Tin trong nước
Ứng xử với túi nylon
Những chiến dịch hạn chế sử dụng túi nylon - được cho là thảm họa môi trường - chuyển sang túi nhựa sử dụng nhiều lần và túi giấy đang được phát động khắp nơi, cùng với mức thuế 30.000-50.000 đồng/ki lô gam sẽ được áp dụng năm tới, đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất túi nylon như ngồi trên lửa.Thay bằng gì?
Ông Nguyễn Phú Túc, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa Đồng Nai, kể rằng mới đây ông ra Hà Tĩnh dự một lễ phát động phong trào kiểu đó, và được phát cho một chiếc túi nhựa PP, sử dụng được nhiều lần. Ông chỉ biết cười ra nước mắt là bởi người ta đang thay thế một sản phẩm độc hại này bằng một thứ còn độc hại hơn. “Túi trông đẹp, nhưng đem giặt thì màu phai, túi tróc. Mà cũng ít ai kè kè xách theo đến công sở, để đến giờ tan tầm mang theo chiếc túi túa ra chợ, chạy vào siêu thị để mua đồ cả. Điều đáng nói là loại túi này, vốn là phát minh của thập niên 1960, còn độc hại hơn, và khó phân hủy hơn cả túi nylon”, ông Túc nói.
Lại có nơi chuyển qua phát động dùng túi giấy, coi đó là một giải pháp thay thế hoàn hảo, bởi túi giấy dễ phân hủy, bảo vệ môi trường. Nhưng theo ông Túc, nguyên liệu để sản xuất túi này là bột kralf, mà để có được một tấn bột này phải tốn đến 3 mét khối gỗ, thì “rừng đâu mà chịu nổi”.
Một doanh nghiệp khác cho biết do nhu cầu sử dụng túi giấy cao nên thời gian qua giá nguyên liệu giấy lên khá cao. Nhập phế liệu giấy từ nước ngoài thì không được phép vì những lo ngại về môi trường, còn trong nước lại thiếu, nên một số cơ sở sản xuất đã pha các tạp chất, trộn cả bột đá vào, khiến cho chất lượng giấy không được bảo đảm.
Giải pháp khả dĩ nhất mà một số doanh nghiệp tìm đến có lẽ là sản xuất túi nylon sinh học tự hủy. Nhưng giải pháp này lại đang gặp những khó khăn cả về kỹ thuật, thị trường lẫn chính sách.
Công nghệ để sản xuất ra loại túi này, theo các chuyên gia không khó. Chỉ có điều giới khoa học vẫn chưa có động thái nghiên cứu các hoạt chất phụ gia sinh học, trong khi các cơ quan quản lý chưa xây dựng được bất kỳ quy chuẩn kỹ thuật nào. Chính vì thế, các thông số chỉ do các nhà sản xuất tự công bố.
Các chất phụ gia này, một số có sẵn ở trong nước, một số phải nhập từ nước ngoài nhưng giá thành khá cao. Một chất phụ gia tự hủy có tên là polylactic acid, lại được chiết xuất từ tinh bột, mà trong thời điểm “khủng hoảng lương thực” như hiện nay, giá thành đang quá tầm với của các doanh nghiệp.
Thị trường của loại túi này vẫn còn nhỏ, và một số nhà sản xuất đã bắt tay với các siêu thị bán lẻ để thử nghiệm. Từ năm 2008, Công ty cổ phần Bao bì Vafaco đã có chương trình nghiên cứu sản xuất bao bì tự hủy. Đến nay, một nhà máy công suất 130 tấn/tháng đã ra đời, sản xuất túi tự hủy từ nhựa HDPE với chất phụ gia reverte nhập từ Anh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phước Đông, Giám đốc Vafaco, các loại túi này cũng chỉ mới được sử dụng trong phạm vi các siêu thị Coop Mart ở TPHCM trong tháng 4 và tháng 5, và nếu thành công sẽ nhân rộng ra cả nước. Ông Đông cho biết thêm rằng siêu thị Big C cũng đang đặt hàng với số lượng lớn.
Doanh nghiệp của ông Đông đang hợp tác với một số nhà khoa học ở Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM để cho ra đời một loại chất phụ gia tự hủy trong nước. Nhưng do chưa có phòng thí nghiệm nào thử nghiệm loại chất này, nên ông phải đưa sang Mỹ thử nghiệm, khá tốn kém. Ông cũng đang có kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy để đón đầu thị trường, nhưng bài toán về vốn đầu tư trong tình cảnh hiện nay đang là một vấn đề nan giải, chưa biết xoay xở ra sao.
Các chính sách khuyến khích về vốn, hay miễn giảm thuế nhập khẩu với các chất phụ gia vẫn chưa có. Dù là sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng, theo Cục Thuế TPHCM, đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định ưu đãi cho ngành sản xuất bao bì tự hủy sinh học.
Cần cách ứng xử mới
Hàng năm, lượng túi nylon sản xuất đồng thời thải ra môi trường rất lớn. Riêng TPHCM, mỗi ngày có chừng 50 tấn túi nylon được sử dụng và thải ra môi trường.
Riêng về xuất khẩu, hàng năm các nhà máy cũng xuất khoảng 300.000 tấn túi nylon sang các nước, trong đó có nhiều quốc gia có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cao như Đức, Nhật Bản, Đan Mạch, Tây Ban Nha…
Vấn đề đặt ra ở đây có lẽ là không nên tranh cãi về tác hại của túi nylon mà là cách ứng xử với nó. Ở các nước tiên tiến, việc phân loại rác tại nguồn rất có hiệu quả, nhưng cách làm này ở TPHCM, sau một thời gian ngắn thử nghiệm, đã nhanh chóng thất bại. Nguyên nhân là do các hộ gia đình chấp hành việc phân loại rác ngay đầu nguồn, nhưng đến khi xe rác đến, tất cả các loại rác lại được gom thành một mớ, trộn chung, nên đâu lại vào đấy. Sự thất bại của mô hình phân loại rác này, cùng với ý thức của người tiêu dùng đang biến bản thân những chiếc túi nylon trở thành “tội đồ” của môi trường, trong khi ý thức của người tiêu dùng đang bị bỏ qua.
Theo các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này, việc đánh thuế môi trường đối với túi nylon sẽ khiến cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn, có nguy cơ đóng cửa. “Đóng cửa một ngành hàng quá dễ, nhưng để xây dựng một ngành hàng mới, như túi tự hủy thì quá khó, chưa chắc làm được, vì vốn đâu mà làm”, ông Túc nói.
Theo TBKTSG
