Connect with us

Chôm chôm vào thị trường Mỹ: Chỉ hy vọng ở trái vụ

Tin trong nước

Chôm chôm vào thị trường Mỹ: Chỉ hy vọng ở trái vụ

Sau thanh long, chôm chôm là mặt hàng trái cây tươi được Bộ nông nghiệp Mỹ cấp mã số xác nhận vùng trồng đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường Mỹ. 

Tuy nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi đã có động thái chuẩn bị trước vài tháng song những lô hàng chôm chôm đầu tiên sang Mỹ giá quá cao nên không “cất cánh” được. Điều đó chứng tỏ còn không ít thách thức phải vượt qua để chôm chôm xuất khẩu vào Mỹ.

Quá ít chôm chôm Global GAP

Chôm chôm được trồng tập trung nhiều ở Đồng Nai, Bến Tre. Sau nhiều năm vận động, cho tới nay, chôm chôm GAP chỉ có ở huyện Chợ Lách. Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho hay tổng diện tích chôm chôm đạt Global GAP là 26,3 héc ta, trong đó khoảng ¼ diện tích trồng chôm chôm nhãn, ¾ trồng giống java.

Với năng suất chôm chôm java 20-25 tấn/héc ta và chôm chôm nhãn 18-20 tấn/héc ta, giả sử loại trừ yếu tố mất mùa thì sản lượng chôm chôm Global GAP đạt khoảng 500-650 tấn, trong đó chôm chôm nhãn khoảng 100 tấn. Diện tích chôm chôm GAP nói trên chủ yếu cho thu hoạch đúng thời vụ (ước 80%). Đây là thời điểm dễ làm nhưng cũng là lúc giá rẻ nhất trong năm.

Trong tháng 7-8, doanh nghiệp Chánh Thu (Chợ Lách, Bến Tre) đã chuẩn bị 2 container (khoảng 25-30 tấn) cho doanh nghiệp Rồng Đỏ (TP HCM) xuất khẩu sang Mỹ nhưng vì giá chôm chôm tại thị trường Mỹ rất rẻ, nên không thực hiện được.

Công ty Rồng Đỏ trông chờ vào chôm chôm trái vụ, chưa kể đến các công ty có nhu cầu cung cấp chôm chôm tươi trái vụ sang châu Âu, Trung Quốc, cùng thời điểm có 2 công ty khác ở TPHCM và Bình Dương đang tính đưa chôm chôm trái vụ sang Mỹ.

Thị trường nội địa về chôm chôm trái vụ cũng có nhu cầu, nhất là các nhà hàng khách sạn trên 3 sao buộc trái cây phải có chứng nhận GAP. Vậy, chỉ có 100 – 150 tấn chôm chôm trái vụ (thu hoạch vào tháng 9-10) nên bài toán chôm chôm Global GAP có giá chấp nhận để vào thị trường Mỹ hầu như chưa có lời giải.

Lắm đối thủ cạnh tranh

Thái Lan, nhà cung cấp chôm chôm lâu đời và lớn nhất vào thị trường Mỹ với giống ronreng. Giống ronreng chất lượng cao hơn giống java: giòn, ngọt, tróc thì ai cũng đã biết nhưng Việt Nam không có để đưa sang Mỹ. Thái Lan áp dụng kỹ thuật thu hái, tách trái rời, đóng gói chôm chôm hộp giấy (3-5kg/hộp), phù hợp với bảo quản và đã “ưa mắt” người tiêu dùng Mỹ.

Các nhà xuất khẩu chôm chôm nguồn gốc từ Mehico vào Mỹ với giống java, ronreng và một số giống lai, chất lượng khá hơn java. Do rất gần nơi tiêu thụ, chi phí vận chuyển và bảo quản thấp, chôm chôm tươi tốt và giá rẻ. Malaysia, Indonesia, cũng có chôm chôm tham gia thị trường Mỹ với hai giống java và ronreng.

Dự kiến của doanh nghiệp xuất khẩu với Việt Nam là giống java và sẽ xuất thử chôm chôm nhãn. Chôm chôm nhãn của Việt Nam chất lượng khá tuy nhiên trái đạt mức độ lớn tương tự chôm chôm java thì rất ít (15-20%). Trên thị trường nội địa chôm chôm nhãn có giá khá cao và rất cao ở nhóm trái lớn nên khó thu mua để xuất khẩu với mục tiêu giá thành cạnh tranh.

 

Chôm chôm trái vụ có thể “bay” sang Mỹ

Đành rằng trên thị trường thì “tiền nào của nấy”; hàng nhập khẩu có thể chào và được chấp nhận giá cao do chi phí gia tăng bởi giá đầu vào, chi phí vận chuyển…nhưng quy luật giá cả quyết định tất cả vẫn luôn chi phối giá cả thị trường.

Một công ty xuất khẩu dự kiến giá bán lẻ chôm chôm java trái mùa của Việt Nam tại Mỹ lên đến 15 đô la/kg, tức trên 300.000 đồng/kg. Nếu đem so sánh giá chôm chôm tươi chính vụ, nên nhớ là chính vụ, từ Mehico xuất sang Mỹ (đường bộ) với giá thành 3,5 đô la/kg; chôm chôm từ Guatemala xuất bằng đường hàng không với giá 5,5 – 6 đô la/kg.

Do vậy có thể nói, Việt Nam đang đứng trước giả định: nếu thị trường có nhu cầu và chấp nhận giá cao, nếu có chuỗi giá trị gia tăng được chấp nhận, chôm chôm xuất khẩu trái vụ vẫn có thể vào thị trường Mỹ.

Giám đốc Công ty Chánh Thu, bà Nguyễn Thị Hồng Thu cho biết chôm chôm java của huyện Chợ Lách có chất lượng tốt hơn chôm chôm Thái Lan và Indonesia. Lợi thế quan trọng là ta có chôm chôm trái vụ để xuất khẩu trong khi các nơi khác chưa có.

Công ty Chánh Thu từ mấy năm trước thường mua chôm chôm cao hơn giá thị trường. Công ty đã cam kết mua chôm chôm GlobalGAP của nông dân cao hơn giá thị trường 15 – 20%. Hơn nữa, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, tỉnh đang khuyến khích nông dân và doanh nghiệp đầu tư mở rộng thêm chôm chôm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Công ty Chánh Thu cũng mở rộng đầu tư chôm chôm VietGAP sang các vùng lân cận thuộc Vĩnh Long, Tiền Giang để tiến tới hợp thức hóa việc cấp mã số và tăng thêm lượng chôm chôm cung ứng sang thị trường Mỹ và các thị trường khác. Hướng chuyển vụ chính sang trái vụ (tháng 9-10) cũng đang được các địa phương triển khai.

Theo TBKTSG

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seventeen + six =

To Top