Connect with us

Thép lại bội thực!

Tin trong nước

Thép lại bội thực!

Mức tiêu thụ thép cả nước hiện nay chỉ chiếm 50-60% công suất sản xuất của tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường, do đó tình trạng cung vượt xa cầu, dẫn đến bội thực là hiển nhiên.

Thông tin sắp có thêm 9 nhà máy sản xuất thép đi vào hoạt động trong năm 2011 giữa lúc thép dư thừa hơn 2 triệu tấn đang tiếp tục gây sốc với giới đầu tư và kinh doanh thép. “Cái vòng luẩn quẩn này mọi người đều thấy nhưng để có được giải pháp triệt để thì còn phải mất nhiều thời gian”, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, nhận xét.

Khủng hoảng thừa

Cả 9 dự án thép dự kiến hoạt động trong năm nay có tổng công suất thiết kế lên đến hơn 2 triệu tấn thép xây dựng và 1 triệu tấn phôi thép, tập trung chủ yếu tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Đà Nẵng. Chưa hết, trong năm sau sẽ có thêm 4 dự án thép khác đi vào hoạt động với công suất thiết kế hơn 1 triệu tấn phôi thép, 450.000 tấn thép xây dựng và thép không gỉ. Và thống kê mới nhất của Hiệp hội Thép cho thấy, tính đến cuối tháng 4.2011, tổng công suất sản xuất thép xây dựng cả nước vượt 8,99 triệu tấn, thừa gần 2,7 triệu tấn so với tổng mức tiêu thụ 6,32 triệu tấn.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất công nghiệp cả nước tính đến hết tháng 4.2011 nêu rõ, thị trường thép trong nước đang giảm dần về sản lượng và giá cả. Nguyên nhân là tác động của việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết của khu vực doanh nghiệp nhà nước nhằm góp phần kiềm chế lạm phát. Sản lượng thép tiêu thụ của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VSC) 4 tháng đầu năm 2011, chẳng hạn, ước đạt trên 808.000 tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Thép cho biết mức tiêu thụ thép hiện nay của cả nước chỉ chiếm 50-60% công suất sản xuất của tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường, cho nên tình trạng cung vượt xa cầu, dẫn đến bội thực là hiển nhiên. “Đây là cái chết được báo trước từ cách đây 2-3 năm, khi nhà nhà làm thép, ngành ngành làm thép”, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép, nói.

Thời gian qua, tình trạng cấp phép thoải mái trong ngành thép đã dẫn đến hệ lụy là có đến 3 dự án thép lớn sản xuất theo công nghệ cán nóng, có trong quy hoạch ngành, nhưng lại bị rút giấy phép hay tiếp tục án binh bất động.

Đầu tiên là dự án Khu Liên hợp Thép Cà Ná (Ninh Thuận), liên doanh giữa Vinashin và Lion Group của Malaysia, vốn đầu tư 9,8 tỉ USD, vừa bị rút giấy phép vì chủ đầu tư không còn năng lực triển khai dự án. Tiếp đến là dự án thép liên hợp Hà Tĩnh của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) liên doanh với VSC, quy mô vốn trên 3 tỉ USD và dự án thép tấm cán nóng ở Bà Rịa – Vũng Tàu, liên doanh giữa Tập đoàn Essar Steel của Ấn Độ, VSC và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, vốn đầu tư 600 triệu USD. Hai dự án này hiện vẫn giậm chân tại chỗ vì nhiều lý do khác nhau.

Bài học Trung Quốc

Theo Tân Hoa Xã, Chính phủ Trung Quốc đã công bố danh sách 2.087 nhà máy phải đóng cửa trong năm 2011, trong đó có 175 nhà máy thép. Hồ Nam và Thiểm Tây là 2 địa phương có nhiều nhà máy bị đóng cửa nhất.

Chính phủ nước này cho biết, việc đóng cửa các nhà máy nói trên là nhằm cải thiện tình hình sử dụng năng lượng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây chính là hành động nhằm tái cơ cấu ngành công nghiệp nặng sau thời kỳ phát triển ồ ạt và hỗn loạn. Trong đó, ngành sản xuất thép là một minh chứng.

Theo báo cáo “Quy hoạch điều chỉnh và chấn hưng ngành thép năm 2009-2010” của Chính phủ Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành thép là 21,1%/năm, cao gấp đôi mức tăng tổng sản phẩm quốc nội. Vì vậy, chỉ sau 2 thập niên, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất và tiêu thụ sắt thép nhiều nhất thế giới. Năm 2008, tổng công suất các nhà máy thép Trung Quốc lên tới 660 triệu tấn, gấp rưỡi khả năng tiêu thụ 453 triệu tấn của thị trường nội địa.

Sự phát triển phi mã của ngành này đã dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng như thường xuyên bị khủng hoảng thừa, chỉ sản xuất được sắt thép phẩm cấp thấp, sản phẩm cao cấp vẫn phải nhập khẩu. Các nhà máy thép Trung Quốc cũng chỉ có quy mô nhỏ, bình quân công suất chưa tới 1 triệu tấn/nhà máy, sử dụng công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.

Báo cáo trên của Trung Quốc đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng tập trung nhất là sự thay đổi ở các lĩnh vực công nghệ, quy mô sản xuất và thị trường. Theo đó, Trung Quốc chủ trương đào thải năng lực sản xuất lạc hậu, cụ thể là trong năm 2011 sẽ đào thải các lò cao 400 m3 và lò điện 30 tấn trở xuống. Về quy mô, Trung Quốc chủ trương hình thành một số doanh nghiệp thép quy mô cực lớn thông qua sáp nhập, trong đó 5 doanh nghiệp đứng đầu phải chiếm tỉ trọng khoảng 45% tổng sản lượng thép cả nước; mỗi doanh nghiệp có công suất không dưới 50 triệu tấn thép/năm. Về thị trường, nước này chủ trương khống chế xuất khẩu sản phẩm thép có giá trị gia tăng thấp như thép xây dựng. Trung Quốc còn dùng biện pháp hoàn thuế linh hoạt để khuyến khích xuất khẩu sản phẩm thép có hàm lượng kỹ thuật cao, bảo hộ thị trường cho doanh nghiệp gang thép trong nước và tích cực đầu tư ra bên ngoài.

Đối với Việt Nam, việc sắt thép Trung Quốc chiếm thị trường không phải là điều đáng ngại vì nước này chủ trương hạn chế xuất khẩu sắt thép có giá trị gia tăng thấp. Thép Trung Quốc xuất khẩu cũng không hơn sản phẩm của doanh nghiệp trong nước về chất lượng lẫn giá cả. Tuy nhiên, điều đáng ngại là cùng với làn sóng “đào thải năng lực sản xuất lạc hậu” Trung Quốc đang thực hiện, nhiều nhà máy thép của nước này sẽ tìm cách chuyển sang Việt Nam nhằm tận dụng môi trường đầu tư thông thoáng. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu giám sát chặt chẽ việc đào thải, không cho các nhà máy lạc hậu chuyển sang địa phương khác trong nước, nhưng lại không hạn chế việc chuyển sang nước khác.

Bộ Công Thương cho biết hiện có đến 30 tỉnh thành có dự án sản xuất thép; nhiều nhất là Bà Rịa – Vũng Tàu có 15 dự án, Hải Phòng có 9 dự án. Công suất và sản lượng lớn nhất thuộc về các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Ninh Thuận. Ngoài việc gây khủng hoảng thừa, các dự án này đều tập trung sản xuất chủng loại sắt thép thông thường, sử dụng công nghệ bậc trung và thấp. Do đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt vấn đề về sự chuyển dịch nhà máy, thiết bị và công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Trên cơ sở rà soát các dự án được địa phương cấp phép đầu tư, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch những dự án có khả năng thực hiện. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương kiên quyết thu hồi giấy phép đối với dự án không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết. Bộ còn đưa yêu cầu nên để các địa phương tạm dừng cấp phép dự án thép xây dựng thông thường vì cung đã vượt xa cầu.

“Bài học Trung Quốc rất đáng để chúng ta suy ngẫm và đặt quyết tâm thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn về sự mất cân đối cung cầu của ngành thép trong nước, vốn đã tồn tại từ nhiều năm qua”, ông Thái, Công ty Thép Việt, cho biết.

Theo NCĐT

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × 5 =

To Top