Connect with us

Nhãn hàng riêng trong cơ chế cạnh tranh

Tin trong nước

Nhãn hàng riêng trong cơ chế cạnh tranh

Nhiều chuyên gia cho rằng xu thế kinh doanh nhãn hàng riêng là tất yếu trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Không chỉ là giải pháp về thương hiệu, “nhãn hàng riêng” còn tạo ra cơ chế cạnh tranh tích cực cho nền kinh tế, giúp hạ giá thành các sản phẩm cùng loại trên thị trường, tăng chế độ hậu đãi để thu hút người tiêu dùng. Và đây đang được coi là những xu hướng mới của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Hệ thống bán lẻ nước ngoài đầu tiên tham gia là hệ thống Metro Cash&Carry. Hệ thống này đã nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu khi liên tục phân phối vào thị trường Việt Nam nhiều ngành hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, may mặc, đồ dùng nhà bếp, văn phòng…

Tiếp sau thành công của Metro Cash & Carry là Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Big C, Vinatex Mart… tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, đồ gia dụng trong nước với giá thành hợp lý hơn. Doanh thu đáng kể từ nhãn hàng riêng (từ 20 – 35% doanh thu) đã giúp nhiều hệ thống bán lẻ trong nước mở rộng được hệ thống cung cấp tới nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết đây là một hình thức đã phát triển khá phổ biến trên thế giới, song ở Việt Nam mặc dù mới chỉ có một vài doanh nghiệp bán lẻ áp dụng, nhưng nó cũng có những tác động tích cực đối với xã hội, nhất là trong thời buổi lạm phát và giá cả tăng cao như hiện nay. Bên cạnh đó, giá sản phẩm riêng của siêu thị thường có giá rẻ hơn rất nhiều so với những sản phẩm cùng loại bán trên thị trường, vì thế rất được người nội trợ tin dùng.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, cho biết hiện nay trong Hội Siêu thị Hà Nội có khoảng 6/15 thành viên đã có những sản phẩm riêng và chiếm tỷ lệ khoảng 3-5% trong hệ thống siêu thị. Việc các siêu thị cho ra đời sản phẩm riêng ít nhiều tạo ra những mặt tích cực có lợi cho người tiêu dùng, nó tạo thêm nguồn cung cho sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Đồng thời, tạo sự cạnh tranh giữa các siêu thị làm hạ giá thành và có lợi cho người tiêu dùng được hưởng những sản phẩm giá rẻ. Điều này cũng giúp các doanh nghiêp bán lẻ chủ động được nguồn hàng thay vì phải phụ thuộc vào doanh nghiệp sản xuất.

Việc phát triển sản phẩm riêng không chỉ đem lại doanh thu cho doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu và so với các doanh nghiệp sản xuất thì doanh nghiệp bán lẻ có lợi thế hơn. Bà Mai Khuê Anh, Phó tổng giám đốc Hapro, cho biết việc phát triển sản phẩm riêng của doanh nghiệp sẽ có các lợi thế như: liên kết thị trường nội bộ; ưu tiên trong việc sử dụng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường, tới đối tác; được ưu tiên bày bán trong hệ thống bán lẻ của mình, tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chính những lợi ích khi rút ngắn được một số khâu trong chuỗi cung ứng, giảm chi phí sản xuất và bán hàng đã khiến người tiêu dùng mua được hàng giá rẻ, có thêm sự lựa chọn sản phẩm và tin tưởng vào chất lượng đảm bảo vì siêu thị đã kiểm soát nguồn hàng. Đơn cử như Hapro, đơn vị này đã có những sản phẩm giá thành thấp hơn và tương đương với những sản phẩm cùng loại do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Trong thời kỳ giá cả có nhiều biến động như hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng nhiều sản phẩm cùng loại do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thay thế những sản phẩm nhập khẩu tương đương về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, đặc biệt thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đại diện Hapro cho biết đơn vị này sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường và sẽ cho ra đời những sản phẩm mới sản xuất trong thời gian tới. Hệ thống siêu thị BigC cũng đã đưa ra thị trường hàng loạt nhãn hàng riêng với chất lượng luôn bằng với các thương hiệu dẫn đầu, nhưng giá rẻ hơn từ 15% đến 30%. Đây là cách tiếp cận thị trường không cạnh tranh với các nhãn hàng dẫn đầu, mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ngoài nhãn hàng WOW!, Big C cũng vừa tung thêm một nhãn hàng riêng mới mang tên chính siêu thị.

Theo giới kinh doanh, các mặt hàng thuộc nhãn hàng riêng thường rẻ hơn mặt hàng cùng loại từ 10 đến 50%. Đây là những sản phẩm được nhà phân phối trực tiếp đặt nhà sản xuất cung cấp với số lượng lớn, dành cho một đối tượng cụ thể. Điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với chất lượng thấp hơn, mà giá rẻ chủ yếu do các nhà phân phối tiết kiệm được các khoản chi phí tiếp thị (khuyến mãi, quảng cáo, phân phối, làm thương hiệu).

Tuy nhiên, phát triển thế nào và quản lý vấn đề này ra sao thì lại là điều không đơn giản và không phải doanh nghiệp bán lẻ nào cũng có đủ lực để làm. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, nếu quản lý không khéo, thì việc các siêu thị tung ra các nhãn hàng riêng lại chính là con dao hai lưỡi gây hại cho siêu thị. Vì trên thực tế, khi sản xuất sản phẩm, doanh nghiệp lại phải liên kết với một doanh nghiệp sản xuất, và nếu quản lý không tốt thì chính những sản phẩm này lại làm mất uy tín của hệ thống phân phối nếu được dán nhãn thương hiệu của chính doanh nghiệp phân phối.

Để khắc phục được mặt trái này ông Chủ tịch Hội Siêu thị Hà nội đưa ra ý kiến rằng các siêu thị cần cử người giám sát các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp liên kết và hoạt động này cần tổ chức bền bỉ. Đồng thời, nhà nước cũng nên có những cơ chế khuyến khích bằng chính sách thuế và cũng cần có những sự can thiệp, định hướng cụ thể cho các doanh nghiệp phân phối trong việc đưa ra nhãn hàng riêng.

Theo Tầm Nhìn

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

eight + 2 =

To Top