân Hiệp Phát đã chấp nhận đầu tư rất lớn với hệ thống dây chuyền hiện đại nhất khu vực trị giá hàng trăm triệu USD, ứng dụng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về thực phẩm, nước uống…
Thế nhưng, “hào quang luôn đi với nước mắt”. Tập đoàn Tân Hiệp Phát với hơn 40 thương hiệu, trong đó có 3 thương hiệu quốc gia là No.1, Dr.Thanh và Trà Xanh Không Độ.
Cùng đó, nhiều thương hiệu của chính tập đoàn này cũng đã ra đi với những khoản tiền đầu tư cực lớn và công sức của hàng ngàn người lao động như bia Laser (đầu tư hơn 200 triệu USD, trà Barley, Cafe Vip…).
Trở lại câu chuyện liên quan Trà Dr.Thanh, đại diện tập đoàn Tân Hiệp Phát đã cung cấp những chứng cứ cụ thể, chứng mình sự “vô tội” của đơn vị này. Thế nhưng, dù có thế nào thì niềm tin của một số người tiêu dùng cũng đã giảm đáng kể.
Đâu là “chiếc phao”?
Trong suốt quá trình các thương hiệu Việt bị nước ngoài “cướp”, người ta đều thấy nổi lên sự khập khiễng: doanh nghiệp nước ngoài thường vốn lớn, kinh nghiệm nhiều, khả năng truyền thông mạnh hơn, trình độ khoa học kỹ thuật cao hơn.
Do đó, người Việt Nam muốn chiến thắng trong cuộc đấu này thì chỉ còn một cơ hội là niềm tin và sự tự hào dân tộc, được dấy lên từ mỗi cá nhân.
Còn nhớ, năm 2009, trong lúc khó khăn nhất của nền kinh tế, nhận thấy sức tiêu thụ trong nước rất lớn trong khi sản phẩm sản xuất trong nước lại không bán được, để ngỏ cho hàng ngoại lấn lướt, Bộ Chính trị đã kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngay sau đó, nền kinh tế đã thu được những kết quả đáng mừng. Và điều đáng mừng nhất có lẽ chính là người Việt đã tin vào sản phẩm do chính mình sản xuất.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu người Việt không đặt niềm tin vào sản phẩm của mình thì chắc chắn thương hiệu Việt vẫn chật vật trên sân nhà.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát bằng sự đầu tư vô cùng lớn, sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn khắt khe nhất nhưng nếu gặp nhiều “cú sốc” vô hình như những lời tố cáo chưa đủ căn cứ nhưng được đăng tải rộng rãi thì cũng “ăn vạ” dài dài.
Quan trọng hơn, với Tân Hiệp Phát, niềm tin của người tiêu dùng, niềm tự hào về sản phẩm nội đạt chuẩn quốc tế mới là “chiếc phao” cứu cánh.
Theo Người Đưa Tin